Đại Kỷ Nguyên

Một cựu giáo sư Đại học Yale đã dấn thân vào lĩnh vực tâm linh như thế nào?

Tiến sĩ Gary Schwartz (Ảnh: Bevin Christina Dunn) Nền: (Ảnh: Shane Perry/Unsplash.com/Public Domain)

Giáo sư Gary Schwartz đã được nuôi dưỡng trong một môi trường không khuyến khích tín ngưỡng (tôn giáo) và thuần túy đắm chìm trong khoa học, nhưng sau này ông đã trở thành một người có đức tin.

“Tôi đã được nuôi nấng để trở thành một người theo thuyết bất khả tri [1] chính thống”, ông nói. Ông miêu tả đặc điểm của một “người theo thuyết bất khả tri chính thống, hay thành tín” như sau: “Cho dù câu hỏi là, ‘Liệu có tồn tại trọng lực?’ hay ‘Liệu Chúa có tồn tại?’ … về triết học mà nói, câu trả lời của tôi sẽ là, ‘Tôi không biết. Có thể có, có thể không. Hãy cho tôi xem các số liệu trước đã’”.

Ông cho biết một trong những lợi ích của triết lý này là nó khiến ông trở thành một nhà khoa học sáng tạo. Vì ông sẽ không bị ràng buộc vào bất kỳ lý thuyết cụ thể nào, nên ông sẽ cởi mở hơn so với nhiều đồng nghiệp trong việc khám phá những ý tưởng mới. Nhưng đây cũng là một triết lý có phần phiền toái trên một số phương diện.

“Khi nào thì bạn mới có đủ dữ liệu để đi đến một quyết định?” ông đặt câu hỏi. GS Schwartz nói rằng ông đã bị “nhấn chìm trong đống dữ liệu” trước khi ông quyết định có một đường hướng tâm linh dành cho cuộc sống.

GS Schwartz bảo vệ luận án tiến sĩ ngành tâm lý học tại Đại học Harvard vào năm 1971 và là một phó giáo sư tại Đại học Harvard trong 5 năm. Ông là một giáo sư ngành tâm lý học và tâm thần học tại Đại học Yale, và giữ chức giám đốc Trung tâm Tâm thần sinh lý học Yale và đồng giám đốc Phòng khám Y học Hành vi Yale trước khi chuyển đến Arizona vào năm 1988. Hiện ông đang giảng dạy các lớp về sức khỏe tâm thần và tâm lý học tâm linh tại Đại học Arizona và giữ chức giám đốc Phòng thí nghiệm Thúc đẩy Ý thức và Sức khỏe (Laboratory for Advances in Consciousness and Health) [2] trực thuộc trường Đại học này.

Ông đã nghiên cứu thuật đồng cốt, làm việc với nhiều ông đồng bà đồng nổi tiếng như John Edward và James Van Praagh. Ông đã nghiên cứu các hào quang, hay “sự phát xạ quang tử sinh học”, nhiều chủ đề liên quan đến thế giới bên kia, và hơn thế nữa. Ông cũng đã nghiên cứu hiện tượng đồng phương tương tính, điều quan trọng đối với hành trình tâm linh của cá nhân ông.

GS Schwartz nói rằng ông đã bị “nhấn chìm trong đống dữ liệu” trước khi ông quyết định có một đường hướng tâm linh dành cho cuộc sống.

Xem thêm:

Bài viết này sẽ không đào sâu vào tất cả các chủ đề hấp dẫn nhưng gây nhiều tranh cãi mà GS Schwartz đã nghiên cứu. Nhưng chúng ta sẽ đề cập đến các nghiên cứu về hiện tượng đồng phương tương tính, khi xem xét cuốn sách mới của ông với tựa đề “Đồng phương tương tính và Một Tâm trí (Synchronicity and the One Mind)”, sẽ được phát hành bởi Param Media trong năm nay.

Đồng phương tương tính miêu tả các hiện tượng trùng hợp ngẫu nhiên được quan sát, trong đó hai hoặc nhiều hơn các sự kiện độc lập không có mối liên hệ nhân quả rõ ràng nhưng dường như lại hình thành nên một mô thức có ý nghĩa. GS Schwartz đã trình bày trong cuốn sách 12 cách giải thích tiềm năng cho các hiện tượng đồng phương tương tính, vốn đóng vai trò như một loại thang đo mức độ bí ẩn của loại hiện tượng này.

Ở cấp thấp là Số 1, sự lừa dối; Số 2, sự chú ý có chọn lọc; Số 3, sự trùng hợp. Những cách giải thích này đều phủ định về căn bản các hiện tượng đồng phương tương tính, khi coi chúng đơn thuần như một sự trùng hợp hay nhận thức sai lầm.

Ở cấp cao của thang đo là cách giải thích cho rằng các hiện tượng đồng phương tương tính được sắp đặt hay dàn xếp bởi “Một Tâm Trí”. Đây là điều GS Schwartz quan tâm nhất.

“Cá nhân tôi rất hứng thú với việc giải quyết các nguồn sự kiện cao nhất có thể”, ông nói. “Einstein nói rằng mối quan tâm số một của ông là hiểu được tư tưởng của Chúa. Tôi nghĩ rằng chúng ta có thể tiến gần đến việc hiểu được tư tưởng của Chúa—cái TS Larry Dossey gọi là ‘Một Tâm Trí’—bằng cách hiểu được … hiện tượng đồng phương tương tính. Nếu bạn muốn hiểu được tư tưởng của một họa sĩ hoặc một nhà phát minh, hãy nghiên cứu các phát minh hoặc các tác phẩm của anh ta/cô ta”.

Các hiện tượng đồng phương tương tính đó được kiến tạo bởi “Một Tâm Trí”—và GS Schwartz ghi chú rằng, là một “thuật ngữ hay, mang tính trung lập”—chứ không phải là “một giả định”, ông nói. “Tôi muốn gọi đây là một giả thuyết tạm thời”.

Xem thêm:

Trong cuốn sách của mình ông đã khám phá một loạt các hiện tượng đồng phương tương tính trong đó nhiều biểu tượng đã xuất hiện lặp đi lặp lại trong cuộc đời ông theo những cách thức ông cho là rất khó có thể xảy ra và, quan trọng nhất là, có ý nghĩa đối với ông. Những biểu tượng này bao gồm những con quạ, con số 11, con chuồn chuồn, và hơn thế nữa.

Bìa cuốn sách “Hiện tượng đồng phương tương tính và Một Tâm Trí” sắp được phát hành của ông. (Ảnh: Param Media)

Một hiện tượng đồng phương tương tính đã mang đến cho ông người bạn tri kỷ – con chó của ông, Willie. Khi đang dùng bữa trong một nhà hàng ở thành phố New York, một ý tưởng lóe lên trong đầu GS Schwartz là ông nên thử giải cứu một con chó thuộc giống chó Corgi xứ Wales cổ (Cardigan Welsh Corgi) vốn cực hiếm gặp. “Chỉ trong vòng vài phút sau khi hình dung ra viễn cảnh này, tôi đã bắt gặp một chú Chó Corgi xứ Wales cổ—Willie—đang cần được giải cứu”, ông đã viết trong cuốn sách của mình.

Ý tưởng giải cứu một chú chó Corgi xứ Wales cổ lóe lên trong đầu ông. Chỉ trong vài phút sau đó, Willie—một chú Chó Corgi xứ Wales cổ—đột nhiên xuất hiện trước mắt ông. (Ảnh: Internet)

Đối với GS Schwartz, các hiện tượng đồng phương tương tính là “một trong những cách… Một Tâm Trí cung cấp cho chúng ta bằng chứng thực nghiệm về sự quan tâm chăm sóc, tính định hướng, khiếu hài hước, tính vui nhộn, và sự dẫn dắt không chính thức”.

Đại Kỷ Nguyên đã hỏi GS Schwartz rằng bản thân ông hồi trẻ, với một tư tưởng thuần túy duy vật, sẽ phản ứng ra sao khi đọc một quyển sách như “Hiện tượng đồng phương tương tính và Một Tâm Trí”.

Sau khi suy nghĩ một chút, ông chầm chậm đáp lại: “Nếu tôi đọc một quyển sách của một cựu giáo sư từ Đại học Harvard và Đại học Yale, trong đó đưa ra những tuyên bố như vậy … bởi vì người này có những bằng cấp như vậy, bởi vì người này được huấn luyện trong khoa học [là một nhà khoa học chính thống], bởi vì người này là một nhà quan sát cẩn thận, và muốn nghiêm túc đánh giá từng cách giải thích khoa học tiềm năng … nên hy vọng rằng tôi sẽ cho anh ta lợi ích của sự hoài nghi và nhìn nhận rằng việc này cần phải được xem xét thêm”.

Chú thích của người dịch:

[1] Thuyết bất khả tri (Tiếng Anh: agnosticism): là quan điểm triết học cho rằng tính đúng hay sai của một số tuyên bố nhất định – đặc biệt là các tuyên bố thần học về sự tồn tại của Chúa Trời hay các vị thần – là chưa biết và không thể biết được hay không mạch lạc. Một số người theo thuyết bất khả tri suy diễn từ đó rằng các tuyên bố đó không liên quan đến ý nghĩa của cuộc sống.

[2] Phòng thí nghiệm Thúc đẩy Ý thức và Sức khỏe (Laboratory for Advances in Consciousness and Health) có sứ mệnh ứng dụng các phương pháp khoa học chủ đạo cho các câu hỏi tiên phong trong lĩnh vực ý thức và sức khỏe.

Trong chuyên mục Khoa học huyền bí, Đại Kỷ Nguyên khám phá các nghiên cứu và các sự kiện có liên quan tới các hiện tượng và giả thuyết đang thách đố hiểu biết của chúng ta hiện nay. Chúng tôi sẽ đào sâu vào những ý tưỏng có thể kích thích trí tưởng tượng và mở ra những khả năng mới. Hãy chia sẻ với chúng tôi suy nghĩ của bạn về những chủ đề có thể gây nhiều tranh cãi trong phần bình luận bên dưới.

Tác giả Tara MacIsaac, Đại Kỷ Nguyên Anh ngữ.
Đọc bản gốc ở đây.
Quý Khải biên dịch

Xem thêm:

Exit mobile version