Vũ trụ chứa đầy những điều bí ẩn đang thách đố tri thức của nhân loại. Bộ sưu tập những câu chuyện “Khoa học Huyền bí” của Thời báo Đại Kỷ Nguyên về những hiện tượng lạ thường đã kích thích trí tưởng tượng và mở ra những khả năng chưa từng mơ tới. Chúng có thật hay không? Điều đó tùy bạn quyết định!
Xuyên suốt lịch sử, đã có vô số sự kiện được ghi nhận về những vật thể kỳ quái rơi xuống từ trên trời, như cá, ếch, kẹo, sứa, đậu, lạc, hạt giống, cùng với tất cả các loại vật thể quái đản và không tưởng khác.
Một giả thuyết thường được đưa ra đã tuyên bố rằng, chính các cơn gió lớn đã cuốn các vật thể lên khỏi mặt đất hay dưới nước và ném chúng xuống những thị trấn xa cách đó cả dặm đường. Nhưng liệu giả thuyết này có thể giải thích cho những cơn mưa đá sỏi đã gây thiệt hại cho nhà cửa và thậm chí làm thiệt mạng cho người và gia súc hay không?
Lịch sử lâu dài các cơn mưa vật thể
Một trong những trường hợp được ghi chép đầu tiên về cơn mưa vật thể đến từ các bản thảo của nhà triết học và tự nhiên học Pliny the Elder. Ông đã ghi nhận được các cơn mưa ếch và cá trong thế kỷ thứ I SCN, ở khu vực hiện nay là Italy.
Sau đó đến thế kỷ thứ III, nhà ngôn ngữ học người Hy Lạp là Athenaeus đã ghi trong tác phẩm mang tên The Deipnosophists (Quyển VIII) như sau: “Tại Paeonia và Dardania, ban đầu có hàng tá ếch từ trên trời rơi xuống; lúc đầu, trong một vài ngày đầu tiên, người dân đã cố gắng giết chúng, đồng thời đóng cửa nhà, kiên cường chống chọi với dịch ếch; nhưng khi họ thấy không mấy tác dụng, khi ếch tràn ngập trên các con tàu, thì họ bắt ếch đem đi nướng và luộc trong mọi món ăn; nhưng ngoài ra, họ cũng không còn chỗ để lấy nước sạch, họ cũng không có chỗ để đặt chân khi mặt đất đầy rẫy ếch nhái, đồng thời mùi hôi thối từ xác những con ếch chết bốc lên nồng nặc khiến người dân phải bỏ xứ mà đi”.
Tranh khắc năm 1555, miêu tả cơn mưa cá. ( Wikimedia Commons)
Một cơn mưa cá nhỏ và nòng nọc, Nhật Bản, 2009. (io9.com)
Kể từ đó, vô số các trường hợp quái dị khác đều đã được ghi chép lạị, bao gồm một cơn bão ở Italy vào năm 1840 thảy xuống đất hàng nghìn hạt giống đã nảy mầm của cây Judas có nguồn gốc tận Trung Phi; mưa các hạt tinh thể đường ở Lake County, California, Mỹ năm 1857, mưa hạt dẻ ở Dublin, Ireland năm 1867; mưa chem chép nước ngọt còn sống ở Paderborn, Đức năm 1892, mưa sứa biển ở Bath, Anh quốc năm 1894.
Và có lẽ trong số đó, “cơn mưa” thú vị nhất từng xảy ra là mưa tiền xu có niên đại từ thế kỷ 16 đã rơi xuống từ bầu trời tại ngôi làng Meschera ở Nga vào ngày 16/6/1940. Các nhà khảo cổ đưa ra giả thuyết cho rằng một cơn lốc mạnh đã cuốn cả kho tiền chôn dưới đất vốn đã bị lộ ra do lớp đất xói mòn để rồi quăng chúng xuống đây.
Một trong những nhà khoa học đầu tiên cố gắng giải thích hiện tượng lạ thường này là nhà ngư học EW Gudger tại bảo tàng lịch sử tự nhiên Hoa Kỳ. Trong những năm đầu thế kỷ 20, ông đã xuất bản một bài báo trên tạp chí Lịch sử Tự nhiên, có tiêu đề “Rains of Fishes” (Các cơn mưa cá). Trong đó, ông đề ra bốn giả thuyết nhằm giải thích cho các hiện tượng tôm cá dội từ trên trời xuống.
Và có lẽ trong số đó, “cơn mưa” thú vị nhất từng xảy ra là mưa tiền xu có niên đại từ thế kỷ 16 rơi xuống từ bầu trời tại ngôi làng Meschera ở Nga vào ngày 16/6/1940.
Ông đưa ra 4 khả năng sau:
- Chúng đang trên đường di cư.
- Các loài này bị mắc cạn sau khi nước tràn ra từ sông, suối.
- Các loài cá ngủ hè bị đánh thức bởi trận mưa lớn và trồi lên mặt đất.
- Tôm cá bị vòi rồng bốc lên khỏi ao hồ rồi được thả xuống mặt đất cách đó nhiều cây số.
Vòi rồng là một cách giải thích cho các cơn mưa vật thể (Shutterstock)
Giả thuyết cuối nhận được nhiều sự đồng tình nhất. Jerry Dennis đã viết trong cuốn sách của ông với tựa đề “Mưa cá và ếch: Bốn mùa của hiện tượng tự nhiên và sự quái đản của bầu trời”, rằng các tính toán trên lý thuyết cho thấy “trận mua đá cỡ quả bóng gôn sẽ cần phải có một lực nâng với vật tốc lớn hơn 150 km/h, và vận tốc như vậy là đủ mạnh để cuốn cá nhỏ lên mây giông.”
Tuy nhiên, một số sự kiện mưa vật thể không thể được giải thích dễ dàng bằng cách này. Lấy ví dụ, hiện tượng mưa đá sỏi, vốn có thể kéo dài trong vài ngày hay thậm chí nhiều tuần, gió không thể cuốn những tảng đá lớn qua quãng đường dài như vậy được.
Mưa đá sỏi
Giống như hiện tượng mưa động vật, mưa sỏi đá cũng đã được được ghi nhận trong suốt lịch sử. Một trong những trường hợp đầu tiên xảy ra vào năm 1557, được Conrad Lycosthenes ghi chép trong cuốn Chronicles of Prodigies (Tạm dịch: Thần kỳ biên niên sử), trong đó miêu tả một trận mưa sỏi đá giáng xuống làm chết nhiều người và vật nuôi.
Vào thời Trung Cổ, những trận mưa loại này đều được quy cho các sinh mệnh siêu nhiên hoặc hoặc thậm chí do ma quỷ. Năm 1690, nhà nghiên cứu văn học dân gian Robert Kirk đã viết trong cuốn “Khu vực thịnh vượng chung bí mật”, rằng hiện tượng đá rơi là do những cư dân dưới lòng đất, được gọi là “kẻ vô hình”, tương tự với yêu tinh gây nên. Chúng làm phép gây mưa đá sỏi, nhưng không cố ý làm hại ai. Năm 1698, nhiều viên sỏi đá rơi xuống từ bầu trời bang New Hampshire, Mỹ. Sự kiện này đã được ghi chép lại trong một cuốn sách nhỏ với tựa đề Lithobolia, or the Stone-Throwing Devil (tạm dịch: Lithobolia, hay loài quỷ ném đá).
Hình minh họa một trận mưa đá sỏi trong tiểu thuyết “Đôn Ki-hô-tê”. ( Public Domain)
Một trong những sự kiện mưa đá sỏi nổi tiếng nhất xảy ra vào tháng 10/1901 ở khu Harrisonville, bang Ohio. The Buffalo Express, một tờ báo nhỏ địa phương, đưa tin rằng vào ngày 13/10, “một tảng đá đã lao xuống làm vỡ cửa sổ nhà Zach Dye”. Không phát hiện thấy ai trong khu vực lân cận khi sự việc xảy ra. Nhưng đó mới chỉ là màn dạo đầu. Trong vòng vài ngày kế tiếp, toàn bộ thị trấn bị tấn công bởi những cơn mưa sỏi đá từ trên trời. Người dân hoang mang trước nguồn gốc của chúng, tự hỏi không biết những thứ này đến từ đâu, nên họ triệu tập đàn ông và thanh niên lại để loại trừ khả năng hiện tượng này là do một nhóm phá quấy nào đó đã làm (họ cho rằng phụ nữ không có khả năng làm những chuyện này). Những viên đá tiếp tục rơi vài ngày sau đó, rồi chấm dứt cũng đột ngột như lúc xuất hiện.
Kể từ đó, có rất nhiều hiện tượng mưa đá sỏi tương tự đã được ghi chép lại, bao gồm ở Sumatra (1903), Bỉ (1913), Pháp (1921), Australia (nhiều lần giữa giai đoạn 1946 và 1962), New Zealand (1963), New York (1973), và Arizona (1983).
Thiên thạch Ensisheim (1492). (io9.com)
Thiên thạch Nakhla, năm 1911, ở Ai Cập. (io9.com)
Thiên thạch Fukang, năm 2000, tại sa mạc Gobi, Trung Quốc.(io9.com)
Các lý giải cho hiện tượng mưa đá sỏi
Các nhà khoa học thừa nhận rằng họ thực sự chưa có một câu trả lời rõ ràng cho hiện tượng mưa đá sỏi kỳ lạ này. Trong nhiều năm qua, rất nhiều các giả thuyết đã được đề xuất, từ ma quỷ cho đến các sinh vật siêu nhiên, các băng nhóm ném đá, các vụ phun trào núi lửa, thiên thạch rơi, lốc xoáy, và ngay cả sự trừng phạt của Thần thánh, như được đề cập đến trong Thánh kinh (Joshua 10:11): “Khi chúng chạy trốn trước mặt Israel và xuống dốc Beth Horon để đến Azekah, thì Ðức Giê-hô-va khiến đá lớn từ trời rớt xuống, và chúng nó đều bị chết. Số những người bị chết vì mưa đá nhiều hơn số những người bị dân Israel giết bằng gươm.”
Lấy ví dụ, hiện tượng mưa đá sỏi, vốn có thể kéo dài trong vài ngày hay thậm chí nhiều tuần, đã cuốn theo gió những tảng đá lớn qua quãng đường dài.
Vào ngày 23/11/2013, hàng nghìn tảng đá nhỏ rơi từ trên trời xuống thành phố Sicily, Italy, sau khi núi Etna, một ngọn núi lửa đang hoạt động, phun trào, phát phóng lên bầu trời đá bọt, bụi, và khói. Xe ô tô vì thế bị bao phủ bởi một lớp đá đen, sắc, nhỏ. Chí ít trong trường hợp này chúng ta đã lý giải được nguyên nhân của hiện tượng mưa đá sỏi. Tuy nhiên, rất nhiều các sự kiện được ghi nhận trong lịch sử không khớp với miêu tả như vậy.
Video quay cảnh sau cơn mưa đá sỏi sau khi núi lửa Etna ở Sicily, Italy phun trào:
Một cách giải thích phổ biến khác là các cơn lốc xoáy. Tuy nhiên, người ta đã báo cáo hiện tượng này ngay cả ở những nơi có thời tiết tốt và ở những nước không xuất hiện lốc xoáy. Hơn thế nữa, các cơn lốc xoáy chỉ có thể cuốn lên trời các mảnh vụn và bắn nó ra bên ngoài theo quỹ đạo đường đạn. Chúng không thể làm các mảnh vụn rơi xuống từ trên trời cách xa khỏi vị trí ban đầu.
Một số chuyên gia lập luận rằng các cơn mưa đá sỏi có thể được tạo ra khi một thiên thạch tiến vào bầu khí quyển của Trái đất và vỡ vụn thành hàng nghìn mảnh đá vụn. Tuy nhiên, một hiện tương như vậy thường kèm theo một tiếng nổ siêu thanh (khi vật thể bay vượt quá vận tốc âm thanh, hay >330m/s), vốn chưa được báo cáo trong bất kỳ trường hợp nào, và tất nhiên giả thuyết này sẽ khó có thể giải thích cho các hiện tượng mưa đá sỏi kéo dài nhiều ngày hay thậm chí nhiều tuần.
Cũng như nhiều hiện tượng bất thường chưa có lời giải đáp khác, các khoa học gia và học giả vẫn còn ngần ngại đi sâu phân tích lĩnh vực này một cách nghiêm túc. Có lẽ, việc phân tích tính chất của những tảng đá đó và nguồn gốc của chúng (là đá địa phương hay từ khu vực xa xôi hơn, bao gồm cả ở ngoài không gian vũ trụ) sẽ phần nào vén mở tấm màn bí ẩn này. Cho tới khi đó, chúng ta chỉ có thể phỏng đoán mà thôi.
Có lẽ bạn từng nghe đâu đó rằng: “Sự thật không như bạn tưởng?”.
Xem video dưới đây để thưởng thức một cơn mưa “nhện”:
April Holloway là một biên tập viên và người viết bài cho trang Ancient-Origins. Cô tốt nghiệp với tấm bằng Cử nhân khoa học và hiện đang làm việc trong vai trò một nhà nghiên cứu.
Tác giả April Holloway, Ancient Origins
Quý Khải biên dịch, có tham khảo bản dịch từ tinhhoa.net