Một trong những biểu tượng phổ biến nhất trong thời Trung Cổ ở Châu Âu là các tòa lâu đài. Hệ thống phòng thủ này thường được gia cường một cách chắc chắn, cung cấp cho những người cư trú bên trong một loại cảm giác an toàn. Thông thường sẽ rất khó để quân địch có thể chiếm được một tòa lâu đài, vì vậy, một đội quân tấn công cần đến các cỗ máy công thành. Và một trong những cỗ máy công thành hiệu quả nhất và quan trọng nhất là máy bắn đá.
Máy bắn đá của người La Mã
Máy bắn đá là một vũ khí đã được sử dụng từ thời cổ đại. Dưới hình thức cơ bản nhất, máy bắn đá có thể được miêu tả là một “máy bắn đá một trục”. Trong thế giới của người La Mã, một cỗ máy công thành có chức năng giống máy bắn đá, được biết đến với cái tên ‘onager’, đã được sử dụng khi quân đội La Mã bao vây kẻ địch. Một loại máy bắn đá khác, vốn có một sợi dây ná, được gọi là ‘bọ cạp’, vì cú bắn từ thiết bị này trông khá giống với sự chuyển động của một cái đuôi bọ cạp.
Máy bắn đá bằng dây ná của người Trung Quốc
Tuy nhiên, việc sử dụng máy bắn đá không chỉ giới hạn trong quân đội La Mã. Có các ghi chép cho thấy máy bắn đá cũng đã được quân đội Trung Quốc thời cổ đại sử dụng. Lấy ví dụ, trong đầu thời kỳ Xuân Thu (770–476 TCN), có một cỗ máy tên là ‘Huy’ đã được Chu Hoàn Vương sử dụng để chống lại Trịnh Trang công trong một trận chiến vào năm 707 TCN. Vì từ ‘huy’ hiện không còn tồn tại, nên chúng tôi không chắc về nghĩa của từ này. Tuy nhiên, các học giả từ thời nhà Hán đã diễn giải thiết bị này là một cỗ máy bắn đá.
Xem thêm:
Máy bắn đá đã được đề cập đến trong các sách của triết gia Mặc Tử thời Chiến Quốc (476–221 TCN). Trong các tư liệu này, máy bắn đá đã được vận dụng dựa trên nguyên lý đòn bẩy. Những thiết bị này có thể được sử dụng bởi quân công thành hay quân thủ thành. Quân thủ thành cũng có thể sử dụng máy bắn đá để tấn công các tháp công thành của kẻ địch, và quăng các vật thể về phía quân địch để tiêu diệt hoặc làm náo loạn đội hình.
Máy bắn đá sử dụng lò xo xoắn
Ở phương Tây, ngược lại, các máy bắn đá vận hành dựa theo một nguyên lý khác. Thay vì sử dụng nguyên lý đòn bẩy, các máy bắn đá ở Châu Âu vận hành dựa trên lực của dây lò xo xoắn. Công nghệ này đã được người Hy Lạp lần đầu tiên giới thiệu ra công chúng, và sau đó đã được người La Mã kế thừa.
Vào thời Trung Cổ bên Châu Âu, một biến thể của máy bắn đá ‘onager” của người La Mã đã được phát triển. Loại máy bắn đá này được gọi là mangonel, có nghĩa là ‘một cỗ máy chiến tranh’ (Mangonel cũng có thể ám chỉ các cỗ máy công thành khác). Khác biệt căn bản giữa máy bắn đá ‘onager’ và máy bắn đá mangonel là cỗ máy kia phóng đạn từ một cái bát cố định thay vì một sợi dây ná. Điều này có nghĩa là thay vì chỉ bắn một viên đạn lớn duy nhất, máy bắn đá mangonel cũng có thể được sử dụng để bắn đồng thời một vài viên đạn cỡ nhỏ.
Lực kéo vs. Lực xoắn
Trong khi các máy bắn đá vận hành nhờ lực xoắn đã đang được sử dụng bởi quân đội Châu Âu, thì cùng lúc đó công nghệ máy bắn đá dùng dây ná của Trung Quốc đã phổ biến rộng rãi sang phương Tây trong khoảng thế kỷ thứ 6 SCN. Người ta phỏng đoán rằng rất có thể kiến thức về loại công nghệ này đã góp phần tạo nên các chiến thắng của quân đội Hồi giáo trong vài thế kỷ tiếp sau đó.
Tuy nhiên, sự tiếp xúc đầu tiên đã được ghi nhận của phương Tây với loại máy bắn đá bằng dây ná không phải trong một trận chiến với quân đội Hồi giáo, mà là với một bộ lạc du mục được gọi là Avars. Theo John, Tổng giám mục thành Thessaloniki, trong một trận công chiến thành trì này vào năm 597 SCN, người Avars đã sử dụng 50 máy bắn đá bằng dây ná để công phá quân thủ thành.
Người ta đã phỏng đoán rằng người Avars đã tiếp xúc với nhà Bắc Ngụy ở Trung Quốc, và học hỏi công nghệ máy bắn đá dùng dây ná từ họ. Việc người Châu Âu tiếp xúc với loại máy bắn đá dùng dây ná của tín đồ đạo Hồi (cũng thường được gọi là ‘al-manjaniq’) chỉ xuất hiện sau này trong giai đoạn người theo đạo Hồi xâm chiếm bán đảo Iberia. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng chỉ trong giai đoạn diễn ra cuộc Thập tự chinh, một công nghệ như vậy mới được phổ biến ở Châu Âu.
Sự phát triển của Trebuchet
Máy bắn đá cuối cùng đã phát triển thành cỗ máy đối trọng có khớp nối trebuchet, một công cụ công thành có mức độ chính xác và phạm vi lớn hơn rất nhiều, cũng như một quỹ đạo cao hơn máy bắn đá thông thường. Tuy cỗ máy trebuchet đã thống lĩnh các chiến trường Châu Âu trong vài thập kỷ, nó đã dần trở nên lỗi thời ở Trung Quốc cùng với sự xuất hiện của các vũ khí sử dụng thuốc súng.
Sự xuất hiện của thuốc súng ở Châu Âu cũng đã báo hiệu sự chấm dứt tình trạng sử dụng rộng rãi những cỗ máy công thành này. Tuy nhiên, lần cuối cùng sử dụng phổ biến các máy bắn đá trong chiến trận được cho là xảy ra trong Thế Chiến I, khi quân đội Pháp đã sử dụng những thiết bị này để bắn lựu đạn vào chiến hào của quân Đức.
Tác giả: Ḏḥwty, Ancient Origins.
Đăng tải với sự cho phép. Đọc bản gốc ở đây.
Quý Khải biên dịch
Xem thêm: