Ít nhất 4.000 người đã thiệt mạng và hơn 100.000 người bị đẩy vào tình trạng vô gia cư sau trận động đất tồi tệ nhất từng đánh vào Nepal trong hơn 80 năm qua. Thảm họa này cũng đã phá hủy rất nhiều công trình cổ đại, bao gồm nơi cư trú trước đây của hoàng tộc cũng như các đền thờ Phật giáo và Ấn Độ giáo. Mặc dù thiệt hại về người làm lu mờ sự tàn phá các công trình cổ đại, nhưng thiệt hại về mặt văn hóa cũng rất thảm khốc.
Tháp Dharahara được tể tướng xây dựng vào năm 1832 cho cháu gái của ông, hoàng hậu của Nepal. Tòa tháp này cao 61 m. (Ảnh: Twitter)
Một số tòa nhà và công trình bị phá hủy của Kathmandu là các di sản Văn hóa Thế giới UNESCO, một số đã có niên đại từ nhiều thế kỷ trước.
Ngôi đền Phật giáo Syambhunaath Stupa, xây dựng 1.500 trước đây, đã chống chịu được tình trạng thiệt hại nặng nề. Tháp Dharahara khổng lồ được xây dựng từ năm 1832, đã đổ xuống mặt đất. Tờ The Daily Mail báo cáo rằng rất nhiều người bị nhốt bên trong tòa tháp này đã thiệt mạng. Các cung điện và đền thờ giờ chỉ còn là một đống đổ nát.
Quảng trường Patan Durbar, một trong 4 quảng trưởng còn lại là nhà của gia đình hoàng tộc Nepal, trước và sau thảm họa động đất. (Ảnh: Twitter)
Toàn bộ một ngôi làng đã bị động đất tàn phá. Người dân không dám về nhà vì lo ngại khả năng xảy ra một trận động đất tiếp theo, và người ta có thể cảm thấy dư chấn trong khu vực.
Hãng tin CNN đưa tin rằng các ngôi chùa bên ngoài Kathmandu tương đối nguyên vẹn nhưng hai ngôi chùa Ấn Độ giáo nổi tiếng giờ chỉ còn là đống gạch vụn:
Khi cơn động đất tấn công thành phố, rất nhiều ngôi chùa nổi tiếng của Nepal bên trong và bên ngoài thành phố Kathmandu đã đổ sụp thành đống gạch vụn. Số khác bị đè bẹp dưới những xà dầm gỗ vỡ nát hay những mái nhà nhiều tầng… Thiệt hại lớn nhất về mặt kiến trúc là ngôi chùa thần Shiva đồ sộ và ngôi chùa Narayan, vốn chiếm ngự quảng trường Durbar của Kathmandu… Hai ngôi chùa này đã bị phá hủy và chỉ còn lại hàng đống gạch vụn tang tóc, xe ủi đất đang dọn đường cho các phương tiện lưu thông, những nhân chứng chết lặng trong kinh hoàng và một cảm giác mất mát không thể thay thế được về cảnh quan và tâm linh.
Ngôi chùa thờ thần Shiva trước và sau động đất
Ngôi chùa Narayan (Phải) và ngôi chùa Shiva (Trái) trước và sau động đất
Trận động đất phá hủy hầu hết khu phức hợp đền thờ Swayambhunath Stupa, nhưng tháp vàng biểu tượng vẫn đứng vững. Một số công trình trên mặt đất của ngôi chùa Phât giáo này có thể được xây từ thế kỷ thứ 5 SCN, biến nó trở thành một trong những thánh tích Phật giáo cổ nhất ở Kathmandu.
Được gọi là đền khỉ, khu phức hợp Swayambhunath Stupa đã bị phá hủy nghiêm trọng chỉ trừ tòa tháp vàng biểu tượng của nó. (Ảnh: Telegraph)
“Tập hợp các truyền thuyết về di chỉ Swayambhu Purana từ thế kỷ 15 kể về một bông hoa sen thần kỳ, được chính Đức Phật gieo trồng, mà có lần đã từng nở trong hồ và bao phủ thung lũng Kathmandu”, theo trang web Sacred Sites. Bông hoa sen này bí ẩn tỏa ra một luồng ánh sáng tuyệt vời, từ đó nơi này mới được đặt tên là Swayambhu, nghĩa là ‘Tự sinh hoặc Tự tồn’. Các thần tiên, hiền triết đã quy tụ ở hồ này để tỏ lòng tôn kính đến nguồn ánh sáng có quyền năng ban tặng sự giác ngộ này”.
Văn Thù Sư Lợi, một vị Bồ Tát, đã nhìn thấy cảnh tượng của ánh sáng Swayambhu. Ông đã cưỡi con sư tử của mình và bay từ Trung Quốc đến Nepal để tỏ lòng tôn kính đến đóa hoa sen này. Truyền thuyết kể rằng Ngài nghĩ rằng nếu nước bị rút cạn đi, khu vực này sẽ trở nên dễ tiếp cận hơn. Với một thanh kiếm Ngài đã cắt một rãnh vào ngọn núi này, rút hết nước ra và để lại Thung lũng Kathmandu. Bông hoa sen trở thành một ngọn đồi, và ánh sáng của hoa sen trở thành ngọn tháp.
Những công trình cổ đại này sẽ được xây dựng và sửa chữa lại. Hiện nay, nỗ lực giảm thiểu thiệt hại đang tập trung vào việc cung cấp hỗ trợ y tế và thuốc men cho những người sống sót. Cần thêm nhiều nỗ lực để giúp đất nước vốn đã đổ vỡ này không sa vào một tình trạng còn bi thảm hơn nữa.
Tác giả: Mark Miller, Ancient Origins
Đăng tải với sự cho phép. Đọc bản gốc ở đây.
Quý Khải biên dịch.