Có phải tất cả chúng ta đều từng là thiên sứ? Ai đã lãnh đạo công trình cải tạo gen từ 10.000 năm trước? Ăn trái cây là có thể sống mãi, vì sao khắp nơi trên thế giới đều có truyền thuyết về Cây Sự Sống?
Chào mừng các bạn đến với Bí ẩn chưa được giải đáp!
Nếu có một nơi như vậy trên Trái Đất, không có áp lực sinh tồn, cũng không có phiền não của sinh sinh tử tử, ánh dương mãi mãi ôn hòa, bốn mùa vĩnh viễn chỉ là xuân, quả cây đều có thể ăn mãi không hết, mỗi con động vật đều là thú cưng nhu thuận với bạn, bạn có thể vĩnh viễn sống vô lo vô nghĩ ở nơi đó, thì bạn có mong muốn di dân đến nơi đó không?
Đó chính là Vườn Địa Đàng trong Kinh Thánh, ngôi nhà thuở nguyên sơ của Adam và Eva. Kể từ khi họ bị trục xuất vì ăn trái cấm, Vườn Địa Đàng đã bị Thần khóa lại, không ai có thể quay trở lại. Nhưng hàng nghìn năm nay, con người vẫn luôn tìm kiếm nó, bởi vì trong vườn có một Cây Sự Sống thần kỳ. Nếu bạn ăn trái của cây đó, bạn có thể trường sinh bất lão.
Nhưng Vườn Địa Đàng và Cây Sự Sống có thực sự tồn tại?
Vườn Địa Đàng ở nơi đâu?
Theo Kinh Thánh và Sáng Thế Ký, Vườn Địa Đàng nằm ở một vùng đồng bằng phía đông, là nguồn cội chung của 4 con sông là sông Pison, sông Gihon, sông Tigris và sông Euphrates. Hai con sông Pison và Gihon hiện tại đã không tìm thấy nữa, nhưng sông Tigris và Euphrates là chân thực tồn tại. Gần đây, ngày càng có nhiều bằng chứng khảo cổ học chứng minh nơi khởi nguyên của hai con sông này, cũng chính là trên cao nguyên Armenia ở phía đông nam Thổ Nhĩ Kỳ, có một nền văn minh sớm hơn bốn nền văn minh cổ đại, có thể có niên đại từ 10.000 năm trước, hoặc thậm chí lâu hơn. Quần thể đá Göbekli Tepe mà chúng tôi đã giới thiệu trước đây có lịch sử gần 12.000 năm, và được coi là ngôi đền cổ xưa nhất thế giới. Một số người thậm chí còn tin rằng ngôi đền này nằm bên trong Vườn Địa Đàng. Tại sao nói như vậy?
Đầu tiên chúng ta hãy nhìn lại cuộc đời của Adam và Eva sau khi họ bị trục xuất khỏi Vườn Địa Đàng. Họ không đi quá xa mà định cư ở phía Tây Vườn Địa Đàng. Tổng lãnh thiên thần Michael được phái đến dạy Adam cách làm ruộng, nên Adam là một nông dân. Sau này họ sinh hạ được hai người con trai, Cain và Abel. Cain trồng trọt, và Abel chăn cừu. Sau đó, Cain xuất phát từ tâm tật đố đã giết chết Abel, nên bản thân bị đày ải. Sau đó, Chúa đã ban cho Adam một đứa con trai để lấp chỗ trống mà Abel để lại. Tên đứa con ấy là Seth.
Câu chuyện kể đến đây, mọi người có để ý rằng, nếu Kinh Thánh giảng về lịch sử loài người, thì vào thuở sơ khai của loài người đã có hai nghề: chăn nuôi và trồng trọt. Bằng chứng khảo cổ học chứng minh, gia súc và lúa mì sớm nhất trên thế giới đến từ cao nguyên Armenia của Thổ Nhĩ Kỳ. Nơi đây còn được mệnh danh là “cái nôi của nền nông nghiệp thế giới”.
Çayönü Tepesi, cách không xa đền Göbekli Tepe, được coi là nơi đầu tiên trên thế giới phát hiện ra gia súc. Trong khoảng thời gian từ năm 8.630 trước Công nguyên đến 6.800 trước Công nguyên, tức là từ 10.000 đến 8.000 năm trước, nơi đây đã một thời phồn vinh. Người dân ở đây xây nhà, làm đồ gốm và chăn nuôi số lượng lớn gia súc. Họ có đàn gia súc rất lớn, cũng nuôi cừu và lợn. Trên hòn đảo nhỏ thuộc Địa Trung Hải cách đây không xa, người ta phát hiện lợn nhà đã tồn tại ở đây từ hơn 11.400 năm trước. Những con lợn này được du nhập từ đất liền, rất có khả năng cũng đến từ cao nguyên Armenia ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Không chỉ vậy, còn tìm thấy lúa mì có niên đại từ 10.000 năm trước mọc ở đây. Gần khu vực này có nhiều di tích có lịch sử hàng chục nghìn năm như Karaca Dağ, Cafer Höyük, v.v. Bạn có thể tưởng tượng, từ 10.000 năm trước, trên cao nguyên này ở Thổ Nhĩ Kỳ, nếu nói con người nguyên bản bắt đầu sinh sản ở đây, họ kỳ thực đã sống rất thoải mái, lương thực đủ đầy, cừu dê thành bầy.
Thuần hóa hay sáng tạo?
Nói đến đây, liền xuất hiện câu hỏi. Những lúa mì, gia súc, cừu và lợn này đến từ đâu? Giới khoa học cho rằng chúng đều được thuần hóa từ động vật và thực vật hoang dã trong một thời gian dài mà có. Mặc dù thuyết pháp này thường được chấp nhận phổ biến, kỳ thực nó có rất nhiều điểm đáng ngờ.
Ví dụ, mặc dù lợn rừng và lợn nhà đều là lợn, và trông cũng rất giống nhau, nhưng một con thì tính tình hung bạo, con kia lại ngoan ngoãn nhu thuận, hoàn toàn khác nhau về tính cách. Sự thực về gen mà xét, chúng thuộc về hai loài động vật khác nhau. Bởi vì lợn nhà có 38 nhiễm sắc thể, trong khi lợn rừng chỉ có 36 nhiễm sắc thể. Năm 1981, có một nhà khoa học Nhật Bản đã xuất bản một báo cáo chỉ ra, để cho nhiễm sắc thể của động vật có vú xảy ra một lần biến hóa, cần có thời gian ước khoảng 2,5 triệu năm. Nếu nói lợn nhà là thuần hóa từ lợn rừng, thì có thể phải mất hàng triệu năm mới có thể thay đổi hoàn toàn gen hoang dã của chúng. Tuy nhiên, theo thuyết tiến hóa của Darwin, con người mới học cách đi thẳng từ hàng chục ngàn năm trước, họ làm sao có năng lực thuần hóa được lợn rừng?
Một ví dụ khác là lúa mì. Lúa mì được con người trồng được đặt tên là lúa mì hiện đại. Người ta thường tin rằng nó được thuần hóa từ lúa mì hoang dã. Nhưng một nhược điểm lớn của lúa mì hoang là ngay khi mỗi hạt lúa mì trưởng thành, lớp vỏ bên ngoài sẽ nứt ra, và nhân gạo bên trong sẽ bật ra và rơi xuống đất. Đây cũng là bản năng sinh tồn của thực vật hoang dã, thuận lợi cho hạt nảy mầm. Nhưng đối với con người, điều này lại khiến cho việc thu hoạch lúa mì trở nên bất khả thi. Bạn không thể nhặt từng hạt gạo ra khỏi đất. Nhưng lúa mì hiện đại lại không hề có nhược điểm này. Sau khi mỗi hạt lúa chín, nó sẽ ngoan ngoãn nằm trong bông lúa, chờ đợi mọi hạt lúa chín đều để cho con người thu hoạch.
Làm thế nào mà người xưa từ 10.000 năm trước đã thuần hóa ra được loại lúa mì ngoan ngoãn như vậy?
Vào tháng 7 năm 2017, một bài báo đăng trên tạp chí Science đã đưa ra câu trả lời. Các nhà khoa học phát hiện ở lúa mì, sở dĩ hạt lúa sau khi chín có hay không tự động tách vỏ rơi ra là do có một cặp gen khống chế. Trong lúa mì hoang dã, cặp gen này làm việc vô cùng tận tâm, trong khi ở lúa mì hiện đại, chúng hoàn toàn ‘nằm thẳng’, hoàn toàn không kích hoạt. Cũng chính là nói, nếu lúa mì hiện đại thực sự được thuần hóa từ lúa mì hoang dã, thì nó chắc chắn phải trải qua một quá trình cải tạo gen. Điều khiến người ta kinh ngạc là, cho đến nay, chưa hề có một loài thực vật trung gian quá độ nào giữa lúa mì hoang dã và lúa mì hiện đại được tìm thấy. Giữa hai loại lúa mì, không hề trải qua quá trình diễn hóa dần dần và lâu dài. Vậy thì từ một vạn năm trước, là ai đã nắm giữ kỹ thuật cải tạo gen?
Vậy thì, những vật nuôi và cây trồng đó có phải được thuần hóa mà ra không? Hay như Kinh Thánh nói, nó được Thần trực tiếp sáng tạo ra và ban cấp cho loài người?
Dù thế nào đi nữa, kể từ khi phát hiện ra bãi đá Göbekli Tepe, những khám phá khảo cổ đáng kinh ngạc vẫn không ngừng xuất hiện trên cao nguyên Armenia ở miền đông Thổ Nhĩ Kỳ, và các chuyên gia học giả đổ về đây để nghiên cứu khảo cổ học về Vườn Địa Đàng như dòng chảy vô tận.
Cây Sự Sống trên khắp thế giới
Tác gia lịch sử người Anh Andrew Collins là một trong số đó. Collins luôn rất hứng thú đối với văn minh thời tiền sử. Ông cũng đã phát hiện ra một hang động bí ẩn bên dưới các kim tự tháp trên cao nguyên Giza ở Ai Cập. Hang động này được cho là dẫn tới đáy Kim tự tháp Khufu, và chứa đựng nhiều địa điểm bí ẩn.
Mối quan tâm của ông đối với Vườn Địa Đàng bắt nguồn từ một giấc mơ kỳ lạ. Trong mộng, ông nhìn thấy một giáo đường, nơi một nhóm tu sĩ đang thực hiện nghi thức tôn giáo sùng đạo trên một miếng gỗ. Miếng gỗ từ từ bay lên trời trong buổi lễ. Một giọng nói từ đâu đó nói với ông rằng, mảnh gỗ này đến từ Cây Sự Sống, có thể mang lại cho con người sự vĩnh sinh.
Nói đến Cây Sự Sống, loại cây này cũng xuất hiện ở nhiều nền văn minh cổ đại khác. Ở Trung Quốc, đó là cây bàn đào trong hoa viên Tây Vương Mẫu. Mỗi lần Tây Vương Mẫu tổ chức tiệc đãi khách ở ao Dao Trì, bàn đào chính là tâm điểm của bữa tiệc, cắn một miếng liền có thể trường sinh bất lão. Trong thần thoại Hy Lạp, thiên hậu Hera cũng có một Cây Thánh, đó là món quà từ Thần Dớt (Zeus), vua của các vị Thần. Cây Thánh kết quả đều là những quả táo vàng kim, được canh giữ bởi con rồng trăm đầu Ladon.
Trong thần thoại Bắc Âu, có một Cây Thế Giới khổng lồ cao tới tận trời xanh. Có chín vương quốc cư ngụ trên cây. Vương quốc của con người nằm ở giữa, gọi là Trung thổ. Tầng trên cùng của cây là nơi ở của Thần tộc Æsir, và tầng dưới cùng là Vương quốc của vong linh. Giữa nhân giới và Thần giới có tinh linh ánh sáng. Giữa nhân giới và âm giới có tinh linh hắc ám. Dưới gốc cây có ba cái rễ, và trên một trong số ba rễ cây có con rồng độc ác “Nidhogg” đang không ngừng ăn rễ cây. Ngày cuối cùng nó cắn xuyên qua Cây Thế Giới sẽ là ngày tận thế.
Ngoài ra cũng có một Cây Thế Giới như vậy trong văn hóa Maya của thổ dân Mỹ, là đường trục mang tính biểu tượng trên mặt đất nối liền địa ngục và thiên đường.
Từ đây mà xét, “Cây Sự Sống” trong các nền văn hóa khác nhau trên thế giới đều gắn bó không thể tách rời với sự sống vĩnh cửu và thiên đàng của Chúa. Vậy thì, trên thế giới thực sự có loại cây như vậy không?
Bí ẩn của Cây Sự Sống
Chúng ta hãy bắt đầu nói từ thời Adam. A-đam sống được 930 năm. Sau đó, ông bị bệnh, cảm thấy thời gian của mình không còn nhiều, nên đã triệu tập các con đến, và kể cho chúng nghe câu chuyện về sự sa ngã của ông.
Mọi người đều biết rằng Adam và Eva sa ngã vì ăn trái cây biết Thiện Ác, từ đó họ biết xấu hổ. Nhưng có một mục sư giải thích rằng, đằng sau câu chuyện này còn có nội hàm thâm sâu hơn. Đức Chúa Trời bảo với vợ chồng Adam rằng, có thể ăn bất cứ trái nào, chỉ là không được ăn trái Thiện Ác, ăn chúng vào sẽ chết. Ở đây có nghi vấn. Con người là do Thần tạo ra, Thần tự nhiên yêu thương họ, vì sao Ngài lại giữ một cái cây nguy hiểm trong vườn?
Bởi vì cái cây này kỳ thực là một khảo nghiệm đối với Adam và Eva, khảo nghiệm xem họ có niềm tin đối với Thần hay không. Khảo nghiệm rất nhanh đã đến. Con rắn hóa thành Satan, dụ dỗ họ rằng nếu họ ăn trái cây này, họ không những sẽ không chết, mà sẽ có được trí huệ của Chúa. Tại thời điểm này, họ đã chọn tin lời Satan hơn là tin vào lời của Chúa. Đây chính là căn nguyên tối căn bản của sự đọa lạc của con người, chính là không tin Chúa. Bởi vì không tin Chúa, bất tín Thần, nên họ không được ở lại khu vườn của Thần, không có được cuộc sống vĩnh hằng. Hai vợ chồng họ từ đó đã bị trục xuất.
Dù Adam sống được 930 năm, nhưng rốt cuộc ông vẫn phải chết. Khi ông hấp hối, con trai ông là Seth đã theo mẹ Eva đến cổng Vườn Địa Đàng, và xin Chúa ban cho ông một ít dầu từ Cây Sự Sống để xoa cho cha mình. Nhưng Thiên thần Michael đã từ chối thỉnh cầu của họ.
Seth và Eve ra về tay trắng. Nhưng sau đó, có lẽ vì lòng nhân tưf của Chúa, một thiên sứ đã đưa cho Seth một hạt giống của Cây Sự Sống. Họ đã chôn hạt giống tại nơi táng Adam. Sau này hạt giống đã bén rễ, và phát triển thành một cây lớn. Sau khi cây bị đốn hạ, gỗ được sử dụng để tạo ra một số đồ vật kỳ diệu. Đầu tiên là cây trượng của Mose, sau đó là cây xà trong đền thờ vua Sa-lô-môn, và cuối cùng là cây Thánh giá của Chúa Giê-su.
Sau đó, Helena, mẹ của Constantine, hoàng đế La Mã đầu tiên hợp pháp hóa Cơ đốc giáo, đã đến thăm Jerusalem và khai quật được cây Thập Tự Giá đã bị vùi sâu dưới đất lên một cách kỳ diệu. Người ta phát hiện cây Thập Tự Giá có khả năng tái sinh, và những chồi xanh tiếp tục mọc ra từ nó. Một người phụ nữ bị bệnh nặng đã được chữa khỏi sau khi chạm vào Thập Tự Giá. Sau này người ta gọi nó là “Thập Tự Giá Thật”, nghĩa là cây thập tự giá chân thực của sinh mệnh. Vào năm 348 sau Công Nguyên, cây Thập Tự Giá này bị tháo rời, các mảnh vỡ rải rác khắp nơi. Sau đó, nhiều nhà thờ tuyên bố bảo tồn các mảnh vỡ của Thập Tự Giá Thật. Những mảnh vỡ này được cho là có năng lực phục hồi sự sống cho người bệnh.
Trở lại với tác gia lịch sử người Anh Andrew Collins, để truy tìm những mảnh của Cây Sự Sống mà anh nhìn thấy trong giấc mơ, Collins đã tìm kiếm theo nhiều hướng, cuối cùng đặt mục tiêu là tu viện Yeghrdut, cách bãi đá Göbekli Tepe hơn 200km về phía đông. Tu viện này đã bị tàn phá vào năm 1915, nhưng người dân địa phương thường tin rằng có một khu rừng giống như Vườn Địa Đàng ở thung lũng này, và những người già sống ở đây một thời gian sẽ trẻ ra hai mươi tuổi.
Collins cũng đến đó cùng đội của mình. Họ ở lại vài ngày tại một ngôi làng nhỏ gần đó. Khung cảnh ở đây thanh bình và thoát tục. Xung quanh tu viện có bốn con suối giống như bốn dòng sông chảy trong Vườn Địa Đàng. Bên kia suối là một khu rừng đầy cây sồi. Trên sườn phía đông nam của tu viện, họ phát hiện một vùng đất đỏ rộng lớn. Năm đó, Chúa chính là đã dùng đất sét đỏ để tạo ra Adam. Dù vẫn chưa chắc đây có phải là một góc của Vườn Địa Đàng hay không, nhưng Collins phát hiện dân làng ở đây đối xử hòa hợp với thiên nhiên một cách rất ưu nhã. Tâm thái thuần chân thuần tịnh của họ đã lưu lại cho Collins ấn tượng rất sâu sắc. Sau khi trở về thành thị, anh vẫn thường nhớ đến khoảng thời gian ở đó.
Một ngày nọ, Collins chợt nhận ra, trước khi Adam và Eva bị cám dỗ, họ chắc hẳn đều có trái tim trong sáng thuần chân thuần thiện như nhau. Như đã đề cập trong nhiều tín ngưỡng cổ xưa, chỉ có một tâm linh đơn giản, thuần khiết và trong sáng mới có thể hồi quy trở lại Thiên đàng. Việc tìm thấy Vườn Địa Đàng hay không kỳ thực không quan trọng.
Sau đó, Collins nói trong một cuốn sách, rằng: “Để thực sự trở lại Thiên đường và hưởng thụ sự vĩnh sinh mà Cây Sự Sống ban tặng, bản thân chúng ta trước tiên phải biến thành giống như thiên sứ, như chúng ta đã từng là thiên sứ.”
- Trọn bộ Bí ẩn chưa được giải đáp
Theo Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch