NASA dự định sẽ phóng một tàu đổ bộ mang theo các vi sinh vật lên sao Hỏa vào năm 2020 nhằm tạo ra oxy cho bầu khí quyển của hành tinh đỏ.
Theo Iflscience, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đang cân nhắc một số phương án, trong đó có việc đưa vi sinh vật, có thể là tảo hoặc vi khuẩn theo các tàu thăm dò lên sao Hỏa vào năm 2020 nhằm tạo ra oxy trong bầu khí quyển hành tinh này. Hiện nay bầu khí quyển sao Hỏa chỉ chứa 0,13% là khí oxy, trong khi bầu khí quyển Trái Đất là 21%.
Nhiều triệu năm trước, bầu khí quyển sao Hỏa dày đặc hơn hiện nay, và thậm chí có một lượng lớn oxy như Trái Đất. Tuy nhiên, từ trường của nó đã biến mất, và gió mặt trời mạnh đã đẩy hầu hết các loại khí vào không gian. Ngày nay, hành tinh đỏ chỉ còn một lượng oxy rất nhỏ ở tầng thượng của bầu khí quyển.
Một phương pháp có thể sử dụng là chiếu một tia laser cường độ cao vào bầu khí quyển Sao Hỏa để tách oxy nguyên chất ra khỏi các phân tử CO2.
Tuy nhiên, nhóm đã lựa chọn một phương pháp gần gũi với thiên nhiên hơn. Theo đó, họ sẽ nuôi các vi sinh vật trên đất sao Hỏa với hy vọng chúng thải ra khí oxy như một sản phẩm phụ. Lượng oxy tạo ra có thể dùng để hít thở hoặc sử dụng làm nhiên liệu tên lửa cho các chuyến bay trở về Trái Đất. Nếu thử nghiệm thành công, đây sẽ là bước đi quan trọng giúp biển đổi sao Hỏa, tạo ra môi trường thuận lợi để con người sinh sống trong tương lai.
Theo Robert Lightfoot, một trong các nhà lãnh đạo của NASA, cơ quan này sẽ tiến hành thử nghiệm vào năm 2020 khi một tàu thăm dò mới đổ bộ xuống Sao Hỏa.
Ngoài tham vọng tạo ra oxy, NASA cũng có kế hoạch xây dựng một lá chắn từ trường xung quanh sao Hỏa và lắp đặt lò phản ứng hạt nhân trên hành tinh này. Họ cũng hy vọng phóng một trạm không gian tới gần Mặt Trăng để làm căn cứ trung chuyển trong sứ mệnh đưa người lên Sao Hỏa.
Hoài Anh
Xem thêm: