Đại Kỷ Nguyên

Mỹ ra mắt vật liệu giúp biến CO2 trong không khí thành nhiên liệu

Các nhà khoa học Mỹ vừa ra mắt một loại vật liệu đặc biệt sử dụng năng lượng mặt trời với khả năng hấp thụ CO2 từ khí quyển để biến thành nhiên liệu, mở ra triển vọng cho việc tiết giảm khí nhà kính và ngăn ngừa sự nóng lên toàn cầu

Đó là một hợp chất xúc tác hữu cơ nikel dạng xốp. Theo công bố, vật liệu này có tính chất tương tự với dòng vật liệu khung hữu cơ – kim loại (MOFs) vốn nổi tiếng với các tính năng độc đáo như hút khí độc, tạo ra nước từ không khí khô, và là nền tảng cho công nghệ nhiên liệu hydro trong tương lai.

Một dạng cấu trúc tinh thể vật liệu khung hữu cơ – kim loại (MOFs) (Ảnh: Internet)

Khi có tác động của ánh sáng mặt trời, loại vật liệu mới này sẽ tự động hấp thụ carbon dioxide (CO2) trong khí quyển và biến đổi thành carbon monoxide (CO). Khác với CO2, khí CO dễ dàng cháy trong không khí và tạo ra một lượng nhiệt lượng lớn. Do đó, đây là một nguồn năng lượng hữu ích được sử dụng rất rộng rãi trong các ngành công nghiệp.

Kết quả được nhóm nghiên cứu công bố cho thấy kỹ thuật của họ tạo ra carbon monoxide (CO) tinh khiết với tỉ suất đạt gần 100% và hoàn toàn không lẫn các khí khác như hydrogen và methane. Đây là một thành tựu chưa từng đạt được trước đây

Giáo sư Haimei Zheng thuộc Bộ Năng lượng Hoa Kỳ và Đại học California, Berkeley, thành viên nhóm nghiên cứu loại vật liệu mới cho biết: “Thế giới đang cần rất nhiều ý tưởng để tạo ra các nhiên liệu thay thế cho nhiên liệu hoá thạch và ngăn chặn mức carbon dioxide (CO2) tăng cao quá mức. Ý tưởng chuyển đổi carbon dioxide (CO2) thành nhiên liệu nhờ sử dụng năng lượng mặt trời là một nỗ lực nghiên cứu toàn cầu.’’

Thế giới đang đau đầu trước bài toán hạn chế khí thải cacbon (Ảnh: Internet)

“Chất xúc tác hữu cơ niken xốp là một bước tiến quan trọng hướng tới việc sản xuất rộng rãi các dòng nhiên liệu đa carbon có giá trị cao nhờ sử dụng năng lượng mặt trời”.

Ngày càng có nhiều mối quan ngại việc thế giới sẽ không thể hạn chế sự ấm lên toàn cầu dưới mức 1,5 °C – mức mục tiêu đặt ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Điều này đã khiến các nhà khoa học trên toàn thế giới đau đầu tìm cách phát triển các giải pháp giúp loại khí thải carbon khỏi bầu khí quyển, tuy nhiên kết quả thu được còn rất nhiều hạn chế.

Hoài Anh

Xem thêm:

Exit mobile version