Cuối thời kỳ Maya cổ đại vào thế kỷ 9, điều gì đó đã xảy ra khiến nền văn minh vĩ đại một thời này ở Trung Mỹ tàn lụi. Với nguyên nhân không rõ ràng, nền văn minh Maya tiên tiến đang thịnh vượng đột nhiên suy tàn.
Dân số sụt giảm nhanh chóng và các công trình bằng đá hoành tráng, như ở Yucatán, không còn được thấy xây dựng thêm sau này. Điều gì đã xảy ra vậy?
Một nghiên cứu mới chỉ ra rằng thủ phạm khiến nền văn minh Maya sụp đổ có thể là tình trạng hạn hán. Đây là kết luận của một nhóm các nhà nghiên cứu từ Đại học Công nghệ Viên (Áo), sau khi xem xét các mối tương tác giữa hai yếu tố xã hội và thủy lợi, rồi biểu diễn chúng thông qua mô hình toán học. Kết quả nghiên cứu của họ cho thấy hệ thống tưới tiêu phục vụ người Maya trong các đợt hạn hán thực ra cũng khiến xã hội của họ dễ bị tổn thất hơn trước các thảm họa lớn.
Kim tự tháp Tonina Chiapas của người Maya. Bấm vào ảnh để phóng to. (Ảnh: Internet)
Nguồn nước và xã hội ảnh hưởng lẫn nhau. Nguồn cung nước quyết định sản lượng lương thực, từ đó tác động đến sự phát triển dân số. Ngược lại, sự gia tăng dân số có thể tác động đến vòng tuần hoàn nước, ví như thông qua việc xây dựng các bể chứa nước.
“Chúng ta đã biết rằng người Maya xây dựng các bể chứa nước để đề phòng các đợt hạn hán”, Linda Kuil, một trong những nghiên cứu sinh tiến sĩ thuộc chương trình Hệ thống Tài nguyên Nước của GS Günter Blöschl tại Đại học Công nghệ Áo, cho hay.
“Với mô hình này, hiện chúng tôi có thể phân tích hiệu quả của việc điều tiết thủy lợi đối với xã hội của họ. Không chỉ vậy, nó còn có thể mô phỏng các trường hợp có và không có bể chứa nước nhằm đối chiếu kết quả của hai trường hợp này”.
Hạn hán có phải là thủ phạm khiến nền văn minh Maya diệt vong?. (Ảnh: Internet)
Hóa ra, bể chứa nước thực sự có thể cung cấp sự trợ giúp đáng kể trong những đợt hạn hán ngắn. Theo kết quả mô phỏng, nếu không có bể chứa dân số Maya sẽ giảm đáng kể sau một đợt hạn hán, ngược lại nếu có bể chứa dân số sẽ tiếp tục gia tăng.
Tuy nhiên, bể chứa có thể khiến dân số chịu tổn thất nhiều hơn trong những đợt hạn hán kéo dài. Cơ chế điều tiết thủy lợi có thể không đổi, và nhu cầu tiêu thụ nước đầu người không giảm, nhưng dân số lại tiếp tục gia tăng. Điều này có thể mang đến tai họa, nếu một đợt hạn hán khác xảy ra, dẫn tới sự sụt giảm dân số còn lớn hơn so với khi không có bể chứa.
“Đối với các nguồn tài nguyên khan hiếm, giải pháp đơn giản nhất trên bề mặt không nhất định là giải pháp tốt nhất”, cô Linda Kuil nói. “Cần phải thay đổi lối sống của người dân, đánh giá lại sự phụ thuộc của xã hội vào nguồn tài nguyên nước và cắt giảm lượng tiêu thụ — nếu không xã hội trên thực tế sẽ phải chịu nhiều tổn thất hơn trước các thiên tai chứ không phải ngược lại, bất chấp có các giải pháp kỹ thuật thông minh”.
Có lẽ chúng ta sẽ không bao giờ biết được tất cả nguyên nhân đằng sau sự suy tàn của người Maya. Xét cho cùng, chiến tranh hay dịch bệnh cũng có thể góp mặt ở đây.
Tác giả: Message to Eagle.
Đăng tải với sự cho phép. Đọc bản gốc ở đây.
Quý Khải biên dịch
Xem thêm: