Đại Kỷ Nguyên

Lướt Google Earth, phát hiện 2 quần thể kim tự tháp thất lạc, lớn hơn Đại Kim tự tháp Giza

Lướt Google earth tìm thấy cấu trúc kim tự tháp thất lạc bí ẩn ở Ai Cập

Những gò đất được tìm thấy trong sa mạc Ai Cập sử dụng Google Earth có thể là địa điểm của quần thể kim tự tháp thất lạc.

Các cấu trúc bí ẩn từ ảnh chụp vệ tinh Google Earth

Nói đến kim tự tháp, người ta nghĩ ngay đến quần thể kim tự tháp nổi tiếng ở Giza, Ai Cập. Là một trong bảy kỳ quan của thế giới cổ đại, Đại kim tự tháp Giza là kim tự tháp lớn nhất từng được biết đến trong lịch sử.

Đại kim tự tháp Giza được coi là kim tự tháp lớn nhất từng được biết đến trong lịch sử. Ảnh: Daily Mail

Tuy nhiên, một khám phá tình cờ vào năm 2012 thông qua ảnh chụp vệ tinh Google Earth sẽ khiến chúng ta phải nghĩ lại.

Năm 2012, nhà nghiên cứu khảo cổ học Angela Micol đã chỉ ra 2 khu vực dọc theo lưu vực sông Nin, cách nhau 135 km, bên trong chứa những gò đất có hình dạng bất thường. Hai di chỉ này nằm cách xa quần thể kim tự tháp Giza nổi tiếng.

Micol phát hiện ra điều này sau khi xem xét các ảnh chụp vệ tinh trên Google Earth trong khoảng một thập kỷ tại nhà.

Nhà nghiên cứu khảo cổ “vệ tinh” Angela Micol. Ảnh: Facebook

Sau quá trình khảo sát ban đầu vào năm 2013, Micol cho biết một nghiên cứu quét chụp mặt đất ban đầu đã phát hiện được các đường ống và khoang lỗ, dấu tích của một công trình nhân tạo.

Khu vực này bao gồm một cao nguyên hình tam giác rộng khoảng 190 m, gấp gần 3 lần kích thước của Đại Kim tự tháp lớn ở Giza – được cho là kim tự tháp lớn nhất cho đến thời điểm hiện tại.

Một trong hai thung lũng kim tự tháp tiềm năng gần Abu Sudham. Thung lũng với các cấu trúc dạng tam giác có kích thước gấp 3 lần Đại Kim tự tháp lớn ở Giza – được cho là kim tự tháp lớn nhất cho đến thời điểm hiện tại. Ảnh: Daily Mail
Các gò đất nhỏ hơn gần Abu Sudham có chiều ngang lên đến 100 m. Ảnh: Daily Mail
Bên cạnh các gò đất lớn, đoàn thám hiểm tin rằng khu vực này cũng có một ngôi đền hoặc một hàng mộ bên cạnh các gò đất. Chúng là các chấm nhỏ li ti trong hình chữ nhật màu đỏ trên ảnh trên, được kiến tạo sử dụng kỹ thuật hình ảnh màu giả lập. Ảnh: Micol
Ẩn mình dưới lớp cát sa mạc gần Abu Sudhum có phải là một quần thể kim tự tháp đồ sộ, chưa được lưu sử sách? Ảnh: Daily Mail

Tuyên bố của Micol đã vấp phải sự phản kháng từ giới khảo cổ học. Nhiều người cho đây chỉ là các mô đất có hình dạng kỳ dị, một tạo thành đá phong hóa khá phổ biến trên sa mạc. Tuy nhiên, kết quả chụp quét mặt đất sơ bộ sử dụng các tấm bản đồ cổ đại cho thấy đây rất có thể là chính xác.

Khu vực này, vốn nằm cách thành phố Abu Sidhum dọc sông Nin 18 km, nếu chứa phần còn lại của kim tự tháp thật sự, thì đây sẽ là kim tự tháp lớn nhất từng được phát hiện.

Di chỉ thứ hai, nằm cách đó 135 km về phía bắc, gần ốc đảo Fayum, có một cấu trúc bốn mặt rộng khoảng 47 m.

Bên cạnh di chỉ thứ nhất, Micol đã phát hiện được Một gò đất hình chóp cụt rộng khoảng 46 m nằm gần thị trấn bị bỏ hoang Dima. Ảnh: Daily Mail

Michol cho biết:

“Khi quan sát cấu trúc này gần hơn trên Google Earth, tôi nhận thấy gò đất này dường như có phần đỉnh khá bằng phẳng và một cấu trúc dạng hình tam giác cân rất kỳ lạ, đã bị xói mòn nghiêm trọng theo thời gian”.

“Gò đất này có phần trung tâm với dạng hình vuông rất đặc thù, vốn khá bất thường đối với một gò đất với kích thước dạng này và khi quan sát từ phía trên, cấu trúc này dường như có hình dạng một kim tự tháp.

Trao đổi với Sky News, cô cho biết bên cạnh cấu trúc này còn có ba gò đất nhỏ hơn khác xung quanh, tạo nên bố cục tổng thể khá giống với quần thể kim tự tháp nổi tiếng Giza.

Di chỉ thứ hai ở Fayumcó một ‘khu vực hình kim tự tháp’ với bốn mặt, bao xung quanh bởi các gò đất nhỏ. Ảnh: Daily Mail
Còn ẩn mình dưới lớp cát sa mạc tại ốc đảo Fayum có phải là một quần thể kim tự tháp đồ sộ, chưa được lưu sử sách? Ảnh: bibliotecapleyades.net
Còn ẩn mình dưới lớp cát sa mạc tại ốc đảo Fayum có phải là một quần thể kim tự tháp đồ sộ, chưa được lưu sử sách? Ảnh: bibliotecapleyades.net
Hai di chỉ chứa quần thể kim tự tháp tiềm năng theo phát hiện của Micol. Một ở Thượng Ai Cập, nằm cách Abu Sidhum dọc sông Nin 18km, với 4 gò đất (Phải). Một nằm cách đó 135 km về phía bắc, trên ốc đảo Faiyum. Ở đây có một gò đất với 4 cạnh, dạng hình chóp chụt, rộng khoảng 46 m với 3 gò đất nhỏ hơn xếp theo hình chéo xung quanh (Trái). Ảnh: bibliotecapleyades.net
Hầu hết 138 kim tự tháp nổi tiếng đều nằm ở Giza, ngoại ô Cairo. Các phá hiện của Micol nằm cách xa về phía Nam, gần Faiyum và Abu Sidhum. Ảnh: Daily Mail

“Những bức ảnh này tự nó đã nói lên tất cả. Từ ảnh chụp, có thể dự đoán khá chính xác di chỉ này có gì bên trong, nhưng cần các nghiên cứu thực địa để xác thực chúng thật sự là các kim tự tháp’.

Cả hai khu vực đều có ý nghĩa quan trọng bởi hầu hết các kim tự tháp được biết đến hiện nay đều được xây xung quanh thủ phủ Cairo của Ai Cập nhưng hai địa điểm này nằm cách khá xa về phía nam, không nằm trong khu vực trung tâm.

Các tấm bản đồ cổ xác định danh tính cấu trúc bí ẩn

Sau này, Micol cũng phát hiện ra các cấu trúc này đã được gắn nhãn kim tự tháp trên một số bản đồ hiếm thời cổ.

“Sau khi dư luận lắng xuống, một cặp vợ chồng người Ai Cập đã liên lạc với tôi, tuyên bố sở hữu các tư liệu lịch sử quan trọng cho cả hai di chỉ này”, Discovery News trích lời Micol.

Là một người rất say mê sưu tập bản đồ, Medhat Kamal El-Kady, cựu đại sứ Ai Cập ở Oman và vợ ông, Haidy Farouk Abdel-Hamid, cựu cố vấn của Tổng thống Ai Cập, cho biết các cấu trúc mà Micol phát hiện đã được nhận diện là các “kim tự tháp” trong một số tài liệu và bản đồ cổ.

Các gò đất được Angela Micol phát hiện đã được ghi chú là các kim tự tháp trên 34 tấm bản đồ cổ của Medhat Kamal El-Kady, cựu đại sứ Vương quốc Oman và vợ của ông, Haidy Farouk Abdel-Hamid, cựu cố vấn cho Tổng thống Ai Cập. Ảnh: Daily Mail

Trao đổi với Discovery News, họ tuyên bố sở hữu 34 tấm bản đồ và 12 tư liệu được viết bởi các nhà khoa học và nhân viên chính phủ ủng hộ các phát hiện của Micol.

Micol cũng đã xác định được một nhóm kim tự tháp thứ hai gần ốc đảo Fayum, và người ta cũng đã tìm thấy ba bản đồ gợi ý bốn gò đất này lưu trữ kho báu từ thời xưa.

Đây không phải lần đầu tiên một phát hiện khảo cổ đột phá như vậy được thực hiện nhờ Google Earth. Trước đây, người ta cũng sử dụng công cụ ảnh chụp vệ tinh này để nhận diện một kim tự tháp thất lạc tiềm năng ở Nam Cực, một quần thể kim tự tháp trong vùng rừng rậm Amazon. Là những khu vực hoang vu hẻo lánh cách xa nền văn minh hiện đại, hai địa điểm này được cho là nơi cư ngụ tiềm năng của các nền văn minh tiền sử, nhưng không thấy lưu dấu trong sử sách.

Quý Khải

Exit mobile version