Mỗi dịp rằm Trung thu, khi ngước nhìn lên Mặt Trăng, chúng ta đều thán phục vẻ đẹp của tiểu hành tinh này, chúng ta cũng có thể quan sát thấy những hình bóng lờ mờ trên bề mặt Mặt Trăng, mà trong văn hóa truyền thống thường gọi là: Cung Điện, Hằng Nga, Thỏ Ngọc, hay Chú Cuội… Có rất nhiều truyền thuyết thú vị giải thích cho những điều này, trong đó nổi tiếng nhất là câu chuyện về Hằng Nga và Hậu Nghệ.
Dưới góc nhìn khoa học, Mặt Trăng từ đâu ra?
Mặt Trăng vẫn là bí ẩn lớn đối với ngay cả các nhà thiên văn và các nhà khoa học vũ trụ. Đã có tám phi thuyền vũ trụ của NASA, tổng cộng 12 phi hành gia đã đổ bộ lên Mặt Trăng để nghiên cứu, không ít bí ẩn đã được khám phá.
Tàu vũ trụ Apollo 12 đã tạo ra một va chạm lên bề mặt mặt Trăng để tiến hành đo đạc nguyệt chấn, và nghiên cứu các thành phần bên trong, NASA đã phát hiện bên trong nó rỗng. Maurice, người phụ trách nghiên cứu nguyệt chấn là đã nhận định:
“Nguyệt chấn giống như khi ta gõ vào cái chuông nhà thờ. Sóng địa chấn từ tâm Mặt Trăng truyền ra xung quanh bề mặt bên ngoài, thay vì hướng vào bên trong Mặt Trăng, tương tự như hiện tượng diễn ra với một khối cầu kim loại rỗng”.
Ngoài ra, Mặt Trăng có 2 chuyển động: một là tự quay và và một là quay quanh Trái Đất, nhưng điều thần kỳ là nó luôn chỉ hướng một mặt duy nhất về phía Trái Đất, mà trên đó chúng ta thường thấy có những hình ảnh lờ mờ.
Mặt Trăng có các thông số như: khoảng cách với Trái Đất, hướng quay, và tốc độ quay, chính xác một cách tuyệt đối đến không tưởng, cho phép nó hoạt động một cách chặt chẽ với Trái Đất qua hàng triệu tỷ năm mà không xảy ra sai sót nào.
Chính những đặc điểm thần kỳ không một chút sai sót này mà Mặt Trăng đang giúp kìm hãm sự rung lắc của Trái Đất, khiến chúng ta có khí hậu ôn hòa, có bốn mùa trong năm, có muôn loài phong phú. Không có Mặt Trăng, Trái Đất sẽ rung lắc như sao Hỏa, gây biến đổi khí hậu, không có mùa màng, thời tiết cực đoan, bất ổn, không có hệ thống lịch âm, hệ thống động thực vật trên Trái Đất sẽ khó sinh tồn, Trái Đất sẽ thành một nơi không thích hợp cho sự sống.
Tuy có nhiều giả thuyết cho rằng Mặt Trăng hình thành sau một vụ nổ, hoặc va chạm tự nhiên, nhưng chính những tác động lớn lao của Mặt Trăng đối với cuộc sống trên Trái Đất đã khiến nhiều ý kiến cho rằng, Mặt Trăng chính là một vệ tinh nhân tạo cực lớn được con người tại thời kỳ đỉnh cao của các lần văn minh trước chế tạo và đưa lên. Tuy nhiên, những tính toán chính xác một cách tuyệt đối khiến các nhà khoa học trong tất cả các lĩnh vực của nhân loại hiện nay cũng không thể đạt tới.
Cuộc sống trên Mặt Trăng vẫn còn là bí ẩn, có nhiều ý kiến cho rằng trên đó có người ngoài hành tinh sinh sống, Mặt Trăng chính là căn cứ của người ngoài hành tinh.
- Mặt Trăng: Vệ tinh tự nhiên hay sản phẩm nhân tạo?
- Cựu nhân viên CIA tiết lộ: Có 250 triệu người ngoài hành tinh đang cư ngụ trong Mặt trăng
Theo văn hóa truyền thống, trên Mặt Trăng có gì?
Chuyện kể lâu sẽ thành truyền thuyết, trên Mặt Trăng chúng ta thực sự nhìn thấy hình ảnh, và trong truyền thuyết dân gian cũng lưu truyền nhiều câu chuyện về Mặt Trăng.
Dân gian lưu truyền, Ngọc Hoàng Thượng Đế, người cai quản Thiên đình, có 10 người con trai ngỗ nghịch. Một ngày nọ, họ biến thành 10 Mặt Trời, và nhẫn tâm thiêu đốt trần gian từ trên thượng giới. Không thể ngăn được sự phá phách của chúng, Ngọc Hoàng Thượng Đế triệu hồi Hậu Nghệ, một cung thủ nổi tiếng có tài thiện xạ. Ngọc Hoàng yêu cầu vị thần này dạy cho các con mình một bài học.
Hậu Nghệ giáng trần và tận mắt chứng kiến cảnh thê lương. Mọi vật bị thiêu rụi và kiệt quệ, ai ai cũng thống khổ. Quá phẫn nộ, chàng bắt đầu ra tay. Rút mũi tên từ sau lưng, chàng nhắm vào các Mặt Trời. Một cái rơi xuống, rồi một cái nữa, cuối cùng 9 người con của Ngọc Hoàng đều bị bắn hạ, chết cả. Hậu Nghệ chỉ chừa lại một Mặt Trời để giữ ánh sáng và hơi ấm cho hạ giới.
Sau khi nghe tin, Ngọc Hoàng rất tức giận. Ngài đuổi Hậu Nghệ và người vợ xinh đẹp của chàng là Hằng Nga khỏi Thiên đình, đồng thời tước bỏ sự bất tử của họ. Họ buộc phải sống dưới hạ giới như những người bình thường.
Cả hai cảm thấy kiếp người thật khổ sở. Dù là cứu tinh của nhân loại, Hậu Nghệ chỉ có một ước muốn duy nhất là tránh khỏi cái chết và trở về thiên đàng cùng người vợ yêu dấu, ít nhất cô ấy cũng không đáng phải chịu đau khổ.
May mắn thay, Hậu Nghệ nhớ tới Tây Vương Mẫu – vị nữ thần sống tại thế gian. Bà có một lọ thần dược bất tử quý hiếm. Chàng cung thủ đã trải qua hành trình gian khổ để cầu xin bà giúp đỡ.
Sau vô vàn khó khăn, chàng cũng đến được cung điện của bà tại đỉnh Côn Luân linh thiêng. Biết được cảnh ngộ của họ, Vương Mẫu từ bi ban cho Hậu Nghệ một lọ thuốc thần, kèm theo đó là lời cảnh báo: “Chỉ cần uống một nửa lọ thuốc, ngươi sẽ có cuộc sống bất tử. Nhưng nếu uống hết, nó sẽ khiến ngươi bay lên trời và bất tử mãi mãi”.
Một nửa cho mình, một nửa cho vợ. Đó là tất cả những gì Hậu Nghệ mong ước.
Khi cả hai đoàn tụ, Hằng Nga rất cảm động trước thành quả của chàng. Nhưng trong lúc chồng ngủ say sau hành trình dài, nàng đã không cưỡng lại được sự tò mò với lọ thuốc mà chàng mang về. Mong muốn được bất tử đã cám dỗ nàng uống hết cả lọ thuốc. Chẳng mấy chốc, nàng thấy thân thể mình nhẹ tênh và lơ lửng bay lên trời trong sự bất lực.
Vốn bị đày ải, nàng không thể quay trở về Thiên đình, nhưng hạ giới cũng nằm ngoài tầm với của nàng. Không chốn dung thân, Hằng Nga trôi dạt đến mặt trăng hiu quạnh. Nơi đây nàng sống chuỗi ngày cô độc tại một cung điện, cùng với một chú thỏ trắng. Nàng thường khóc thương cho Hậu Nghệ, người phải sống phần đời còn lại nơi trần gian như một người phàm.
Về phần Hậu Nghệ, sau khi biết được chuyện xảy ra với vợ, chàng đã rất đau buồn, hướng lên trời thảm thiết gọi tên Hằng Nga. Chàng rất ngạc nhiên khi nhìn thấy một hình dáng trông giống vợ mình xuất hiện trên mặt trăng.
Tại sao trên Mặt Trăng còn có một chú thỏ trắng?
Trong truyền thuyết còn kể về một chú Thỏ Ngọc bầu bạn cùng Hằng Nga trên cung Trăng, Thỏ Ngọc sao lại ở đó?
Tương truyền có một vị thần tên là Ngô Cương. Công việc của ông trên Thiên đình là chế tạo thuốc trường sinh cho các vị thần để duy trì sự trường sinh sau mỗi 1000 năm.
Khi du ngoạn tới nhân gian, Ngô Cương đã tặng một vài viên thuốc trường sinh cho con người. Khi hay tin, Ngọc Hoàng rất tức giận và đã trừng phạt bằng cách phạt ông đốn hạ một cái cây khổng lồ. Nhưng thật không ngờ, đây là một cây thần, dù Ngô Cương có đốn thế nào nó cũng mọc lại ngay lập tức. Do đó, Ngô Cương vĩnh viễn phải ở lại đây để chặt cây.
Ngọc Hoàng cần người khác để bào chế thuốc trường sinh. Ngài muốn tìm một người đáng tin cậy, có trách nhiệm và thật thà. Ngọc Hoàng nghĩ rằng, con người quá thông minh và rất dễ bị mua chuộc, nên Ngài quyết định chọn động vật, và cử ba vị thần xuống thế gian làm nhiệm vụ tìm kiếm này.
Ba vị thần bắt đầu tiến hành tìm kiếm. Họ biến thành ba ông cụ ngồi giữa rừng và lớn tiếng cầu xin: “Xin hãy giúp chúng tôi, chúng tôi bị lạc đường và đã không ăn gì trong ba ngày. Chúng tôi kiệt sức mất rồi. Xin hãy cho chúng tôi ít thức ăn”.
Nhiều loài nghe thấy tiếng than khóc của họ và đổ đến xem có chuyện gì. Đặc biệt có ba con vật là Cáo, Khỉ và Thỏ là nhiệt tình nhất, đã đi vào rừng để tìm kiếm thức ăn cho họ. Cáo tìm được ít rắn, Khỉ có ít trái cây, chỉ có mỗi Thỏ là không tìm được chút đồ ăn nào dù đã tìm khắp nơi.
Khi đến gần ba ông cụ và thấy họ đang ăn trái cây và rắn, nó cảm thấy rất buồn vì không tìm được thức ăn, nên nó đã nhảy vào đống lửa, hy sinh bản thân mình để làm thức ăn cho ba người.
Các vị thần đã rất cảm động bởi sự vị tha của Thỏ nên họ quyết định mang Thỏ lên thiên đình. Ngọc Hoàng nghe kể về hành động của Thỏ và đã bị thuyết phục. Thế là họ đã tìm được người bào chế thuốc trường sinh.
Thỏ đã làm việc rất chăm chỉ để học cách bào chế thuốc thần và nhanh chóng nắm được các kỹ năng bào chế thuốc khiến Ngọc Hoàng rất vui, nên Ngài quyết định biến Thỏ thành màu trắng bằng ánh sáng rực rỡ từ thiên đàng. Lông thỏ trở nên trắng mượt, giống như ngọc quý vậy, đó cũng là lý do các vị thần bắt đầu gọi Thỏ là Thỏ Ngọc.
Một ngày nọ, Tây Vương Mẫu đến tìm Thỏ Ngọc và yêu cầu thêm một vài viên thuốc trường sinh. Thỏ Ngọc nói với Vương Mẫu rằng mỗi viên thuốc chỉ được phát cho các vị thần mỗi 1000 năm, và Ngọc Hoàng không cho phép bất kỳ ngoại lệ nào. Vương Mẫu nương nương rất buồn và nói: “Ngươi sợ ta sẽ đưa những viên thuốc này cho các vị thần sao?” Thỏ Ngọc không dám từ chối Vương Mẫu và đưa thêm cho bà thuốc.
Không lâu sau đó, Thỏ Ngọc nghe được rằng Vương Mẫu đã tặng những viên thuốc đó cho Hậu Nghệ, linh cảm rằng chuyện không hay sắp xảy ra. Một ngày nọ, Ngọc Hoàng nổi giận tới gặp Thỏ Ngọc. Thỏ Ngọc ngay lập tức quỳ gối và thú nhận rằng đã đưa thêm thuốc trường sinh cho Tây Vương mẫu và sẽ chịu mọi hình phạt từ Ngọc Hoàng. Ngọc Hoàng thấy Thỏ Ngọc thừa nhận lỗi lầm của mình nên Ngài đã lệnh cho Thỏ Ngọc tự đưa ra hình thức trừng phạt cho mình.
Thỏ Ngọc nghĩ rằng nó cần có trách nhiệm với việc Hằng Nga phải sống tịch mịch trên cung trăng, nên Thỏ Ngọc đã tâu với Ngọc Hoàng rằng nó sẽ phạt mình tới cung trăng sống cùng Hằng Nga và chịu cô độc mãi mãi, tiếp tục bào chế thuốc trường sinh. Ngọc Hoàng nghĩ đây đúng là ý hay, như vậy thì không vị thần nào có thể tiếp cận Thỏ Ngọc và thuốc trường sinh nữa. Vậy là từ đó, Hằng Nga đã có thêm một người bầu bạn là Thỏ Ngọc tại cung điện hiu quạnh của mình.
Những truyền thuyết dân gian này thoạt nghe cảm thấy rất huyền hoặc, nhưng biết đâu nó lại được bắt nguồn từ những câu chuyện có thật trong lịch sử, chỉ là qua thời gian lâu dài mà người ta không còn tin tưởng vào nó nữa. Có thể trong tương lai không xa, khi những nhà khoa học với tư duy cởi mở nghiêm túc nghiên cứu vấn đề này, họ lại có được những phát hiện mới gây ngạc nhiên cho chúng ta. Vũ trụ quá bao la, huyền diệu và phức tạp, có quá nhiều điều mà tri thức nông cạn hiện nay của chúng ta vẫn chưa thể hiểu hết.
Ngọc Thuần