Các nhà thiên văn học vừa có một phát hiện hi hữu khi cùng lúc tìm ra năm cặp hố đen hiếm gặp được kì vọng sẽ giúp làm sáng tỏ về các vết rách trong kết cấu không-thời gian.
Theo Iflscience, năm cặp hố đen này được phát hiện nhờ dữ liệu của một loạt các kính thiên văn, bao gồm Đài quan sát tia X Chandra, Kính viễn vọng không gian tia hồng ngoại WISE và Kính viễn vọng SDSS của NASA.
Thông qua việc định vị các nguồn phát ra tia X từ các hệ thống hố đen tách biệt nhưng ở gần và đi đôi với nhau, dấu vết của các cặp hố đen này đã dần lộ diện. Cần lưu ý là chúng ta không thể quan sát trực tiếp các hố đen vì ánh sáng không thể thoát ra khỏi lực hấp dẫn của chúng, chúng chỉ có thể được phát hiện thông qua cách chuyển động của vật chất ở xung quanh nó.
Các nghiên cứu từ trước tới nay mới chỉ tìm ra được 10 cặp hố đen tương tự. Ở trung tâm của các thiên hà – kể cả thiên hà Ngân Hà của chúng ta – thường có một hố đen siêu khổng lồ với khối lượng lớn hơn mặt trời hàng triệu lần. Khi hai thiên hà va chạm với nhau các hố đen trong mỗi thiên hà cũng sẽ có thể hợp nhất hoặc trở thành một cặp đôi.
“Các nhà thiên văn học vẫn luôn tìm thấy những hố đen đơn siêu lớn ở khắp nơi trong vũ trụ. Tuy nhiên, mặc dù chúng ta đã dự đoán rằng chúng sẽ phát triển cực nhanh khi va chạm với nhau, các cặp đôi hố đen khổng lồ vẫn rất khó phát hiện”. Nhà khoa học Shobita Satyapal – trưởng nhóm nghiên cứu – cho biết.
Những phát hiện này hứa hẹn có thể giúp các nhà khoa học hiểu về các loại sóng hấp dẫn mới được phát hiện cũng như các vết rách trong không – thời gian.
Tiến sĩ Satyapal cho biết: “điều quan trọng là phải hiểu được các cặp hố đen này tương tác như thế nào, từ đó giúp dự đoán tín hiệu cho các đài quan sát sóng hấp dẫn. Chúng ta đang ở giai đoạn đầu của một kỷ nguyên mới về khám phá vũ trụ, đây là thời điểm hết sức sôi động để nghiên cứu về sự sáp nhập hay xoay chuyển của các cặp hố đen”.
Hoài Anh