Vũ trụ hoặc là hữu hạn, hoặc là vô hạn. Nếu vũ trụ là vô hạn, điều đó cho thấy các vũ trụ song song rất có thể sẽ tồn tại, theo nhà vật lý Brian Greene.
Ông sử dụng một phép ẩn dụ để giải thích khái niệm này với trang tin NPR.
Hãy hình dung vũ trụ như một bộ bài.
“Bây giờ, nếu bạn xáo trộn bộ bài đó, sẽ có rất nhiều trình tự sắp xếp quân bài có thể xảy ra”, TS Greene nói. “Nếu số lần xáo trộn đủ nhiều, các trình tự sắp xếp sẽ phải lặp lại. Tương tự, với một vũ trụ vô hạn nhưng chỉ có số lượng hữu hạn các hình thái vật chất trong đó, thì hiển nhiên trình tự sắp xếp của các hình thái vật chất này sẽ phải lặp lại”.
Ông nói rất nhiều nhà lý thuyết đang nghiêm túc nhìn nhận giả thuyết tồn tại một đa vũ trụ, và tiếp cận nó từ nhiều góc độ khác nhau. Dưới đây là một số góc độ như vậy:
1. Các vũ trụ bong bóng
Nhà vũ trụ học từ Đại học Tufts Alexander Vilenkin cho rằng các túi không gian có thể bắt đầu giãn nở sau Vụ Nổ Lớn (Big Bang), tạo ra khá nhiều “vũ trụ bong bóng” biệt lập.
Theo lý thuyết của Vilenkin, bong bóng của chúng ta đã ngừng giãn nở, tạo ra các điều kiện nhất định trong vũ trụ này, nhưng các bong bóng khác vẫn tiếp tục giãn nở và mang những tính chất vật lý khá khác biệt với vũ trụ chúng ta quan sát được.
2. Vũ trụ của chúng ta là một hình chiếu ba chiều của một vũ trụ khác
Lý thuyết dây nhìn nhận vũ trụ như một thế giới cấu tạo từ các sợi dây rất mỏng đang liên tục dao động. Những sợi dây này tạo ra các lực kéo mà hiện nay chúng ta gọi là trọng lực. Thế giới từ các sợi dây đó được nhìn nhận như một ảnh ba chiều chiếu ra từ một vũ trụ chiều thấp hơn; một vũ trụ đơn giản hơn, mỏng hơn, trong đó không tồn tại trọng lực.
3. Các khoảng chân không lớn có thể liên hệ với vũ trụ khác
Một khoảng chân không trong không gian trải dài 1 tỷ năm ánh sáng đã làm các nhà khoa học chấn động khi được phát hiện vào năm 2007. Sau đó một khoảng chân không khác trải dài 3,5 tỷ năm ánh sáng lại được phát hiện vào năm 2009. Những khoảng chân không này không thể được giải thích bằng vốn hiểu biết hiện nay của chúng ta về cấu trúc và sự phát triển của vũ trụ. Các khoảng chân không với kích cỡ như vậy không thể hình thành chỉ trong khoảng thời gian theo sau Vụ Nổ Lớn, vì chúng cần nhiều thời gian hơn.
Laura Mersini-Houghton, nhà vật lý lý thuyết và phó giáo sư Đại học North Carolina, Mỹ, đã trao đổi với tạp chí New Scientist: “Đây là dấu ấn không thể sai lệch của một vũ trụ khác bên ngoài phạm vi vũ trụ chúng ta đã biết”. Bà nói sự liên đới lượng tử giữa vũ trụ của chúng ta và vũ trụ khác đã để lại một khoảng chân không khi các vũ trụ tách rời nhau.
4. Các vũ trụ song song có thể va chạm vào nhau
Vụ Nổ Lớn hiện đang được nhìn nhận là lý thuyết về sự hình thành vũ trụ, xảy ra khi hai vũ trụ ba chiều va chạm với nhau ở một trường không gian khác. Vụ Nổ Lớn có thể chỉ là một trong nhiều Vụ Nổ Lớn, tức là sự tạo thành vũ trụ có thể mang tính chu kỳ, theo Paul Steinhardt, giáo sư vật lý tại Đại học Princeton, và Neil Turok, giám đốc Viện Perimeter ở Ontario, Canada.
Một phần lý thuyết của họ được dựa trên lý thuyết dây. Chúng được trích dẫn trong phần miêu tả cuốn sách của họ với tiêu đề “Vũ trụ vô tận bên ngoài Vụ Nổ Lớn (Endless Universe Beyond the Big Bang)”: ”[Chúng tôi] cho rằng cái khoảnh khắc hình thành vũ trụ chỉ đơn giản là một phần của chu kỳ vô hạn các vụ va chạm cực đại giữa vũ trụ của chúng ta và một thế giới song song”.
Video: Vũ trụ mà chúng ta đã biết
Vũ trụ chứa đầy những điều bí ẩn đang thách đố tri thức của nhân loại. Mục “Khoa học Huyền bí” của Thời báo Đại Kỷ Nguyên sưu tầm những câu chuyện về các hiện tượng kỳ lạ kích thích trí tưởng tượng và mở ra những khả năng chưa từng mơ tới. Chúng có thật hay không? Điều đó tùy bạn quyết định!
Tác giả: Tara MacIsaac, Đại Kỷ Nguyên Anh ngữ
Đọc bản gốc ở đây.
Quý Khải biên dịch
Xem thêm: