Những thành tựu máy tính đạt được khiến con người bị lép vế, nhưng máy tính vẫn không thể sánh được với bộ não người.
Vào ngày 11 tháng 5 năm 1997, siêu máy tính Deep Blue của IBM đã đánh bái đại kiện tướng cờ vua người Nga, Garry Kimovich Kasparov. Ông được ví là kỳ thủ mạnh nhất trong lịch sử với hệ số ELO 2851, được xếp hạng cao nhất trong khoảng 20 năm từ năm 1985 đến năm 2005 và là nhà vô địch cờ vua thế giới không thể đánh bại từ 1985 đến 1993 . Sự thất bại của Kasparov đã đe doạ vị thế của con người như những sinh vật ‘thượng đẳng”, vốn được cho là hơn hẳn mọi giống loài khác. Và với sự kiện Deepblue vị thế ấy đang bị đe doạ một cách trầm trọng, bởi một “giống loài” mới: robot với bộ óc là máy tính (computer)!
Máy tính đã có những bước nhảy vọt rất xa kể từ sự kiện Deep Blue, và đặc biệt với sự phát triển như vũ bão của công nghệ AI trong những năm gần đây, máy tính dường như đã có một chỗ đứng vững chắc. Chúng hỗ trợ bộ não chúng ta trong hầu như mọi khía cạnh của đời sống công việc, không đâu không hiện hữu. Nếu thiếu chúng, hiệu quả công việc sẽ sụt giảm một cách trầm trọng.
Vậy phải chăng máy tính giỏi hơn bộ não người? Thực tế không phải vậy. Trên thế giới hiện có khoảng 7,4 tỷ người, ai ai cũng có một bộ não, và ngoại trừ các thiên tài có năng khiếu thiên bẩm ra, thì có lẽ khó có ai có thể đánh bại máy tính trong nhiều nhiệm vụ, ví như tính toán, hay như chơi cờ như trong trường hợp Deep Blue kể trên. Nhưng nếu chỉ dựa vào đó để kết luận rằng não người không bằng máy tính, thì lại là một nhận thức ấu trĩ, sai lệch. Điều này sẽ được làm rõ hơn, nhưng trước hết hãy xem xét cấu tạo vô cùng phức tạp của bộ não người.
Bộ não người – một cơ quan phức tạp, tinh vi sánh ngang … vũ trụ
Cần đến 82.944 bộ xử lý và 40 phút để một chiếc siêu máy tính mô phỏng lại chỉ một giây hoạt động của não bộ con người.
Đó là kết quả sau khi các nhà nghiên cứu tại Học viện Công nghệ Okinawa ở Nhật Bản và Trung tâm Nghiên cứu Forschungszentrum Jülich ở Đức sử dụng siêu máy tính K vào năm 2013 để mô phỏng lại một giây hoạt động của não bộ con người.
Siêu máy tính K là máy tính nhanh thứ 8 trên thế giới tính đến nay. Nó có thể xử lý 10,51 Petaflops mỗi giây (Petaflop/s), hoặc có thể hiểu là khoảng 10.510 nghìn tỷ phép tính mỗi giây. Chiếc máy tính này có thể điểu khiển một mẫu mạng lưới gồm 1,73 tỷ nơ-ron (tế bào thần kinh). Tuy nhiên, não bộ con người có đến 100 tỷ nơ-ron. Tức là, não bộ con người có số tế bào nơ-ron nhiều tương đương số ngôi sao trong Dải Ngân Hà.
Mặc dù chiếc siêu máy tính này đã thành công trong việc mô phỏng lại một giây hoạt động của não bộ con người, nhưng nó vẫn cần đến 40 phút.
So sánh một cách tương quan, bộ não người phải chứa tới 17 tỷ cái máy tính, bởi MỖI MỘT NƠ-RON là một cái máy tính. Vỏ não của bạn chứa tới 17 tỷ cái máy tính. Đây nhận định của TS Mark Humphries từ ĐH Manchester (Anh).
Theo ông, bản thân mỗi một neuron hình chíp là một mạng nơ ron gồm hai lớp. Não bộ của chúng ta mạnh mẽ kinh hoàng.
Tập hợp các nơ-ron trong não bộ có thể liên kết với nhau để xử lý một lượng dữ liệu khổng lồ.
Khả năng xử lý thông tin của não bộ rất phức tạp và tinh vi. Lấy ví dụ, hai tín hiệu (thông tin) đầu vào cùng hoạt động một lúc sẽ cho ra tín hiệu lớn hơn tổng tín hiệu phát ra bởi hai đầu vào cộng lại, chứ không phải cho ra số lượng tín hiệu y nguyên. Đây gọi là hiện tượng nhảy điện áp.
Tại Châu Âu người ta có cả một dự án với quy mô hoành tráng nhằm vẽ bản đồ não bộ con người với độ chính xác cao, gọi là Dự án vẽ Bản đồ Não người (Human Brain Project). Để tiến hành dự án này, các nhà khoa học phải viện đến các siêu máy tính với khả năng tính toán thuộc hàng exaFLOPS, có thể tính được một tỷ tỷ phép tính mỗi giây, tức gấp 1000 lần năng lực tính toán của của các siêu máy tính nhanh nhất hiện tại. Dự kiến phải đến 2020 thế giới mới chào đón chiếc siêu máy tính đầu tiên thuộc dạng này.
Một minh họa về dự án này đã được Kênh National Geographic (Kệnh Địa lý Quốc gia) hé mở vào năm 2014. Các nhà khoa học đã tạo ra một mẫu 3D một phần não bộ của chuột với kích cỡ ngang một hạt muối. Để vẽ bản đồ bộ phận nhỏ tí xíu này của não chuôt với độ chính xác cao, họ đã sử dụng một kính hiển vi electron để xem xét nó trong 200 phần, mỗi phần có độ dày bằng một sợi tóc của con người. “Một bộ não con người mô phỏng ở mức độ chi tiết như vậy sẽ cần một lượng dữ liệu bằng với tất cả các tài liệu in trong tất cả các thư viện trên thế giới,” Kênh National Geographic đã viết
Thực tế, giới khoa học đã phát hiện ra rằng, cấu trúc các tế bào não bộ trông rất giống với sự phân bố vật chất quy mô lớn trong thiên hà vũ trụ.
Một nghiên cứu khác của nhà vật lý Dmitri Krioukov ở Đại học California cùng một nhóm các khoa học gia được công bố trên tạp chí Nature đã cho thấy những sự tương đồng đáng ngạc nhiên giữa mạng lưới nơ-ron thần kinh trong đại não và những kết nối giữa các thiên hà. Họ cho biết những tương tác hình thành giữa vật chất và các thiên hà là tương tự như những tương tác có trong mạng lưới nơ-ron thần kinh của bộ não người.
Thông qua các kết quả trên, một giả thuyết chấn động được đưa ra:
Não bộ giống như một vũ trụ thu nhỏ.
Đến đây, có thể không ít người sẽ đăt câu hỏi: Nếu não bộ mạnh hơn rất nhiều lần siêu máy tính nhanh nhất thế giới, thì tại sao chúng ta lại không thể giải được những bài toán đơn giản chỉ trong vài giây? Chẳng phải chúng ta thua máy tính trên phương diện này đó sao?
Đúng vậy, bộ não không thể đánh bại máy tính trên phương diện này, chỉ vì bộ não có nhiều việc cần phải lo nghĩ hơn máy tính. Hãy thử cân nhắc trường hợp sau.
Bộ não và máy tính đang cố gắng tính nhẩm ra kết quả của phép tính 196*164. Trong khi đang làm việc này, não của bạn phải cùng lúc kiểm soát hơi thở, nhịp tim, huyết áp, chức năng thận và nhiều chức năng sinh học khác. Nó cũng đồng thời phải kiểm soát một lượng lớn thông tin từ mắt, tai, mũi, da, v.v. Và có lẽ nó cũng đang xử lý vô vàn ý nghĩ và tư tưởng khác, cùng lúc xác định xem ai đó đang làm gì ở phía sau lưng bạn.
Trong khi đó, máy tính chỉ có một nhiệm vụ, đó là tính toán, và không gì khác. Hãy thử nhìn nhận nó theo một cách khác, nếu máy tính bị mắc kẹt trong một tập hợp nhiệm vụ dài dằng dặc bất tận như bộ não đang phải làm, mà có nhiệm vụ nó sẽ không thể làm được (nhưng trước hết cứ giả định là nó làm được), thì không biết nó sẽ chạy chậm rì đến bao nhiêu khi phải tính nhẩm phép toán đơn giản nêu trên so với bộ não của bạn. Trên thực tế, mỗi giây bộ não của bạn đang phải đối phó với nhiều thông tin hơn ngay cả chiếc siêu máy tính nhanh nhất trên toàn cầu. Thật ấn tượng khi biết rằng bộ não của chúng ta có thể xử lý bao nhiêu thông tin, điều này cần rất nhiều “mã lực” tâm trí và là thứ chắc chắn máy tính không thể làm được.
Bộ não không chỉ mạnh mẽ, nhanh nhạy hơn mọi chiếc máy tính, mà nó còn sở hữu những khả năng đặc thù mà máy tính không thể, hoặc chí ít chưa thể làm được.
Bộ não với sức mạnh sáng tạo vô tận
Trong một bài viết trên trang MakeUseOf.com, nhà văn tự do kiêm kỹ sư điện Ryan Dube đã bình luận về tuyên bố sau đây của tác giả Gary Marcus: “Sự khác biệt căn bản giữa máy tính và tâm trí con người là nằm ở cách tổ chức bộ nhớ cơ bản.”
Dube đã viết: “Để thu thập một dữ liệu nào đó, máy tính sử dụng các điểm lưu trữ lôgic. Trái lại, não bộ con người sẽ ghi nhớ nơi thông tin được lưu trữ dựa vào các tín hiệu kích hoạt. Những tín hiệu này là các mảnh thông tin hay ký ức có liên kết với thông tin bạn cần thu thập.
Một ví dụ đơn giản để minh họa cho điều này. Giả dụ bạn nhìn thấy một món đồ cũ, và những ký ức và kỷ niệm xoay quanh món đồ đó chợt ùa về. Ở đây, sự hiện diện của món đồ cũ đó là một tín hiệu kích hoạt, giúp gợi lại ký ức và kỷ niệm về nó, vốn là các thông tin trước từng lưu trữ trong não mà giờ bạn cần nhớ lại, cần thu thập.
Dube nói: “Điều này có nghĩa là tâm trí con người có thể kết nối một số lượng các khái niệm gần như vô hạn trong nhiều dạng thức khác nhau, và sau đó đôi lúc ngắt kết nối hoặc tái lập kết nối dựa vào thông tin mới. Điều này cho phép con người bước ra khỏi cái khung giới hạn của những điều đã được biết đến, để từ đó hướng đến nghệ thuật và các phát minh mới vốn là nét đặc trưng của loài người.”
Như đã nói ở trên, bộ não bạn thu thập thông tin nội bộ từng lưu trữ qua đời sống dựa vào sự liên kết giữa một tín hiệu kích hoạt và thông tin nội bộ đó. Chúng là 2 thực thể độc lập, riêng biệt. Với rất nhiều thực thể độc lập riêng biệt như vậy, cũng chính là với rất nhiều thông tin, dữ liệu hay tín hiệu kích hoạt trong “ổ chứa” của bộ não, sẽ có thể hình thành nên vô số sự liên kết, sự kết nối các loại. Và chính sự kết nối đa dang giữa các thông tin độc lập khác nhau sẽ tạo nên các điều mới, các phát minh, và sự sáng tạo, bởi lẽ, những phát minh mới chẳng qua chỉ là sự sắp xếp bố cục, sư tái tổ chức trật tự, hay sự liên kết khác nhau trong cấu trúc của những điều đã biết mà thôi. Hãy thử lấy một ví dụ minh họa, đó là chiếc iPhone.
Như chúng ta đã biết, khi mới ra mắt vào năm 2007, iPhone, đúng như kỳ vọng của Steve Jobs, đã trở thành một “chiếc điện thoại mang tính cách mạng”, “một chiếc iPod với màn hình cảm biến rộng”, “một thiết bị liên lạc kết nối Internet mang tính đột phá”. Nó đã định nghĩa lại ngành công nghiệp điện thoại di động toàn cầu, đánh bại các hãng điện thoại nổi tiếng trong ngành khi đó là Sony Ericsson, Nokia, Motorola, … Với một chiếc iPhone, bạn có thể quay video (mặc dù đây không phải là tính năng chuẩn cho đến khi ra đời iPhone 3GS), chụp ảnh, nghe phát nhạc, gửi và nhận email, duyệt web, gửi và nhận tin nhắn văn bản, định vị bằng GPS, ghi chú, thực hiện các phép tính toán và nhận thư thoại kèm hình ảnh. Ngoài ra iPhone còn có thể tích hợp thêm các chức năng khác, chẳng hạn như chơi game video, đọc sách điện tử, lướt mạng xã hội bằng cách tải xuống ứng dụng dành cho thiết bị di động v.v… Tính đến thời điểm tháng 3 năm 2018, cửa hàng App Store của Apple chứa khoảng hơn 2,1 triệu ứng dụng (app) có sẵn cho iPhone, biến chiếc iPhone thành một thiết bị siêu chức năng, vượt quá giới hạn của một chiếc điện thoại đơn thuần. Do đó, iPhone là một thiết bị rất mới, rất tân kỳ.
Tuy nhiên, nếu bóc tách chiếc iPhone ra các thành phần nhỏ và xem xét chúng từng cái một, chúng ta có thể nhận thấy rằng thực tế iPhone chỉ là sự kết hợp, liên kết hay tổng hợp của những chức năng, thiết bị đã ra đời trước đó rất lâu.
Lấy ví dụ, ý tưởng về một chiếc điện thoại di động sử dụng màn hình cảm ứng, có thể kết nối Internet, hợp với định nghĩa của một chiếc “smartphone” hiện đại, là chiếc IBM Simon của hãng IBM, ra đời vào năm 1992.
Tương tự, khái niệm về một chiếc camera có thể chụp ảnh kỹ thuật số đã ra đời vào năm 1975, với tên gọi Cromemco Cyclops.
iPhone thực chất chỉ là một sự kết hợp khéo léo, tài tình các yếu tố đã có sẵn lại với nhau để tạo nên một sản phẩm mang tính cách mạng. iPhone không mới, cái mới ở đây chính là sự kết hợp rất mới các yếu tố cũ kỹ có sẵn một cách tinh tế để tạo ra một thiết bị kinh ngạc.
Cơ chế tương tự áp dụng với bộ não người. Các liên kết khác nhau giữa các yếu tố cũ đã có tạo nên những cái mới, tạo nên sự sáng tạo. Đối với não người, yếu tố cũ có sẵn ở đây có thể là các thông tin, ký ức, dữ liệu thu thập trong quá trình sinh sống và trải nghiệm. Khi bộ não bạn sắp xếp và liên kết chúng lại với nhau theo một cách thức nào đó, bạn sẽ nảy ra một ý tưởng mới, có thể rất đột phá và tân kỳ. Chức năng này khó có thể được lập trình được cho một cỗ máy tính computer. Và mặc dù các nhân viên và kỹ sư của Apple có thể phải viện đến rất nhiều computer trong quá trình định hình phiên mẫu iPhone, với đầy đủ các chi tiết kỹ thuật đi kèm, nhưng ý tưởng sáng tạo nguyên gốc, khái niệm về một thiết bị có thể tích hợp một cách khéo léo, tài tình vô số chức năng, lại bắt nguồn từ đặc điểm rất độc đáo, riêng biệt, và đặc thù này của bộ não con người. Đó còn chưa kể trong quá trình trung gian, những quyết định mang tính sáng tạo đột phá thường là quyết định của bộ não người, computer chỉ hữu dụng trong việc thực hiện các tác vụ sẵn có “một cách máy móc”, chứ khó có thể sáng tạo và đưa ra những giải pháp tân kỳ như vậy.
Toán học là một ngành khoa học đồ sộ. Nó đồ sộ nhưng lại khá trừu tượng, có phần không dính dáng đến đời sống, bởi nó là sản phẩm của sức sáng tạo lớn lao của bộ não con người. Đây là nhận định của giáo sư vật lý Paul Davies từ ĐH Arizona State (Mỹ), được trích trong cuốn sách “Có một Đấng Tạo Hóa quan tâm đến bạn không?”.
Do đó so với một cỗ máy tính, quả thực, bộ não con người sở hữu một khả năng sáng tạo dường như vô hạn.
Không chỉ sở hữu sức sáng tạo vô hạn, não bộ còn có thể tự thay đổi cấu trúc của bản thân. Nó có tính linh động rất lớn, như có thể thấy trong một số trích đoạn khác trong cuốn sách “Có một Đấng Tạo Hóa quan tâm đến bạn không?”.
Máy móc càng phát triển, chúng càng được đặt lên bàn cân để so sánh với bộ não con người. Thông qua đó sự đối lập và khác biệt căn bản giữa chúng càng thể hiện một cách rõ nét, và ngày càng có nhiều người đặt những câu hỏi về vị thế của con người trong một nền văn minh kỹ trị mà máy móc làm nhân tố đại biểu.
Máy móc vs não người ai giỏi hơn, và hành trình tìm kiếm bản chất đích thực của con người
Việc so sánh máy móc với não người có một ý nghĩa sâu sắc. Sẽ là một hành động ấu trĩ nếu chỉ đặt chúng lên cùng một bàn cân, và so sánh mổ xẻ khả năng tính toán của hai thứ này.
Suy nghĩ rộng ra và sâu hơn, máy móc và bộ não người, chúng đại diện cho hai điều ở hai thái cực đối lập nhau. Trong khi máy móc là đại biểu cho lối tư duy tính, tư duy logic (chính là tư duy computer), tư duy lý luận hay “tư duy máy móc” như người ta vẫn thường gọi, thì bộ não người đại biểu cho lối tư duy thiên về trực giác, tư duy quán tưởng, tư duy trừu tượng.
Khi đề cập đến khả năng nhận thức những cái trừu tượng, một đặc điểm rõ nét phân cách bộ não người với máy móc, GS Phạm Việt Hưng trong loạt bài “Đâu là bản chất đích thực của con người” đã giải thích:
“Trí thông minh của con người hơn hẳn computer ở chỗ nó không chỉ nhận thức được những đối tượng đo được, mà còn nhận thức được những khái niệm không đo được, hoặc những khái niệm vô hình, vô ảnh, vô ngôn – không thể diễn tả được bằng bất cứ một thứ ngôn ngữ nào, mà chỉ có thể quán tưởng bằng chiêm nghiệm, trực giác, thậm chí bằng sự lặng thinh. Computer dựa trên nguyên lý số hoá và logic hình thức, không thể nhận thức cái không đo được và cái không tuân thủ logic hình thức”.
Và song song với khả năng nhận thức sự trừu tượng, một đặc điểm rất độc đáo khác mà chỉ thấy có nơi bộ não người, chính là linh cảm, trực giác, những cảm nhận tinh tế về chân lý mà ta cơ hồ không biết tại sao. Theo GS Hưng:
“Trực giác là khả năng cảm thụ chân lý một cách trực tiếp, không cần suy luận và chứng minh. Trong tiến trình nhận thức, trực giác đi trước, lý luận chứng minh đi sau. Trực giác là cái định hướng, là khả năng “đánh hơi”, logic lý luận chẳng qua là cái giúp chúng ta củng cố niềm tin vào một sự thật khi nó đã bị trực giác nhận diện.
Henri Poincaré, một trong những nhà toán học, vật lý học và triết học vĩ đại nhất của mọi thời đại, đã tổng kết trong cuốn “Science et Méthode” (Khoa học và Phương pháp) ngay từ năm 1908:
“Nhờ logic chúng ta chứng minh, nhờ trực giác chúng ta khám phá”
Về phạm trù trực giác, Albert Einstein cũng đã từng bình luận:
“Tư duy trực giác là một món quà thiêng liêng và tư duy lý luận là một tên đầy tớ trung thành. Chúng ta đã tạo ra một xã hội vinh danh tên đầy tớ và bỏ quên món quà”
Như đã nói ở trên, máy móc vốn là sản phẩm hay thành quả đặc trưng của nền văn minh kỹ trị, nền văn minh vật chất hay suy rộng ra là nền khoa học hiện đại ngày nay, còn bộ não con người thì chính là đại biểu cho con người, cho những gì thuộc về “tính nhân”. Do đó nói không ngoa sự so sánh mang tính đối lập giữa máy móc và bộ não con người, hiểu trên nghĩa rộng, chính là sự chiêm nghiệm về những gì khoa học hiện đại có thể mang lại cho con người và những gì thuộc bản chất của con người mà khoa học không thể mô phỏng, không thể tái lập, không thể làm được điều tương đương.
Lynn Fancher, Phó GS Sinh học tại Đại học College DuPage, Glen Ellyn, Illinois, Mỹ, trong bài báo “The Limitations of Science”[1] (Hạn chế của khoa học) đã nêu lên 3 lĩnh vực mà khoa học không thể trả lời, cũng tức là 3 lĩnh vực mà computer bất lực:
Một: Khoa học không thể trả lời những câu hỏi về giá trị . Chẳng hạn, không thể trả lời câu hỏi “Hoa Hồng hay hoa Cúc đẹp hơn?”, hoặc “Vàng hay thép giá trị hơn?”[
Hai: Khoa học cũng không thể trả lời những câu hỏi về đạo đức. Vấn đề quyết định xem cái gì là thiện hay ác, đúng hay sai, nằm ngoài phạm vi khoa học.
Ba: Khoa học không giúp chúng ta trả lời được những câu hỏi liên quan tới những khái niệm siêu-tự-nhiên (supernatural). Thí dụ: Không thể chứng minh hoặc phủ nhận sự tồn tại của Thượng đế.
Vậy phải tìm câu trả lời cho ba lĩnh vực trên ở đâu?
Hãy tìm trong văn chương, thơ ca, nghệ thuật, âm nhạc, triết học , … Đây là những lĩnh vực nhận thức “người nhất”, giàu tính nhân văn nhất, và có thể coi là đặc trưng bộ não con người mà máy tính không bao giờ làm được.
Quý Khải