Khoa học đã có đột phá trong nghiên cứu về các hành tinh ngoài hệ Mặt Trời, từ con số 0 cho đến hàng ngàn ngoại hành tinh được tìm thấy chỉ vỏn vẹn trong vòng vài thập kỷ.

NASA công bố bản đồ 4.000 ngoại hành tinh bên ngoài hệ Mặt Trời
Ngày càng có nhiều các hành tinh ngoài hệ Mặt Trời được phát hiện. (Ảnh chụp từ video của NASA)

Theo báo Thanh Niên, hành tinh ngoài hệ Mặt Trời còn được gọi là “ngoại hành tinh”, sự tồn tại của chúng trước đây chỉ là các suy đoán trên lý thuyết. Cho đến năm 1992 người ta mới chính thức ghi nhận được một ngoại hành tinh và từ đó trở đi số lượng hành tinh như thế được phát hiện đã gia tăng đáng kể. 

Đặc biệt với sự trợ giúp của kính thiên văn vũ trụ Kepler, chỉ trong vòng thập kỷ vừa qua giới khoa học đã tìm thấy số lượng các ngoại hành tinh mới với tốc độ chóng mặt, đến tháng 6 năm nay đã chính thức vượt mốc 4000 ngoại hành tinh. 

Đây là một bước tiến rất xa trong việc mở rộng tầm nhìn và nhận thức về vũ trụ của ngành thiên văn học cũng như của cả nhân loại. NASA đã thực hiện một video mô tả vị trí và thời điểm các hành tinh khi chúng được tìm ra trên bầu trời đêm, qua đó chúng ta thấy được tốc độ phát hiện tăng nhanh theo thời gian đặc biệt vào giai đoạn kính thiên văn vũ trụ Kepler được đưa vào hoạt động từ năm 2010.

Năm 2018, Kepler đã chính thức kết thúc sứ mệnh vĩ đại của mình, tuy vậy thành quả của nó được giao phó cho “thế hệ sau” là Vệ tinh khảo sát Exoplanet (TESS). Vệ tinh này tiếp tục đảm nhận và đã phát hiện được hơn 700 ngoại hành tinh mới chỉ trong năm đầu tiên đưa vào sử dụng.

NASA công bố bản đồ 4.000 ngoại hành tinh bên ngoài hệ Mặt Trời
Các hành tinh ngoài hệ Mặt Trời được thống kê đầy đủ trên website của NASA. (Ảnh chụp màn hình/NASA)

Ngoài ra còn có hai kính viễn vọng khác cũng sẽ tham gia trong tương lai, một là vệ tinh chuyên quan sát ngoại hành tinh của châu Âu (CHEOPS) dự kiến đưa vào không gian cuối năm nay và hai là kính viễn vọng không gian James Webb của NASA tiếp sau đó vào năm 2021. Chúng được kỳ vọng sẽ đem lại nhiều thông tin hơn bên cạnh việc xác định vị trí các ngoại hành tinh mới, chẳng hạn như phân tích những dữ kiện bề mặt hành tinh để đánh giá khả năng tồn tại sự sống trên đó.

Nếu bạn muốn tìm hiểu chi tiết hơn về ngoại hành tinh thì có thể truy cập trang NASA Exoplanet Archive.

Video: Phát hiện một hành tinh mới cỡ trái đất

videoinfo__video3.dkn.tv||a8fe2eb9a__