Chào mừng các bạn đến với Bí ẩn chưa được giải đáp!
Nhiều người cho rằng, thời đại chúng ta đang sống đang đứng trước ngã ba của những thay đổi to lớn, và thứ dẫn đầu sự thay đổi mang tính toàn cầu này chính là công nghệ trí tuệ nhân tạo AI.
Mới vào tháng 2 năm nay, có thông tin tiết lộ rằng Neuralink, một công ty công nghệ thần kinh não thuộc sở hữu của “người Sao Hỏa” Elon Musk, đã tiến hành thành công thử nghiệm cấy một con chip não trên cơ thể người, nghe nói đối tượng của thử nghiệm khả năng là một người khuyết tật, ông ấy đã có thể dùng ý niệm của mình để điều khiển con chuột máy tính. Neuralink cho biết, mục tiêu ban đầu của họ là hỗ trợ những bệnh nhân bị mất chức năng vận động sử dụng trí óc để vận hành điện thoại di động, máy tính và thậm chí cả tay chân cơ giới, mục tiêu cuối cùng là hợp nhất con người và AI thành một.
Khi nghe đến đây, bạn có nghĩ đến những người sinh hóa có hình thái cơ khí trong bộ phim “Kẻ hủy diệt” của siêu sao Hollywood Arnold Schwarzenegger không? Hay nhân vật nam chính trong bộ phim “Avatar” không vận động, nhưng lại dùng trí óc để điều khiển “Avatar” di chuyển tự do?
Trên thực tế, nghiên cứu này đã bắt đầu từ hơn 20 năm trước. Năm 2004, một chàng trai trẻ đến từ Massachusetts, Matthew Nagle, đã trải qua một cuộc thí nghiệm phẫu thuật công nghệ cao rất có màu sắc khoa học viễn tưởng tại Bệnh viện Rhode Island, hy vọng bằng cách này có thể cải biến tình trạng tê liệt trên giường, sống không bằng chết của anh. Đây là một ca phẫu thuật cấy ghép có tên “BrainGate”. Bác sĩ đã đưa một con chip vuông 4mm vào não của Matthew. Con chip này được phát triển bởi John Donoghue, chuyên gia công nghệ thần kinh tại Đại học Brown, Mỹ, tuy nhỏ nhưng được trang bị 100 điện cực chỉ dày bằng sợi tóc người.
Phẫu thuật xong, sau chín tháng huấn luyện, Matthew đã có thể học cách sử dụng sóng điện não để di chuyển con trỏ máy tính, không chỉ có thể kiểm tra email, mà còn có thể chơi trò chơi trên máy tính, thậm chí có thể điều khiển âm lượng của TV và vận hành cánh tay robot được kết nối đến các thiết bị máy tính. Kết quả là Matthew trở thành người đầu tiên trên thế giới cấy chip não, điều khiển thành công máy tính bằng ý niệm của con người.
Hãy nghĩ xem, trình độ công nghệ chip của năm 2004 như thế nào. Và bây giờ đã là năm 2024. Các sản phẩm được phát triển bằng công nghệ chip không biết đã tăng lên bao nhiêu lần, trình độ nâng cấp có thể nói là diễn ra hàng ngày. Không cần phải nói, mọi người đều hiểu rằng câu chuyện về sự hợp nhất giữa cơ thể người và cơ khí dường như sẽ sớm trở thành hiện thực, chỉ không biết rằng điều này là phúc hay họa. Điều này gợi nhớ đến những dự ngôn trong cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng đầu tiên của phương Tây.
Quái nhân khoa học Frankenstein
Người ta kể rằng, vào năm 1815, nữ nhà văn người Anh Mary Shelley đến Thụy Sĩ cùng với người chồng tương lai Percy Bysshe Shelley, nhà thơ Lord Byron và những người khác. Văn nhân tương tụ, tự nhiên sẽ thích kết bạn văn chương. Thời điểm đó vừa khớp có vụ phun trào núi Tambora ở Indonesia, giết chết hàng chục nghìn người. Rất nhiều người bị chôn sống hoặc bị chết do đá từ trên trời rơi xuống. Lớp tro núi lửa dày đặc khiến mùa màng không thể thu hoạch được, không ít người thậm chí còn chết vì nạn đói sau đó, tạo thành thiệt hại cực đại về môi trường và thương mại. Vì vậy, mọi người thảo luận những tin đồn đáng sợ về vụ phun trào núi lửa này, và trong một ý tưởng đột phát, họ quyết định dùng sự việc kinh hoàng này làm lời dẫn, tổ chức một cuộc thi xem ai có thể viết ra một câu chuyện đáng sợ hơn. Và cuốn tiểu thuyết Frankenstein của Mary Shelley là kết quả của cuộc thi này.
Cuốn tiểu thuyết này được công nhận là tiểu thuyết khoa học viễn tưởng đầu tiên trong lịch sử văn học phương Tây, trong đó tạc ra một nhà khoa học điên khùng, Victor Frankenstein, người sử dụng những xác chết được thu thập từ nghĩa trang để chế tạo ra một sinh vật hình người, một con quái vật khoa học có tư tưởng có năng lực hành vi.
Con quái vật này có thể học được nhiều kỹ năng di chuyển và tri thức tư tưởng khác nhau, đồng thời cũng có thể sống trong các loại môi trường tự nhiên phức tạp khác nhau. Vì năng lực học tập của nó rất mạnh, nên khả năng sinh tồn nơi hoang dã của nó cũng siêu cường, viễn viễn vượt xa nhân loại. Nó còn biết dùng ngôn ngữ để giao tiếp với con người, thậm chí còn hiểu được đạo đức. Nhưng biết đạo đức không có nghĩa là nó sẽ tuân tòng đạo đức. Con quái vật này lợi dụng đạo đức nhân loại để đạt đến mục đích riêng của nó, thậm chí còn làm hại đến tính mạng con người.
Sau khi cuốn tiểu thuyết được xuất bản, nó cũng gây ra cảm giác như núi lửa phun trào. Ngay sau đó, một lượng lớn các tác phẩm chuyển thể và phần tiếp theo bắt chước “Frankenstein” lần lượt xuất hiện, một số được chuyển thể thành truyện tranh, một số được chuyển thể thành kịch. Sau đó, bắt đầu từ những năm 1930, “Frankenstein” cũng được chuyển thể thành phim. Kết quả là con quái vật này có nhiều hình tượng khác nhau. Hình tượng quen thuộc nhất là thế này: trên thân quái vật có những thiết bị có thể mang điện, trên cổ và thái dương có những chiếc ốc vít lớn.
Sau này, trong phiên bản không ngừng cải tiến của câu chuyện, sinh vật hình người quái dị này cũng không ngừng được diễn hóa và xuất hiện trong các phiên bản nâng cấp. Kiểu nâng cấp này hoàn toàn giống với khái niệm nâng cấp máy tính và chip. Nghe nói phiên bản hiện tại được mô tả như sau: “Quái vật khoa học” Frankenstein này vĩnh sinh bất tử, nó có thể thay thế những bộ phận bị hư hỏng trên cơ thể mình bất cứ lúc nào. Chẳng phải nó ngày càng trở nên giống một robot thông minh AI cấp độ siêu nhân? Nhìn lại phát minh thiết bị liên kết não-máy tính của Neuralink, công ty thuộc sở hữu của Elon Musk, có vẻ như việc phát minh ra “Frankenstein” đã không còn xa nữa, đang ở ngay trước mắt chúng ta.
Ngày nay, nhiều người ví tiểu thuyết “Frankenstein” như một “lời tiên tri đen tối”, bởi tình tiết câu chuyện triển hiện trong tiểu thuyết liên quan đến nhân tính và các vấn đề đạo đức luân lý, chính xác là những gì chúng ta đang phải đối mặt trong cuộc sống hiện thực với sự phát triển của công nghệ trí tuệ nhân tạo AI. Chỉ một sự bất cẩn cũng có thể mang lại hậu quả có tính hủy diệt cho nhân loại.
Nói về sinh mệnh trí tuệ nhân tạo, ở Trung Quốc cổ đại cũng có một câu chuyện. Từ đó, chúng ta sẽ phát hiện, phương Đông và phương Tây, cổ đại và hiện đại, con người đối với trí tuệ nhân tạo có những nhận thức hoàn toàn khác nhau.
Chu Mục Vương gặp nghệ nhân robot
Trong kiệt tác cổ xưa “Mục Thiên Tử truyện”, có ghi lại rằng Chu Mục Vương đã thực hiện nhiều chuyến Tây chinh, cuối cùng có một lần gặp được Tây Vương Mẫu của Tây phương. Chu Mục Vương tiến hiến Tây Vương Mẫu viên ngọc bạch giai huyền bích và vải lụa tơ tằm. Chu Mục Vương còn lái xe lên núi Yểm Sơn, thưởng lãm cảnh tượng mỹ diệu khi Mặt trời lặn vào trong núi. Núi Yểm Sơn, cũng được gọi là “Yểm Tư Sơn” (弇茲山), trong tác phẩm “Ly tao” của Khuất Nguyên lại viết thành “Yêm Tư Sơn” (崦嵫山). Núi Yểm Sơn này rốt cuộc nằm ở đâu, hiện tại có nhiều thuyết pháp khác nhau, có học giả nói rằng nó nằm ở vành đai Cam Túc, cũng có học giả nói rằng nó nằm ở vành đai Tân Cương. Đương nhiên, còn có thuyết pháp xa xôi hơn, nói rằng nó nằm ở Vương quốc Parthia, chính là Vương quốc Ba Tư cổ đại. Gần đây trên Internet, chúng tôi phát hiện còn có một vị khác đam mê nghiên cứu “Sơn Hải Kinh” tin rằng, “Yểm Sơn” nằm ở Dãy núi Kavkaz.
Trong nhiều chuyến viễn chinh Tây phương của Chu Mục Vương, có một lần, ông đã vượt qua dãy núi Côn Luân, nhưng không đến được Yểm Sơn, nên đã quay lại, chuẩn bị trở về quốc đô của mình. Trên đường trở về, trước khi về đến nước Chu, ông đã gặp một đại sư hý nghệ, người ta gọi ông ấy là “Yển sư”.
Yển sư nói với Chu Mục Vương: “Tôi đã chế tạo ra một nghệ nhân phường chèo có thể biểu diễn, ca hát và khiêu vũ để người khác giải trí. Tôi sẽ tiến cống nó cho đại vương.”
Chu Mục Vương cẩn thận quan sát nghệ nhân do Yển sư tạo ra, yêu cầu nghệ nhân triển hiện khả năng của nó. Nghệ nhân này không phụ kỳ vọng, đã thực sự thực hiện được các loại động tác khác nhau, nó có thể đi chậm, đi nhanh, có thể uốn cong phủ phục; Tuyệt diệu hơn nữa, nó có trí tuệ, có thể hát ra những giai điệu có âm luật chuẩn xác. Cả hai tay nó hoạt động phối hợp với tiết tấu để khiêu vũ, động tác tư thế sống động. Không chỉ vậy, động tác của nó còn thiên biến vạn hóa, tùy ý chuyển động theo cách nghĩ của chính nó.
Người giỏi ca hát nhảy múa như vậy, không thể một mình hân thưởng, nên Chu Mục Vương sai nghệ nhân này biểu diễn cho các phi tần của mình. Quả nhiên, toàn bộ buổi biểu diễn rất xuất sắc, mọi người đều thích thú. Nhưng vừa lúc màn biểu diễn sắp kết thúc, nghệ nhân này không hiểu sao lại dùng ánh mắt trêu chọc tần phi bên cạnh Chu Mục Vương.
Hành động đại nghịch vi phạm lễ tiết như vậy khiến Chu Mục Vương vô cùng phẫn nộ, cảm thấy Yển sư đang dùng “người thật” làm “hình nộm” để lừa dối mình, nên lập tức ra lệnh trảm đầu Yển sư. Yển sư vội vàng bước tới tạ tội, nói rằng nghệ nhân này thực sự là một “hình nộm”. Chu Mục Vương không tin, nên Yển sư đã tháo dỡ những chi tiết lắp ráp của nó, bên trong toàn bộ là lông thú, gỗ, keo, sơn dầu, các vật phẩm mực màu đen trắng hợp lại mà thành. Không hề có xương, cũng không có máu thịt. Chu Mục Vương nhìn thấy mắt trừng mồm ngây, đích thân tiến lên kiểm tra, phát hiện nghệ nhân này tuy không có máu thịt, nhưng mô thức kết cấu của lục phủ ngũ tạng trong cơ thể nó phi thường kiện toàn, trong thân thể có đủ gan, mật, tim, phổi, tì, thận, ruột, dạ dày, ngoài có cơ bắp, xương, tứ chi, lông, răng và tóc; vật liệu tổ thành nó đều là giả, nhưng nó giống hệt cấu trúc cơ thể người, mọi thứ đều hoàn bị.
Vì vậy, Chu Mục Vương yêu cầu Yển sư tổ hợp những vật liệu này một lần nữa, phục hồi trở lại hình dạng ban đầu là một nghệ nhân giỏi ca hát và nhảy múa.
Vì tò mò, Chu Mục Vương đã ra lệnh cho Yển sư thử lấy trái tim của nghệ nhân này ra, xem nó biểu hiện như thế nào. Kết quả là nghệ nhân này không nói được. Sau đó, họ thử cắt bỏ lá gan của nó, kết quả nó nhìn không được, trở thành người mù. Nếu cắt bỏ thận, nghệ sĩ sẽ không thể đi lại được. Xem ra, lục phủ ngũ tạng của nghệ nhân này cũng là những cơ cấu vận động của nghệ nhân.
Chu Mục Vương khi nhìn thấy kỹ xảo như vậy, vô cùng cao hứng. Ông lập tức hạ lệnh mang nghệ nhân này về cung điện của mình.
“Robot thông minh AI” nổi tiếng của Trung Quốc cổ đại này được ghi lại trong kinh điển Đạo gia nổi tiếng “Liệt Tử”. Tuy nhiên, nó không phải là duy nhất, một câu chuyện tương tự cũng được kể trong kinh điển Phật giáo “Sinh Kinh” do hòa thượng Tăng Trúc Pháp Hộ, một dịch giả nổi tiếng thời Tây Tấn phiên dịch. Cuốn “Sinh Kinh” này kể lại rất nhiều câu chuyện tu hành nhiều đời của chính Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Trong truyện có kể về một vị quốc vương tên là “Đại Thuyền”, có một người con trai thứ hai rất giỏi kỹ năng công nghệ, cũng thiết kế ra một “nghệ nhân thông minh” tương tự như nghệ nhân mà Yển sư đã tiến cống, có thể ca hát và nhảy múa giống như người thật. Tuy nhiên, cơ quan hoạt động của nghệ nhân này chỉ là một chiếc “bu lông vai” trên thân, tương tự như cơ chế khóa bằng gỗ, chỉ cần rút “bu lông vai” này ra, toàn bộ robot nghệ nhân sẽ tự động tan rã và sụp xuống, nằm la liệt trên mặt đất.
Đánh giá từ chi tiết này, có vẻ như “trình độ thông minh” của nghệ nhân được ghi lại trong sách “Liệt Tử” cao cấp hơn so với mô tả trong “Sinh Kinh”.
Một số học giả tranh luận, rốt cuộc thì cuốn sách “Liệt Tử” của Đạo gia có phải đã sao chép câu chuyện của “Sinh Kinh” của Phật gia hay không, hay là “Sinh Kinh” của Phật gia đã sao chép câu chuyện của “Liệt Tử”? Nhưng dù thế nào đi nữa, câu chuyện này vẫn được lan truyền trong nội bộ giới tu hành Đạo gia và giới tu hành Phật gia, điều đó cho thấy, bất kể là người của Đạo gia hay là của Phật gia, năng lực và trình độ sẵn có của người tu hành đều siêu việt thời đại.
Câu chuyện dưới đây dường như có thể ấn chứng thuyết pháp của chúng tôi.
Trương Quả Lão dùng pháp thuật biến hóa ra người thông minh?
Theo “Thái Bình Quảng Ký”, trong thời kỳ Đường Huyền Tông, Trương Quả Lão vì là một nhà tu hành cao thâm, nên ông được Đường Huyền Tông vô cùng tôn kính và trọng thị. Bậc đế vương nào mà không muốn học thuật trường sinh bất lão? Vì vậy, Đường Huyền Tông đã mời Trương Quả Lão vào cung. Trong cung nhàn nhã, có rất nhiều trò giải trí, Đường Huyền Tông cũng ban thưởng cho Trương Quả Lão rất nhiều ẩm thực mỹ tửu. Trương Quả Lão không biết đối phó thế nào, liền nghĩ ra một biện pháp, nói với Đường Huyền Tông: “Thần có một đứa con trai, có thể đàm luận vạn chuyện, cũng có thể uống cả đấu rượu. Thần sẽ cho nó vào bầu bạn với hoàng thượng.” Đường Huyền Tông nghe vậy rất cao hứng.
Một lúc sau, từ trong không trung hiện ra một tiểu đạo sĩ, từ mái hiên của điện đường bay xuống. Mọi người nhìn qua thì phát hiện, tiểu đạo sĩ này khoảng mười sáu, mười bảy tuổi, tướng mạo tuấn tú, tươi tắn và lịch lãm. Sau khi tiểu đạo sĩ bái yết hoàng thượng, biểu hiện rất có lễ có tiết, ngôn đàm thanh sảng. Đường Huyền Tông nhìn thấy vậy rất thích, bèn mời tiệc mời rượu, vừa uống vừa nói chuyện.
Cuối cùng, khi anh chàng tiểu đạo sĩ uống hết một đẩu rượu, Trương Quả Lão nhanh chóng đứng dậy can hoàng thượng, nói: “Không thể ban rượu thêm cho cậu ta nữa. Nếu uống nhiều hơn một chút, cậu ta sẽ biến thành kỳ cục lắm đó.” Đường Huyền Tông đang lúc rất cao hứng, làm sao có thể vứt bỏ thời khắc vui vẻ này được, nên vẫn tiếp tục ban rượu cho tiểu đạo sĩ, lệnh cho cậu ta tiếp tục uống. Kết quả rượu đột nhiên từ đỉnh đầu tiểu đạo sĩ tràn ra, trong nháy mắt chiếc mũ trên đầu tiểu đạo sĩ rơi xuống đất, tiểu đạo sĩ hóa thân thành một vại rượu, dung lượng vừa đủ một đấu. Mọi người thấy vậy, vừa kinh ngạc vừa buồn cười, cảm thấy pháp thuật của Trương Quả Lão này quả thực cao thâm khó lường.
Sau khi nghe những câu chuyện này, không khó để mọi người phát hiện, những câu chuyện cổ kim Đông Tây này phản ánh những quan điểm khác nhau của con người về nguồn gốc của sinh mệnh. Đối với việc tạo ra sinh mệnh có trí năng, họ cũng đi theo hai con đường hoàn toàn khác nhau.
Vậy theo bạn, phương pháp sáng tạo ra sinh mệnh thông minh nào có ích hơn cho xã hội loài người?
- Trọn bộ Bí ẩn chưa được giải đáp
Theo Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch