Đại Kỷ Nguyên

Loài cá không mắt ở Mexico nhìn bằng tuyến tùng trong não bộ

Image of eyeless Mexican tetra fish from www.seriouslyfish.com by H-J Chen. Loài cá tetra không mắt Mexico sống trong những hang động. (Ảnh: H-J Chen/seriouslyfish.com)

Cá tetra (tiếng Hy Lạp tetragonopterus: bốn vây) bao gồm nhiều chủng loài cá nước ngọt nhỏ. Đặc điểm của chúng là có một chiếc vây nhỏ nằm giữa vây lưng và vây đuôi. Loài cá neon tetra có màu sắc sáng và đẹp nên thường được nuôi giữ trong bể cá cảnh. Tuy loài cá tetra không mắt Mexico có một vẻ ngoài không đẹp so với đồng loại, nhưng nó lại sở hữu một khả năng đặc biệt.

Cá tetra cảnh với màu sắc bắt mắt. (Ảnh: Pinterest)

Loài cá tetra Mexico nước ngọt bao gồm hai chủng loại: một loại có mắt sống gần mặt nước, loại kia không có mắt sống trong những hang động.

Loài cá tetra không mắt Mexico đã phát triển một cơ quan thị giác nguyên sơ — tiền thân của con mắt — như một phôi, nhưng nó đã bị thoái hóa và bị che phủ bởi sự phát triển quá mức của lớp da trong giai đoạn phôi thai. Chính vì vậy, người ta từng lầm tưởng rằng loài cá này không thể nhận biết ánh sáng, nhưng một nghiên cứu của các nhà khoa học từ Đại học Maryland, Mỹ, đăng trên Tạp chí Thực nghiệm Sinh học vào năm 2008 đã đưa ra môt kết luận khác biệt.

Trên: Cá tetra thường, Dưới: Cá tetra không mắt Mexico. (Ảnh: Nature communications)

Tuy mắt loài cá này không hoạt động, nhưng các nhà nghiên cứu đã phát hiện thấy con cá vẫn có thể nhận biết ánh sáng bằng tuyến tùng quả, một tuyết nội tiết hình quả thông ở gần trung tâm não bộ. Tuy tuyến tùng này nằm sâu bên trong đầu và do đó khó có thể tiếp nhận được ánh sáng, nhưng cơ quan thụ cảm này cũng được biết đến như thể tùng quả hay “con mắt thứ ba” ở một số loài động vật có xương sống.

Xem thêm:

Những cá thể cá hang động từ hai chủng loại, cá hang Pachón và cá hang Tinaja, cùng với loài cá sống gần mặt nước đã được sử dụng làm đối tượng thí nghiệm. Trong thí nghiệm, ấu trùng của cả hai loài cá sống gần mặt nước và cá trong hang đều được tiếp xúc với ánh sáng trong một bể nước nhựa trong vòng 3 phút. Sau đó các nhà nghiên cứu che tối bể nước và đếm số lượng cá bơi lên mặt nước. Phản ứng bóng râm này là tập tính giúp ấu trùng cá con tránh khỏi những kẻ săn mồi bằng cách ẩn núp dưới những vật thể trôi nổi trên mặt nước.

Kết quả thật thú vị: Một ngày rưỡi sau khi được thụ tinh, 60-70% số lượng cá thể trong cả hai loài cá trong hang đều xuất hiện phản ứng bóng râm, trong khi chỉ khoảng 50% số lượng cá thể loài cá sống gần mặt nước xuất hiện phản ứng tương tự. Thí nghiệm này được lặp lại một lần mỗi ngày trong vòng bảy ngày. Loài cá trong hang Tinaja đã tiếp tục xuất hiện phản ứng bóng râm với tần suất mạnh hơn các loài cá sống gần mặt nước trong năm trên tổng số bảy lần thí nghiệm. Kết quả này cho thấy khả năng nhận biết ánh sáng tồn tại trong cả hai loài cá sống gần mặt nước và sống trong hang.

Để xác định xem ấu trùng cá dùng cách nào để nhận biết bóng tối, các nhà nghiên cứu đã cắt bỏ tuyến tùng hoăc một hoặc cả hai bên mắt của các con cá, sau đó lặp lại quá trình thí nghiệm. Cả hai loài cá sống gần mặt nước và trong hang, tuy đã bị cắt bỏ hai bên mắt, nhưng vẫn biểu lộ tập tính tương tự như trước đây; nhưng trong số các con cá bị cắt bỏ tuyến tùng, chỉ có 10% trong số chúng còn xuất hiện phản ứng bóng râm.

Từ đó, các nhà nghiên cứu đã đi đến kết luận rằng tuyến tùng là bộ phận quan trọng trong quá trình xuất hiện phản ứng bóng râm; và rằng tuyến tùng không chỉ là bộ phận duy nhất có thể nhận biết ánh sáng; nhưng cũng tồn tại một sự liên kết thần kinh giữa tuyến tùng và hệ thần kinh vận động.

Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh
Thạch Khánh biên dịch

Exit mobile version