Đại Kỷ Nguyên

NASA phát hiện ‘siêu Trái Đất’ có thể tồn tại sự sống gần chúng ta nhất

NASA phát hiện 'siêu Trái Đất' có thể tồn tại sự sống gần chúng ta nhất

(Ảnh: eu.com)

Một kính viễn vọng của NASA đã phát hiện ra một hành tinh có thể tồn tại sự sống ngoài hệ Mặt trời rất gần Trái đất.

Theo đài NBC News , ngày 31/7 vừa qua các nhà thiên văn học Mỹ tuyên bố đã phát hiện ra hành tinh gần nhất có thể tồn tại sự sống nằm ngoài hệ mặt trời của chúng ta. Đây là thành quả sau hơn 1 năm tìm kiếm của dự án Vệ tinh Thăm dò Ngoại hành tinh Quá cảnh (TESS) của NASA.

“Siêu Trái đất” – biệt danh được đặt cho hành tinh có số hiệu GJ 357 d – chỉ nằm cách hệ mặt trời chúng ta 31 năm ánh sáng. Hành tinh này có khối lượng lớn gấp 6 lần Trái đất chúng ta. Nó có nhiệt độ vừa đủ, không quá nóng và cũng không quá lạnh, nước có thể tồn tại ở dạng lỏng trên bề mặt.

Hành tinh mang số hiệu GJ 357 d vừa được phát hiện có thể tồn tại sự sống. (Ảnh: NASA)

Phó giáo sư Kaltenegger, thành viên dự án TESS, cho biết: 

“Việc phát hiện này là hoàn toàn bất ngờ. Tess hoạt động một cách tự do và chúng tôi đã tình cờ [phát hiện được hành tinh kia] trong quá trình theo dõi”.

Kể từ tháng 7/2018, TESS đã phát hiện được hơn 20 hành tinh nằm bên ngoài hệ mặt trời.

“Nếu hành tinh này có bầu khí quyển dày đặc (tất nhiên điều này sẽ cần thêm các nghiên cứu trong tương lai để xác định rõ), thì nó có thể tích lũy đủ nhiệt lượng để làm ấm hành tinh và cho phép tồn tại nước lỏng trên bề mặt”, ông Diana Kossakowski, thành viên nhóm nghiên cứu phát hiện ra hành tinh này, chia sẻ trong một thông cáo báo chí của NASA. Nếu không có bầu khí quyển, hành tinh này sẽ có mức nhiệt trung bình khoảng -53 độ C, điều này sẽ khiến nó “trở nên băng giá hơn là có thể ở được”, NASA cho hay.

Hiện các nhà thiên văn biết rất ít về khả năng hành tinh này có tồn tại sự sống hay không. Họ cho biết 1 năm trên hành tinh này kéo dài khoảng 56 ngày, cũng chính là khoảng thời gian hành tinh này hoàn thiện một vòng quay quanh ngôi sao chủ của nó. Khoảng cách giữa nó và ngôi sao bằng khoảng 1/5 khoảng cách giữa Trái Đất và Mặt Trời.

Dự định tương lai

(Ảnh: eu.com)

“Đây chắc chắn sẽ là một trong những mục tiêu tốt nhất để quan sát bởi hành tinh này rất gần và rất sáng”, PGS Kaltenegger cho hay. 

“Càng gần thì càng tốt, và càng sáng thì càng tốt hơn nữa [trong việc nghiên cứu hành tinh]. Hành tinh này hội đủ hai điều kiện này. Chúng tôi sẽ phân tích ánh sáng để xem thành phần hóa học của bầu khí quyển, xem hành tinh này có nước hay oxy hay không”, Kaltenegger nói thêm.

Trong những tháng tới, PGS Kaltenegger cùng các đồng nghiệp đã có kế hoạch nghiên cứu hành tinh này kỹ lưỡng hơn, đồng thời tiến hành quan sát thêm hệ thống GJ 357 để tìm kiếm các hành tinh tương tự khác trong vũ trụ. 

Bà Kaltenegger cho biết kính thiên văn vũ trụ James Webb sắp ra mắt vào năm 2021 và kính thiên văn cực lớn ở Chile vào năm 2025 sẽ tiết lộ thêm liệu hành tinh này có đá hay đại dương không.

Kính thiên văn vũ trụ James Webb. (Ảnh: PBS)
Hình mô phỏng kính thiên văn vũ trụ James Webb trong không gian. (Ảnh: Gizmodo)

Công cuộc tìm kiếm sự sống ngoài Hệ Mặt Trời và những tín hiệu tích cực

Trong những năm gần đây công cuộc tìm kiếm sự sống ngoài hệ Mặt trời của con người đã nhận được nhiều tín hiệu tích cực.

Lấy ví dụ, Vệ tinh Tess đã được NASA phóng vào không gian vào ngày 16/4/2018. Mục tiêu chính của nó là quét hơn 200.000 ngôi sao sáng nhất để tìm kiếm dấu hiệu sự sống trên các hành tinh quay xung quanh. Và với việc khám phá ra GJ 357 d, thì chỉ sau hơn 1 năm, chúng ta đã có một thành quả đáng tự hào. 

Không chỉ vậy, gần đây nhất, ngay vào những ngày đầu năm 2019, tàu New Horizons của NASA đã phát tín hiệu thông báo hoàn thành chuyến đi tới nơi xa xôi nhất trong hệ Mặt trời trong lịch sử du hành không gian của nhân loại – thiên thạch Ultima Thule cách Trái đất 6,4 tỷ km, sau gần 12 năm rời Trái Đất!

Dù chưa có trong tay bất cứ minh chứng cụ thể nào về các sinh vật ngoài Trái đất nhưng những tín hiệu khả quan này cũng đủ khiến nhân loại vui mừng và tiếp tục hy vọng về hành trình đầy phiêu lưu của mình.

Exit mobile version