Từ lịch sử xa xưa, Trung Quốc cổ đại đã vô cùng nổi tiếng với nghề thủ công mỹ nghệ.
Nghiên cứu khu di chỉ Văn hóa Hà Mỗ Độ (từng phát triển rực rỡ phía nam vịnh Hàng Châu thuộc vùng Giang Nam, Chiết Giang hiện nay) cho thấy kết cấu ‘mộng lỗ’ (榫 卯 – mộng và lỗ mộng) của người Trung Hoa đã có ít nhất 7000 năm lịch sử.
“Mộng” và “lỗ mộng” là kết cấu chính để chế tác đồ nội thất của người cổ đại. Nó đã trở thành nét tinh túy trong văn hóa truyền thống Trung Hoa mấy ngàn năm qua. Không cần dùng đến đinh, những thanh gỗ vẫn có thể kết nối với nhau một cách chắc chắn. Không chỉ tại Trung Quốc, người Nhật Bản thời cổ xưa cũng đã biết sử dụng kỹ thuật mộc độc đáo này để tạo dựng nhiều ngôi nhà gỗ có thể đứng vững chãi qua nhiều trận động đất.
Những người thợ mộc khi chế tác vật dụng dùng đục, đục phần gỗ thừa để tạo thành một bên lồi (凸) và một bên lõm (凹) của kết cấu ‘mộng lỗ’. Cấu trúc tuân theo âm dương và cân bằng lẫn nhau. Nó thể hiện một âm và một dương, một trong và một ngoài, một cao và một thấp, một dài và một ngắn, có thể liên kết chặt chẽ với nhau, không chỉ có khả năng chịu được áp lực từ tải trọng, mà còn có thể tạo ra một cấu trúc hình khối nhất định. Để kết nối ăn khớp hiệu quả thì việc tạo ra các khớp nối gỗ đòi hỏi sự tỉ mỉ và tính chuẩn xác cao.
Dưới đây là minh họa một số cấu trúc trong kỹ thuật “đóng mộng” của người Trung Hoa cổ đại, theo NTDTV.
1. Mộng nêm đinh gỗ
2. Mộng dạng cái tẩu hút thuốc
3. Mộng kẹp đầu
4. Mộng hình đám mây
5. Mộng hình chiếc quạt
6. Góc mộng ba chiều kiểu 1
7. Góc mộng ba chiều kiểu 2
8. Góc mộng ba chiều, kết hợp đường kẻ chỉ
9. Mộng hình đinh trụ kết hợp
10. Mộng hình vuông tròn kết hợp
11. Mộng hình trụ tròn kết hợp tạo góc vuông
12. Mộng dạng hương vòng
13. Mộng dạng ghép rãnh
14. Kết cấu mộng một chân, ba răng, bàn vuông
15. Ghép hai thanh khớp theo rãnh
16. Vừa ghép rãnh vừa đục lỗ
17. Một dạng ghép phức hợp
18. Ba thanh giao nhau tại một điểm
19. Kết cấu mộng góc có cùng một trụ tròn
20. Một dạng mộng cắm đứng
21. Một kiểu mộng làm đáy tủ
22. Kết hợp gỗ dạng hình vuông và cây chêm
23. Mộng dạng bánh răng so le
24. Ghép viền của tấm ván
25. Kết cấu của chân ghế hoặc cạnh bên của bàn
26. Hai thanh gỗ thẳng giao nhau
27. Mộng hình vòng cung, ghép hai thanh gỗ thành hình chữ thập
28. Dạng ghép theo rãnh
29. Một dạng mộng kết hợp gài
30. Lỗ mộng dạng góc vuông
Cho dù sản phẩm là đồ nội thất cỡ nhỏ hay kiến trúc cung điện nguy nga, kỹ thuật đóng mộng đều có thể đảm bảo chắc chắn rằng các đồ nội thất và các công trình kiến trúc bằng gỗ đều bền chắc và kiên cố qua thời gian. Trong trường hợp xảy ra động đất, các kiến trúc có kết cấu ‘mộng lỗ’ có thể hấp thu và giải phóng năng lượng. Ngay cả khi bị rung lắc dữ dội, chúng cũng sẽ hiếm khi sụp đổ, do đó có thể giảm thiểu tối đa thiệt hại cho các công trình. Đây là một loại kết cấu độc đáo duy nhất.
Ngoài mộng và lỗ mộng, còn một điểm độc đáo nữa của kỹ thuật thủ công mỹ nghệ Trung Hoa là việc sử dụng loại keo thiên nhiên để làm phụ trợ cho đồ gỗ, một trong số đó là keo dán làm từ bong bóng cá. Có một cách nói rằng kỹ thuật gỗ mộng lỗ vốn đã có tính chống chịu kiên cố, lại thêm keo bóng cá là chất liên kết kỳ diệu giúp cho sản phẩm gỗ càng thêm vững bền.
Keo bóng cá làm từ nguyên liệu được lấy từ bong bóng của các loài cá sống ở biển sâu. Về việc sử dụng bong bóng cá trong các cổ thư như “Tế dân yếu thuật” thời Nam – Bắc triều, “Bản thảo cương mục” thời nhà Minh và “Ẩm thiện chính yếu” thời nhà Nguyên đều có ghi chép lại.
Bóng cá có thể được sử dụng làm thuốc và thực phẩm, cũng như trong thủ công mỹ nghệ. Bóng cá là thực phẩm dược liệu, có thể bồi bổ gân mạch, cầm máu, khai thông chỗ ứ tắc, trị bệnh uốn ván. Trong thủ công mỹ nghệ, bóng cá đã qua chế biến có thể dùng chế tạo ra keo có tính kết dính tuyệt hảo, có khả năng khóa chặt mộng và chốt, gia cố các công trình kiến trúc bằng gỗ.
Keo hóa học hiện đại có chứa formaldehyde, đây là mối nguy hại gấp đôi đối với cơ thể con người và các vật liệu tiếp xúc. Bóng cá là một chất kết dính tự nhiên tinh khiết có đặc tính co giãn rất tốt và độ bền liên kết của nó lớn hơn keo động vật thông thường. Gỗ sẽ thay đổi một chút theo mùa, hoặc nó sẽ giãn nở khi gặp nóng hoặc co lại khi gặp lạnh. Sau khi keo bóng cá đông cứng lại, nó cũng sẽ co giãn đồng bộ với cấu trúc của mộng lỗ, do đó tạo thành khớp nối đàn hồi, sẽ không đơn thuần như chất dính rắn cố định mà làm hỏng kết cấu mộng lỗ của các sản phẩm gỗ.
Các sản phẩm gỗ dùng kết cấu mộng lỗ và keo bóng cá cũng rất dễ dàng tháo dỡ. Nhờ đặc tính có thể hòa tan trong nước nóng của keo bóng cá, loại keo này có thể dễ dàng được làm tan chảy khi sản phẩm gỗ được tháo rời. Cấu trúc gỗ sẽ không bị hư hại do kết dính quá mức, do đó cũng sẽ không làm ảnh hưởng đến cấu trúc tổng thể.
Từ kỹ thuật mộc này chúng ta có thể thấy được trí tuệ thâm sâu, tròn đầy của người xưa. Họ có thể suy xét trên nhiều phương diện và có khả năng suy tính lâu dài. Sự hòa quyện giữa trí tuệ và bàn tay khéo léo đã tạo nên các sản phẩm gỗ tinh xảo khiến người đời sau không khỏi thán phục.