Một số nghiên cứu sử học cho thấy người Mỹ đã biết trước vụ tấn công của đế quốc Nhật vào Trân Châu Cảng nhưng vẫn cho nó xảy ra nhằm đạt được các mục tiêu chiến lược sau đó.
Trận tấn công của Nhật Bản vào Trân Châu Cảng lúc 7 giờ 55 phút sáng ngày 7 tháng 12 năm 1941, là một trong những sự kiện quan trọng nhất lịch sử nước Mỹ. Nó đã thúc đẩy chính quyền Hoa Kỳ tham gia vào Chiến tranh thế giới thứ hai ở cả hai mặt trận Thái Bình Dương và Châu Âu. Đồng thời nó cho người Mỹ thấy rằng sống ở một quốc gia theo chủ nghĩa biệt lập không có nghĩa là an toàn khỏi các cuộc tấn công.
Mặc dù việc tham dự của người Mỹ vào Chiến tranh thế giới thứ hai là tương đối thành công, một số người suy đoán rằng Hoa Kỳ có thể ngăn chặn được trận tấn công Trân Châu Cảng và cuộc chiến với người Nhật diễn ra sau đó. Có nhiều lý do khẳng định điều này. Tuy nhiên, tránh khỏi cuộc chiến cũng có cái giá của riêng nó.
Tiền thân của cuộc xung đột Mỹ-Nhật Bản
Căng thẳng giữa Mỹ và Nhật Bản gia tăng vì lợi ích ở Trung Quốc. Nhật Bản tấn công vào lãnh thổ Trung Quốc từ năm 1937. Vào thời điểm cảnh báo về chiến sự chống lại Hoa Kỳ bắt đầu nổi lên ở Nhật Bản, quốc gia này đang liên minh với Ý và Đức. Hoa Kỳ có lợi ích ở Trung Quốc và không muốn quân đội Nhật Bản gia tăng ảnh hưởng ở đây. Hơn nữa, việc Nhật Bản liên minh với Ý và Đức đồng nghĩa với việc nước này ở trong tình trạng chiến tranh với Đế quốc Anh.
Nếu Nhật Bản thành công ở Trung Quốc, điều này sẽ gia tăng sức mạnh của phe Trục và tiến gần hơn tới mục tiêu đánh bại người Anh. Điều này sẽ không tốt cho Hoa Kỳ. Do đó, mặc dù Hoa Kỳ với vị trí không tham chiến, nước này một cách không cố ý đã trở thành một nước tham chiến bởi sự phản đối của họ đối với sự hiện diện của Nhật Bản tại Trung Quốc. Chính quyền Nhật Bản phẫn nộ điều này và quyết định nung nấu kế hoạch trả đũa.
Chạy đua giành vị trí
Hoa Kỳ đã đưa ra lệnh cấm vận dầu và quặng sắt đối với Nhật Bản vào tháng 7 năm 1941, Tổng thống Roosevelt cũng ký một đạo luật cho phép bắt giữ tất cả xe ôtô do Nhật sản xuất đang lưu hành trên đất Mỹ. Hành động này được Tokyo xem là sự gây hấn đáng lên án.
Nước này còn “yêu cầu” Nhật Bản rút quân khỏi Trung Quốc. Thời điểm này là khoảng 6 tháng sau khi cảnh báo chính thức đầu tiên về một cuộc tấn công dự kiến tại Trân Châu Cảng đến tai các quan chức chính phủ Mỹ. Nhật Bản cần dầu của Mỹ để thực hiện các cuộc chiến tranh. Tất nhiên, lệnh cấm vận đã làm trầm trọng thêm mọi thứ.
Thủ tướng Nhật Bản, Hoàng tử Konoye, đã quyết định sắp xếp một cuộc hội đàm với Tổng thống Roosevelt ở Hawaii, để thảo luận các giải pháp khả thi. Roosevelt đồng ý nhưng đã thay đổi địa điểm họp tới Alaska. Tuy vậy, cuộc họp vẫn tiếp tục bị trì hoãn; cuối cùng đã không diễn ra. Vào tháng 10, Tojo Hideki thay thế Konoye làm Thủ tướng.Trong bối cảnh đó, chính phủ Hoa Kỳ không tin rằng người Nhật sẽ tuyên chiến với họ.
Mặc dù có nhiều tàu chiến, binh lính và máy bay ở Trân Châu Cảng do căng thẳng gia tăng với người Nhật, các vấn đề quốc phòng tại căn cứ dường như không được đảm bảo vì đánh giá thấp cuộc đối đầu. Nếu chính phủ Hoa Kỳ thấy tính hợp lý của mối đe dọa chiến tranh với Nhật Bản, và chú ý đến cảnh báo, Trân Châu cảng có thể đã được bảo vệ tốt hơn nhiều. Tuy nhiên, liệu cuộc tấn công vào Trân Châu Cảng có thể tránh được hoàn toàn hay không?
Nếu quân đội Hoa Kỳ đã chuẩn bị nhiều hơn cho một cuộc tấn công vào Trân Châu Cảng, người Nhật có thể đã hủy bỏ kế hoạch tấn công. Tuy nhiên, họ cũng có thể đơn giản là tấn công vào một căn cứ khác. Có lẽ nếu Hoa Kỳ lưu ý đến cảnh báo từ Nhật Bản, họ có thể thu thập nhiều thông tin tình báo hơn và đánh giá tình hình tốt hơn. Nhưng cũng rất có thể họ đang tương kế tựu kế với người Nhật.
Người Mỹ có thể đã biết trước một cuộc tấn công sắp xảy ra
Nhìn lại lịch sử, chúng ta biết rằng chính quyền và quân đội Hoa Kỳ đã nhận thức được một số dấu hiệu cho thấy một cuộc tấn công từ quân đội Nhật sắp sửa diễn ra. Mối quan hệ giữa hai nước cuối những năm 30 bắt đầu xuất hiện rạn nức lớn. Người Nhật đang tuyên truyền xấu về Hoa Kỳ. Có vẻ như họ đang chuẩn bị cho chiến tranh ngay cả trước khi chính phủ Hoa Kỳ nhận ra rằng Nhật Bản có khả năng.
Sau chiến tranh, các tài liệu thuộc về Joseph Grew đại sứ Mỹ tại Nhật Bản, đã được phát hiện. Theo những giấy tờ đó, Grew đã nhận được thông tin tình báo từ đại sứ Peru ở Nhật Bản nói rằng một cuộc tấn công vào Trân Châu Cảng đang được lên kế hoạch. Grew đã nhận được thông tin này vào ngày 27 tháng 1 năm 1941 – gần một năm trước khi cuộc tấn công diễn ra. Grew đã truyền báo lại thông tin này nhưng đã không chú trọng đúng mức và bản thân ông dường như cũng tin rằng điều đó khó xảy ra. Sau đó, Grew đổ lỗi cho Tổng thống Roosevelt về cuộc tấn công và sự tham gia của Hoa Kỳ trong Thế chiến II.
Trong cuốn sách nhan đề “Day of Deceit: The Truth About FDR and Pearl Harbor” học giả Robert Stinnett thuộc Viện nghiên cứu độc lập ở Oakland (California, Mỹ) có đưa ra một giả thuyết khác sau khi nghiên cứu một số tài liệu mật, được cung cấp cho các ủy ban điều tra thuộc lưỡng viện Quốc hội Mỹ về vụ tấn công căn cứ Trân Châu cảng.
Theo đó, khoảng 11 tháng trước khi xảy ra cuộc “đánh úp”, Đô đốc Husband Kimmel – Tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương, cùng với Đô đốc Phó tư lệnh James Richardson đã cảnh báo Lầu Năm Góc về khả năng người Nhật tấn công Trân Châu cảng trên quần đảo Hawaii, cũng là tiểu bang Mỹ duy nhất nằm ngoài đại dương nên khó có sự hỗ trợ từ đất liền. Thông tin của họ dựa vào báo cáo của lực lượng Tình báo Hải quân cài cắm trên đất Nhật, theo đó mật danh chiến dịch được Tokyo đặt là “Magic” (Ma thuật).
Đến ngày 7/11/1941 Đô đốc Harold R. Stark từ trụ sở Lầu Năm Góc điện lại cho Bộ Tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương, đồng ý với nhận định rằng tình hình trong khu vực đang dần phát triển thành một cuộc khủng hoảng. Một tuần sau, công điện kế tiếp nêu rõ quan điểm là “Hoa Kỳ thích Nhật Bản tấn công trước…”. Đồng thời bức điện văn này cũng yêu cầu Đô đốc H. Kimmel chấm dứt mọi hoạt động quân báo liên quan tới vụ “Magic”, cũng như có biện pháp sơ tán tàu bè tránh tổn thất lớn. Vậy là 2 tàu sân bay, 6 tàu tuần dương và 14 tàu phóng lôi đắt tiền đã được di tản từ Trân Châu cảng trên đảo Hawaii sang các đảo Midway và Wake cách xa hàng trăm hải lý.
Trong trận “đánh úp” đúng 3 tuần sau đó, căn cứ Trân Châu cảng thậm chí thiếu cả các phi đội máy bay tuần tiễu thường trực, còn hệ thống pháo phòng không lại ở tư thế không… sẵn sàng chiến đấu. Trong thực tế các phương tiện tác chiến chủ chốt, kể cả phi cơ và tàu chiến thuộc căn cứ đều được dồn lại thành từng nhóm, như thể giúp không quân đối phương dễ bề tiêu diệt hơn. Kết cục là 17 tàu chiến và 188 máy bay đã bị phá hủy, cùng tổn thất sinh mạng là 2.403 người chết và 1.178 người bị thương, trở thành một trong những thất bại lớn nhất trong lịch sử quân đội Mỹ.
Lý do duy nhất cho “nước cờ” này là việc Mỹ đã thấy được sự lớn mạnh không ngừng của phe Trục nói chung cũng như sức ảnh hưởng của phát xít Nhật ở Đông Á nói riêng. Sẽ là một viễn cảnh tệ cho nước Mỹ một khi toàn bộ quân Đồng Minh bị đè bẹp trên khắp các mặt trận Á- Âu. Và Trân Châu Cảng là cái cớ hợp lý nhất để Mỹ tham chiến.
Tất nhiên, đây chỉ là giả thuyết, một nguồn khảo cứu có thể tham khảo. Trên thực tế, không ai có thể phủ nhận được rằng sự tham chiến của Mỹ là cần thiết và là một trong những nhân tố quyết định đối với việc tiêu diệt chủ nghĩa Phát xít, kết thúc Thế chiến II.
Lịch sử như một con sông dài chảy mãi ngàn năm và con người chỉ như những diễn viên trên sân khấu kịch. Thế giới có thể đã bị hủy nếu ngày đó quân Phát xít giành chiến thắng. Nhưng điều đó chắc chắn sẽ không xảy ra, bởi Trời cao có đức hiếu sinh, vinh quang sẽ chỉ thuộc về bên chính nghĩa. Và vinh dự đó thuộc về nước Mỹ, thuộc về quân Đồng Minh.
Video:
Nguyệt Viên