Đại Kỷ Nguyên

Năm 2100: Facebook quản lý dữ liệu khổng lồ người dùng để lại sau khi… qua đời như thế nào?

Năm 2100 1,4 tỷ người dùng Facebook sẽ chết: Làm sao quản lý di sản thông tin khổng lồ của họ?

(Ảnh minh họa: VisionTimes )

Đến năm 2100, ít nhất 1,4 tỷ người dùng Facebook sẽ chết. Điều này tạo nên một hồ sơ lưu trữ thông tin khổng lồ, cái gọi là nghĩa địa kỹ thuật số, trên mạng xã hội này.

Phân tích mới của các học giả từ Viện Internet Oxford (Oxford Internet Institute – OII) thuộc ĐH Oxford dự đoán trong vòng 50 năm tới, trên Facebook số người dùng đã khuất có thể vượt xa số người dùng còn sống. Xu hướng này sẽ ảnh hưởng rất lớn tới cách chúng ta đối đãi với di sản kỹ thuật số của chúng ta trong tương lai. Theo dự đoán mà kết quả phân tích đưa ra dựa trên cấp độ người dùng năm 2018, có ít nhất 1,4 tỷ thành viên sẽ chết trước năm 2100.

Facebook sẽ trở thành nghĩa địa kỹ thuật số trong tương lai? (Ảnh minh họa: VisionTimes )

Trong kịch bản này, số người dùng đã chết có thể đông hơn số người dùng còn sống vào năm 2070. Nếu mạng xã hội lớn nhất thế giới tiếp tục mở rộng với tốc độ hiện tại, số người dùng đã chết có thể lên tới 4,9 tỷ trước khi kết thúc thế kỷ 21. Tác giả chính của nghiên cứu, ông Carl Öhman – nghiên cứu sinh tiến sĩ tại OII cho biết:

“Các số liệu thống kê này đưa ra những câu hỏi mới hóc búa về việc ai sẽ là người có quyền đối với tất cả các dữ liệu này, làm thế nào để quản lý chúng dựa trên lợi ích của gia đình cũng như bạn bè của người đã khuất, cũng như việc các nhà sử học trong tương lai có thể sử dụng chúng như thế nào để tìm hiểu về quá khứ.

Ở cấp độ xã hội, chúng tôi mới bắt đầu đưa ra những câu hỏi này và chúng ta còn một chặng đường dài để tìm kiếm lời giải đáp. Việc quản lý các hài cốt kỹ thuật số sẽ ảnh hưởng đến tất cả những người sử dụng phương tiện truyền thông xã hội vì tất cả chúng ta đều sẽ ra đi vào một ngày nào đó và để lại dữ liệu của mình ở lại.

Những hồ sơ của người dùng đã khuất này ít nhất sẽ trở thành một phần của di sản kỹ thuật số toàn cầu của chúng ta”.

Hồ sơ của người dùng đã khuất sẽ tạo nên một phần không nhỏ của di sản kỹ thuật số toàn cầu. (Ảnh minh họa: Gizmodo )

Đồng tác giả David Watson – nghiên cứu sinh tiến sĩ Triết học tại OII giải thích:

“Chưa bao giờ trong lịch sử có một kho lưu trữ khổng lồ về hành vi và văn hóa của con người được tập hợp ở cùng một nơi như vậy. Kiểm soát kho lưu trữ này, theo một nghĩa nào đó, sẽ giống như kiểm soát kho lịch sử của chúng ta.

Do đó, điều quan trọng là chúng ta cần đảm bảo rằng quyền truy cập các dữ liệu lịch sử này không bị giới hạn trong một công ty vì lợi nhuận. Điều quan trọng khác nữa là đảm bảo rằng các thế hệ tương lai có thể sử dụng di sản kỹ thuật số của chúng ta để hiểu hơn về lịch sử của họ”.

Phân tích đưa ra hai kịch bản đối lập tiềm năng:

Kịch bản đầu tiên giả định rằng không có người dùng mới nào tham gia vào năm 2018. Dưới điều kiện này, tỷ lệ người dùng đã chết của Châu Á sẽ tăng nhanh chóng, chiếm gần 44% tổng số người dùng đã chết vào cuối thế kỷ. Gần một nửa số hồ sơ đó đến từ Ấn Độ và Indonesia, gộp lại chiếm tới gần 279 triệu người dùng Facebook tử vong vào năm 2100.

(Ảnh: goldencharter.co.uk)

Kịch bản thứ hai giả định rằng Facebook tiếp tục tăng trưởng với tốc độ 13% hàng năm như hiện tại trên toàn cầu, cho đến khi mỗi thị trường đạt đến mức bão hòa. Trong điều kiện này, Châu Phi sẽ chiếm một tỷ lệ ngày càng tăng của số người dùng đã mất. Đặc biệt, Nigeria sẽ trở thành một trung tâm lớn trong kịch bản này, chiếm hơn 6% của tổng số. Ngược lại, người dùng phương Tây sẽ chỉ chiếm một số ít, chỉ có Hoa Kỳ lọt vào top 10.

Öhman giải thích thêm:

“Kết quả thu được không hẳn là một dự đoán về tương lai, mà là một sự phản ánh về sự phát triển hiện tại và là một cơ hội để định hình tương lai chúng ta đang hướng tới.

Tuy nhiên, điều này không ảnh hưởng đến quan điểm rộng hơn của chúng tôi rằng rất cần đến những cuộc thảo luận nghiêm túc về những “vụ tử vong online” [do người dùng qua đời] và ý nghĩa vĩ mô của nó. Facebook chỉ là một ví dụ điển hình, bất kỳ nền tảng nào khác với khả năng kết nối toàn cầu tương tự như Facebook đều phải đối diện với vấn đề này”.

(Ảnh: damienmccdli.wordpress.com)

Watson cũng cho biết:

“Facebook nên mời các nhà sử học, nhà lưu trữ, nhà khảo cổ và các chuyên gia đạo đức tham gia vào quá trình quản lý khối lượng dữ liệu tích lũy khổng lồ mà chúng ta để lại sau khi qua đời.

Đây không chỉ là việc tìm kiếm các giải pháp bền vững trong vài năm tới, mà còn có thể trong nhiều thập kỷ tới”.

Các dự đoán được dựa trên dữ liệu từ Liên Hợp Quốc, nơi cung cấp số lượng tử vong và tổng dân số dự kiến ​​cho mọi quốc gia trên thế giới được phân phối theo độ tuổi. Dữ liệu Facebook được trích từ tính năng Audience Insights của công ty. Mặc dù nghiên cứu cũng lưu ý rằng bộ dữ liệu tự báo cáo này có một số hạn chế, nhưng điều này cung cấp ước tính công khai toàn diện nhất về kích thước và sự phân phối của cả mạng lưới người dùng mạng xã hội khổng lồ này.

Theo Đại học Oxford

Nhật Quang biên dịch

Video: Mạng xã hội liệu có tồn tại mặt trái?

Xem thêm:

Exit mobile version