Hỏa hoạn đang hoành hành với tốc độ kỷ lục tại rừng Amazon của Brazil. Tình cảnh nguy nan được vén mở qua những bức ảnh chụp kinh hoàng.
Thường được gọi là lá phổi xanh của Trái Đất, rừng Amazon tạo ra 20% oxy trong bầu khí quyển. Không chỉ góp phần không nhỏ vào việc điều tiết khí hậu toàn cầu, khu rừng nhiệt đới lớn nhất hành tinh này còn là nơi ở của vô số các loài động thực vật quý hiếm. Do đó tình trạng cháy rừng ngày càng diễn biến nghiêm trọng, riêng trong năm nay đã có đến 72.843 vụ hỏa hoạn, tăng hơn 80% so với cùng kỳ năm ngoái, đang khiến toàn thế giới phải lo lắng, đứng ngồi không yên.
Trên truyền thông thế giới những ngày gần đây có lan truyền nhiều hình ảnh và video gây sốc cho thấy các đám khói khổng lồ liên tục bốc lên từ rừng xanh, bùng cháy dữ dội và để lại khói mù đen kịt lan xa hàng ngàn cây số. Thậm chí có thể quan sát những đám cháy lớn từ không gian.
Cánh rừng được mệnh danh “lá phổi của Trái đất”, giờ đang bốc cháy ngùn ngụt
Độ ẩm của rừng Amazon là lá chắn tự nhiên bảo vệ không khí địa phương trước khói bụi từ hỏa hoạn, nhưng do đám cháy quá lớn, hạn hán diễn ra triền miên, nên lá chắn này đã không khởi tác dụng được.
Các thông tin nêu trên đến từ một báo cáo khoa học vào năm 2014. Trong 5 năm qua, người dân dần thấy những nhận định này trở thành sự thật. (Ảnh: BBC)
Trong tuần trước, đã có lần bầu trời ở São Paulo, Brazil trở nên tối mịt. Người ta thậm chí ngửi thấy mùi khét khi mở cửa sổ. Toàn thành phố, cùng một số bang khác ở Brazil như Mato Grosso và Paraná ngập ngụa trong khói vì rừng Amazon bốc cháy! Thống kê cho thấy khói mù đang bao phủ hơn nửa diện tích Brazil và lan tới các nước láng giềng Peru, Bolivia và Paraguay.
Đầu tháng, bang lớn nhất Brazil Amazonas đã thông báo tình trạng khẩn cấp dù mùa cháy của Amazon mới chỉ bắt đầu. Theo thường lệ, mùa cháy kéo dài từ tháng 8 tới tận tháng 10 với đỉnh điểm rơi vào giữa tháng 9. Nhưng năm nay, vào thời điểm hiện tại, người ta đã chứng kiến chuỗi hậu quả quá kinh hoàng.
Điều đáng lưu ý là, trong bối cảnh nguy cấp hiện nay, các bên chính phủ, các tổ chức phi lợi nhuận và các nhà hoạt động xã hội vẫn đang chỉ trích lẫn nhau mà chưa đưa ra được biện pháp khẩn cấp để giải quyết tình hình.
Theo CNN , các nhóm môi trường từ lâu đã vận động để cứu Amazon và họ đổ lỗi cho Tổng thống Jair Bolsonaro. Chính sách môi trường của Tổng thống Brazil đã gây tranh cãi rất nhiều. Là một cựu quân nhân, ông Bolsonaro đã xem nhẹ yếu tố môi trường khi quyết tâm thực hiện chiến dịch khôi phục nền kinh tế bằng cách khai phá triệt để tiềm năng của Amazon.
Nhiều nhà hoạt động môi trường và các tổ chức như WWF (Quỹ Động vật hoang dã quốc tế) cảnh báo rằng nếu Amazon đạt đến điểm không thể phục hồi, khu rừng nhiệt đới này sẽ trở thành một thảo nguyên khô cằn, khan hiếm động vật. Nếu điều đó xảy ra, chúng ta sẽ mất đi nguồn cung oxy quan trọng cho Trái Đất.
(Ảnh: helino, trừ phi được chú thích)