Đại Kỷ Nguyên

Máy tính Antikythera 2000 năm tuổi làm các nhà khoa học sửng sốt (+Video)

Cỗ máy Antikythera là một thiết bị 2000 năm tuổi dùng để tính toán vị trí của Mặt trời, Mặt trăng, các hành tinh và ngay cả ngày diễn ra các cuộc thi đấu Olympic cổ đại. (Ảnh: Wiki)

Vũ trụ chứa đầy những điều bí ẩn đang thách đố tri thức của nhân loại. Bộ sưu tập những câu chuyện “Khoa học Huyền bí” của Thời báo Đại Kỷ Nguyên về những hiện tượng lạ thường đã kích thích trí tưởng tượng và mở ra những khả năng chưa từng mơ tới. Chúng có thật hay không? Điều đó tùy bạn quyết định!

Các nhà khoa học phải tận mắt chứng kiến chiếc máy tính Antikythera mới tin rằng nó có thật. Khó có thể tin rằng người Hy Lạp cổ đại có thể tạo ra một thiết bị tiên tiến như vậy nếu không có hiện vật chứng minh.

Nhà toán học Tony Freeth là một trong số rất nhiều nhà khoa học từ nhiều lĩnh vực đi nghiên cứu khối đồng đỏ này – đã bị ăn mòn sau khi được tìm thấy trong xác một con tàu đắm của người La Mã cổ đại. “Nếu nó không được tìm thấy… không một ai dám nghĩ rằng vật thể này có thể tồn tại, bởi lẽ nó có cấu trúc quá phức tạp”, Tiến sĩ Freeth nhận xét trong một bộ phim tài liệu của NOVA về thiết bị này.

Với kích cỡ của một chiếc laptop hiện đại, cỗ máy Antikythera được người Hy Lạp cổ đại tạo ra, mặc dù nó được tìm thấy trong một con thuyền La Mã. Nó có thể tính chính xác các biến đổi thiên văn.

Mặc dù được phát hiện vào năm 1901, nhưng chỉ tới thế kỷ 21 các dụng cụ quét hiện đại mới cho phép các nhà nghiên cứu thâm nhập qua lớp ăn mòn. Họ phát hiện thấy các bánh răng ăn khớp với nhau và các bộ phận cơ khí phức tạp, tinh vi. Những dòng chữ khắc trên chiếc máy này chính là bản hướng dẫn sử dụng.

Bằng cách nghiên cứu số lượng những chiếc răng trên bánh răng, cùng với các con số được liệt kê trên bản hướng dẫn sử dụng, và các chu kỳ thiên văn từ các cổ vật, các nhà khoa học đã xác nhận được rằng chiếc máy này có thể tính toán các biến đổi thiên văn.

Nhà nghiên cứu lịch sử khoa học Yanis Bitsakis nói rằng các chữ khắc trên đó trùng khớp với phong cách và ngôn ngữ vào thời đó, tức giai đoạn năm 150 TCN. Bitsakis nhận định về cỗ máy đó trong một video clip ngắn được Bộ Văn hóa và Du lịch Hy Lạp cộng tác với hãng chế tạo đồng hồ Hulot và nhà làm phim Philippe Nicolet phát hành. Dưới đây là video đã được lồng phụ đề tiếng Việt:

Các nhà nghiên cứu đã làm một mô hình chiếc máy tính này theo kiểu dáng của nó hàng nghìn năm về trước.

Thiết bị này có hai mặt. Một mặt có đĩa số bao gồm 365 ngày dương lịch của người Ai Cập kèm theo 12 cung hoàng đạo. Bằng cách xoay quay tay ở bên mặt, người sử dụng có thể di chuyển đĩa số đến một ngày nhất định và xem vị trí chính xác của Mặt trăng và Mặt trời cũng như giai đoạn của Mặt trăng vào ngày đó.

Mô hình của thiết bị Antikythera hàng nghìn năm về trước. (Giovanni Dall’Orto/Wikimedia Commons)

Mặt kia của mô hình chiếc máy tính Antikythera. (Giovanni Dall’Orto/Wikimedia Commons)

Biểu đồ các bánh răng bên trong chiếc máy tính Antikythera. (Wikimedia Commons)

Một đĩa số ở phía sau cho thấy chu kỳ meton của mặt trăng, một giai đoạn kéo dài khoảng 19 năm, và một đĩa khác chỉ nhât thực và nguyệt thực. Nó cũng được cho là có thể lần theo quỹ đạo của một số hành tinh.

Mathias Buttet, giám đốc nghiên cứu và phát triển của hãng đồng hồ Hublot, đã tái tạo di vật cổ đại này dưới hình thức hiện đại, tích hợp nó vào một chiếc đồng hồ đeo tay.

Ông đã nói trong một video clip rằng, “Chiếc máy tính Antikythera này có các đặc điểm độc đáo mà đồng hồ hiện đại không có”.

Xem trailer giới thiệu chiếc đồng hồ Antikythera Sunmoon của hãng Hublot để thấy được mức độ tinh vi của máy tính Antithykera:

Tác giả:  Tara MacIsaac, Epoch Times
Quý Khải biên dịch.

Xem thêm: 

Exit mobile version