Malleus Maleficarum – cẩm nang của những tay săn lùng phù thủy có thể được so sánh với Mein Kampf của Adolf Hitler vì những vụ hành quyết mà nó đã gây ra trong lịch sử chống lại những người bị gán cho tội “phù thuỷ“.
Phiên tòa phù thủy Salem, vốn bắt đầu vào năm 1692 tại ngôi làng Salem, thuộc địa vịnh Massachusetts, là một trong những phiên tòa xét xử phù thủy nổi tiếng và đáng gờm nhất trong lịch sử. Tuy vậy, đây không phải là trường hợp đầu tiên, khi có rất nhiều phiên tòa xét xử phù thủy được thiết lập ở Châu Âu trong gần 3 thế kỷ trước thời điểm đó. Những phiên tòa này là kết quả của nỗi sợ hãi trước một ‘mối đe dọa có tổ chức’ tiềm tàng từ những phù thủy xấu xa chống lại giới Cơ đốc giáo. Một trong những hệ quả của hiện tượng này là tác phẩm Malleus Maleficarum, một ấn phẩm đặc biệt nhắm vào việc truy tố cái gọi là các phù thủy.
Sự “phê chuẩn” tác phẩm Malleus Maleficarum
Malleus Maleficarum, vốn có thể được dịch từ tiếng Latin sang tiếng Anh là ‘Chiếc búa của các phù thủy’, là một tác phẩm được viết vào năm 1486 bởi một giáo sĩ Cơ Đốc giáo người Đức có tên là Heinrich Kramer. Một người đàn ông khác được liệt kê trong danh sách tác giả của luận thuyết này là Jacob Sprenger, tuy hiện nay người ta tin rằng ông Sprenger chỉ đóng góp tên tuổi của mình cho tác phẩm trong vai trò một giáo sư thần học. Một điểm đáng đề cập là cả hai người đều thuộc về dòng tu Đa Minh (dòng Dominican), và là các thẩm phán trong tòa án dị giáo.
Bìa ấn bản thứ 7 của tác phẩm Malleus Maleficarum xuất bản năm 1520. (Ảnh: Wikimedia)
Cuốn Malleus Maleficarum được xuất bản lần đầu tại quê hương của tác giả Kramer vào năm 1487, và được trình lên Khoa thần học thuộc Đại học Cologne (Đức) trong cùng năm, để hỏi xin ý kiến ủng hộ của trường. Tuy cuốn sách chứa một Bức thư Phê chuẩn từ Khoa thần học của Đại học Cologne, trong đó nói rằng nó đã thành công trong việc thu thập các chứng từ xác nhận của khoa, nhưng người ta ngờ rằng lời đề nghị của ông Kramer đã bị bác bỏ, và rằng lá thư phê chuẩn kia thực ra chỉ là một món đồ giả.
Toàn cảnh tòa nhà chính của trường Đại học Cologne, Đức. (Ảnh: Wikimedia)
Người ta cũng tin rằng tác phẩm này đã bị Giáo hội Công giáo cấm lưu hành ba năm sau khi được công bố. Tuy nhiên, cũng có người cho rằng việc tòa án dị giáo lên án ông Kramer vào năm đó đã bị hiểu nhầm thành một lệnh cấm lưu hành cuốn sách Malleus Maleficarum. Dù sao, người ta cho rằng tác phẩm của ông Kramer đã trở thành một trong những cuốn sách hướng dẫn săn lùng phù thủy phổ biến nhất vào thời đó, và đã trải qua ít nhất 13 lần tái bản cho đến năm 1520. Ngoài ra, người ta cũng chỉ ra rằng trong giai đoạn từ năm 1574 đến năm 1669, cuốn Malleus Maleficarum đã được hiệu chỉnh bổ sung trong 16 lần tái bản khác.
Các ấn bản mới của Malleus Maleficarum
Người ta tranh luận rằng những nội dung trong cuốn Malleus Maleficarum không đưa ra điều gì mới mẻ về chủ đề thuật phù thủy. Ngoài ra, người ta cũng chỉ ra rằng một khối lượng kiến thức tương đương có thể được tìm thấy trong tác phẩm Formicarius của John Nider, vốn đã được viết gần 50 năm trước cuốn Malleus Maleficarum.
Một trong những lý do giải thích cho sự nổi tiếng của tác phẩm của ông Kramer là việc sử dụng máy in để sao chép thành nhiều bản (thay vì bằng tay). Ngoài ra, “sự phê duyệt” của trường Đại học Cologne cũng góp phần củng cố thêm cho độ tin cậy của bản thảo này. Ngoài ra, “thành kiến cho rằng thuật phù thủy là một tội lỗi xấu xa hơn cả tội dị giáo và lập trường nổi cộm thù địch phái nữ” đã khiến Malleus Maleficarum trở thành một tác phẩm gây chấn động.
Hình minh họa một người phụ nữ trong một phiên tòa xét xử việc sử dụng thuật phù thủy. Phụ nữ là đối tượng chủ yếu bị khép vào tội danh sử dụng thuật phù thủy. (Ảnh: Wikipedia)
Bên dưới sự thành công của cuốn sách này là một con tim đen tối và u ám hơn rất nhiều. Lấy ví dụ, một học giả đã viết rằng Malleus Maleficarum “đã thách thức Mein Kampf để trở thành một trong những cuốn sách khét tiếng và đáng sợ nhất”.
Mein Kampf là tựa đề tiếng Đức của quyển sách do Adolf Hitler làm tác giả bắt đầu từ năm 1924, trình bày tư tưởng và cương lĩnh của ông về Đế chế Đức một khi ông ta lên nắm quyền. (Ảnh: Internet)
Cuốn Malleus Maleficarum được chia làm 3 phần, phần đầu là “Xử lý ba bộ phận cần thiết đi kèm theo thuật phù thủy là Quỷ dữ, một phù thủy, và sự tiếp nhận Đức Chúa toàn năng”, cái thứ hai là “Xử lý các phương pháp vận dụng thuật phù thủy, và cách thức vô hiệu hóa và hủy bỏ chúng thành công”, và thứ ba là “Về các quy trình luật pháp ở trong các phiên tòa giáo hội và dân sự chống lại các phù thủy và tất cả những người theo dị giáo”.
Hình minh họa từ năm 1892 của một phiên tòa xét xử phù thủy. (Ảnh: Wikipedia)
Các câu hỏi của Kramer
Hầu hết nội dung trong cuốn Malleus Maleficarum nghe có vẻ ngớ ngẩn và mất lý trí đối với một độc giả phổ thông. Lấy ví dụ, trong phần hai của cuốn sách, Kramer đã đưa ra câu hỏi sau:
“Và chúng ta sẽ nghĩ thế nào về việc số lượng lớn phù thủy thỉnh thoảng đi thu thập nội tạng đàn ông, từ 20 cho đến 30 thành viên cùng lúc, đặt chúng trong một cái lồng chim, hay bỏ vào trong một cái hộp, để chúng tự chuyển động như các sinh vật sống, và ăn yến mạch và ngô – điều này đã được chứng kiến bởi rất nhiều người, và trở thành một vấn đề thường xuyên được ghi nhận?”
Sau đó ông đưa ra câu trả lời sau: “Người ta cho rằng việc này đều là do tác động và ảo giác của ma quỷ”.
Một bức vẽ trong Tu viện Rila ở Bulgaria, trong đó lên án thuật phù thủy và ma thuật dân gian truyền thống. (Ảnh: Wikipedia)
Tuy rằng ngày nay chúng ta có thể bài xích những tuyên bố như vậy, nhưng có lẽ những người sinh sống vào thời của Kramer đã nghiêm túc đối đãi với những câu chuyện này. Do đó, việc hành quyết những người bị nghi ngờ là phủ thủy đã được cho là điều cần thiết, và chi tiết quy trình làm việc này có thể được tìm thấy trong phần 3 của cuốn sách.
Tác phẩm Malleus Maleficarum thật sự là một trong những nhân tố góp phần cho sự thịnh hành của các phiên tòa xử phù thủy, và rất có thể đã cướp đi tính mạng của vô số người qua nhiều thế kỷ được sử dụng. Tuy số người thiệt mạng bởi cuốn sách này là một vấn đề đang được tranh cãi, nhưng một số người đã gọi cuốn Malleus Maleficarum là một trong những “tác phẩm đẫm máu nhất trong lịch sử nhân loại”.
Tác giả: Ḏḥwty, Ancient Origins.
Đăng tải với sự cho phép. Đọc bản gốc ở đây.
Quý Khải biên dịch