Đại Kỷ Nguyên

Nghi vấn xoay quanh Giải Nobel Hóa học 2018

Nghi vấn xoay quanh Giải Nobel Hóa học 2018

Ngày 03/10/2018, Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển đã quyết định trao giải Nobel Hóa học 2018 cho ba nhà khoa học vì công trình của họ về “tiến hóa được hướng dẫn”. Giới tiến hóa vui mừng coi đây là “bằng chứng của tiến hóa”. Đúng thế không? KHÔNG, những công trình này chẳng có gì để chứng minh thuyết tiến hoá Darwin lẫn Tân-Darwin!

 Quý độc giả lưu ý:

Loạt bài về thuyết tiến hóa trên Đại Kỷ Nguyên được phân thành 2 mục chính sau:

Quý độc giả có thể bookmark, ghi lại đường link hai mục trên để tiện theo dõi loạt bài này một cách có hệ thống. Các bài mới sẽ được thêm vào hai mục trên. Trân trọng thông báo.

 

Giải Nobel hóa học. Ảnh: Discovery

Thật vậy, nếu nghĩ rằng Giải Nobel Hoá học 2018 là bằng chứng chứng minh cho Thuyết tiến hoá Darwin hoặc Tân-Darwin thì đó là một NGỘ NHẬN lớn, nếu không phải là khoác lác, phóng đại!

Thành tựu và ý nghĩa chủ yếu của những công trình đoạt Giải Nobel Hoá học năm nay là ở chỗ con người đã chủ động tạo ra được những đột biến dẫn tới sự thay đổi hữu ích cho sự sống, từ đó chế tạo ra những thứ thuốc chữa được nhiều căn bệnh hiểm nghèo, thay vì cung cấp bằng chứng cho thuyết tiến hoá Darwin hoặc Tân Darwin. Để thấy rõ điều đó, chúng ta phải hiểu rõ khái niệm tiến hoá của học thuyết Darwin và Tân-Darwin. Nhưng trước hết, xin giới thiệu nguyên văn thông cáo báo chí về Giải Nobel Hoá học 2018.

THÔNG CÁO BÁO CHÍ: GIẢI NOBEL HOÁ HỌC 2018 [1]

3 Tháng Mười 2018

Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thuỵ Điển đã quyết định tặng thưởng Giải Nobel Hoá học năm 2018

Một nửa dành cho

Frances H. Arnold

Viện Công nghệ California, Pasadena, Hợp chủng quốc Hoa Kỳ

vì sự tiến hoá được hướng dẫn của enzymes

Và một nửa chung cho

George P. Smith

Đại học Missouri, Columbia, Hợp chủng quốc Hoa Kỳ

Sir Gregory P. Winter

Viện nghiên cứu Sinh học phân tử MRC, Cambridge, Vương quốc Anh

vì sự hiển thị phage của peptide và kháng thể

Những nhà khoa học trên đã khai thác sức mạnh của sự tiến hóa

Sức mạnh của sự tiến hóa được tiết lộ thông qua sự đa dạng của sự sống. Những người đoạt giải Nobel hóa học năm 2018 đã giành được sự kiểm soát sự tiến hóa và sử dụng nó cho các mục đích mang lại lợi ích lớn nhất cho nhân loại. Enzym được tạo ra thông qua sự tiến hóa có hướng dẫn đã được sử dụng để sản xuất mọi thứ từ nhiên liệu sinh học cho đến dược phẩm. Kháng thể phát triển bằng cách sử dụng một phương pháp gọi là phage hiển thị có thể chống lại các bệnh tự miễn dịch và trong một số trường hợp chữa được ung thư di căn.

Kể từ khi hạt giống đầu tiên của sự sống phát sinh khoảng 3,7 tỷ năm trước, hầu hết mọi kẽ hở trên Trái đất đều chứa đầy các sinh vật khác nhau. Sự sống đã lan đến suối nước nóng, đại dương sâu và sa mạc khô, tất cả bởi vì sự tiến hóa đã giải quyết được một số vấn đề hóa học. Các công cụ hóa học của sự sống – protein – đã được tối ưu hóa, thay đổi và đổi mới, tạo ra sự đa dạng đáng kinh ngạc.

Người đoạt giải Nobel Hóa học năm nay được lấy cảm hứng từ sức mạnh của sự tiến hóa và sử dụng cùng nguyên tắc – thay đổi và chọn lọc di truyền – để phát triển các protein giải quyết các vấn đề hóa học của nhân loại.

3 nhà hóa học đoạt giải Nobel. Từ trái sang phải: Frances Arnold, George Smith, Sir Gregory Winter. Ảnh: The Independent

Một nửa Giải Nobel Hóa học năm nay được trao cho Frances H. Arnold. Năm 1993, bà đã điều khiển sự tiến hóa có hướng dẫn đầu tiên của enzyme, là những protein xúc tác phản ứng hóa học. Kể từ đó, bà đã tìm ra các phương pháp tinh tế được sử dụng thường xuyên để phát triển các chất xúc tác mới. Việc sử dụng các enzym của Frances Arnold bao gồm việc sản xuất các chất hóa học thân thiện với môi trường hơn, chẳng hạn như dược phẩm và việc sản xuất nhiên liệu tái tạo cho khu vực vận chuyển xanh hơn.

Nửa còn lại của giải Nobel Hóa học năm nay được chia cho George P. Smith và Sir Gregory P. Winter. Năm 1985, George Smith phát triển một phương pháp tao nhã được gọi là hiển thị phage, nơi một vi khuẩn – một loại virus lây nhiễm vi khuẩn – có thể được sử dụng để phát triển các protein mới. Gregory Winter sử dụng phage hiển thị cho sự tiến hóa có hướng dẫn của kháng thể, với mục đích sản xuất dược phẩm mới. Việc đầu tiên dựa trên phương pháp này, adalimumab, đã được phê duyệt vào năm 2002 và được sử dụng cho bệnh viêm khớp dạng thấp, bệnh vẩy nến và bệnh viêm ruột. Kể từ đó, phage hiển thị đã sản xuất các kháng thể có thể trung hòa độc tố, chống lại các bệnh tự miễn dịch và chữa bệnh ung thư di căn.

Chúng ta đang ở trong những ngày đầu của cuộc cách mạng về tiến hóa có hướng dẫn, theo nhiều cách khác nhau, đang mang lại và sẽ mang lại lợi ích lớn nhất cho loài người.

Bình luận của tác giả

Cái được gọi là “tiến hoá” trong Thông cáo Báo chí nói trên thực ra là gì?

Theo học thuyết Tân Darwin, đột biến gene có thể dẫn tới những biến đổi có lợi, và sự chọn lọc tự nhiên sẽ chọn lọc những biến đổi có lợi này và sự tích luỹ vô số những biến đổi như thế sẽ dẫn tới biến đổi loài, tức là tiến hoá. Có thực tế nào chứng minh học thuyết đó là đúng không? KHÔNG! Tất cả chỉ là giả thuyết. Trong thực tế, hầu như không thấy đột biến có lợi, mà chỉ thấy đột biến có hại, và sự tích luỹ các đột biến gene trong nhiều thế hệ dẫn tới hiện tượng được gọi là “thoái hoá di truyền”. Điều này đã được chứng minh trong cuốn sách “Genetic Entropy” của TS John Sanford, GS Đại học…. và trong bài báo “The fundamental theorem of natural selection with mutations” (Định lý Cơ bản về Chọn lọc Tự nhiên với đột biến) bởi hai tác giả là William F. Basener và John C. Sanford. Hiện tượng thoái hoá di truyền rốt cuộc không dẫn tới tiến hoá, mà chỉ dẫn tới bệnh hoạn, quái thai, cái chết và thậm chí tuyệt chủng [2] .

Nhưng bất chấp sự thật đó, các nhà tiến hoá mặc định học thuyết Tân Darwin như một chân lý hiển nhiên đúng. Học thuyết này được tôn lên thành một lý thuyết chủ lực của sinh học, dẫn tới việc LẠM DỤNG thuật ngữ “tiến hoá” (evolution). Chẳng hạn, sự biến đổi mau lẹ của virus kháng thuốc là một biểu hiện rõ rệt của “tiến hoá”, mặc dù trong cái gọi là “tiến hoá” đó, virus vẫn chỉ là virus.

Ảnh: Обекти

Khái niệm “tiến hoá” trong Thông cáo Báo chí về Giải Nobel 2018 cũng mang ý nghĩa tương tự. Ở đây chỉ có sự thay đổi do đột biến, và đột biến này hình thành do tác động chủ động bởi con người. Vì thế họ gọi đây là sự “tiến hoá có hướng dẫn” (directed evolution).

Điều nhập nhằng đánh lận con đen là ở chỗ các nhà tiến hoá ném tất cả mọi sự biến đổi của sinh vật vào trong một cái túi được gọi chung là “tiến hoá”, trong đó bao gồm cả những biến đổi có thật cùng với những biến đổi thuần tuý tưởng tượng. Cụ thể, biến đổi có thật là biến đổi trong loài, được gọi là “micro-evolution” (vi tiến hoá), và biến đổi KHÔNG CÓ THẬT là biến đổi từ loài này thành loài khác, được gọi là “macro-evolution” (vĩ tiến hoá). Với cách đặt tên nhập nhằng như trên, nhiều người cả tin sẽ tin rằng có sự tiến hoá, vì có biến đổi trong loài, do đó yên chí rằng tiến hoá là một sự thật. Từ đó tin rằng chuyện loài này biến thành loài khác cũng là một sự thật!

Biến đổi của virus kháng thuốc là có thật, và theo các nhà tiến hoá, đó là biểu hiện của “tiến hoá”! Tương tự, những biến đổi trong các công trình hoá học đoạt Giải Nobel 2018 cũng được coi là biểu hiện của sự “tiến hoá”! Thực chất, đó chỉ là sự BIẾN HOÁ mà thôi, không hề có dấu hiệu gì để chứng tỏ những biến đổi như thế sẽ dẫn tới biến đổi loài. Nói cách khác, công trình đoạt Giải Nobel Hoá học 2018 chẳng hề cung cấp điều gì để chứng minh học thuyết Darwin và Tân Darwin!

Không có bằng chứng cho thấy sự biến đổi từ loài này sang loài khác. Ảnh: ĐKN

Thật vậy, những người hiểu rõ chỗ yếu và chỗ kém nhất của Thuyết tiến hoá là vấn đề BIẾN ĐỐI LOÀI! Đó là tư tưởng chủ đạo để Darwin cho rằng bò sát tiến hoá thành động vật có vú hoặc chim, vượn tiến hoá thành người… Đây là chỗ SAI LẦM CƠ BẢN của Thuyết tiến hoá Darwin và Tân Darwin, nhưng các nhà tiến hoá cố tình tảng lờ chỗ yếu kém rõ rệt này, và luôn miệng tuyên bó rằng có tiến hoá, với bằng chứng chỉ là những biến đổi TRONG LOÀI!

Thêm nữa, trong các công trình nghiên cứu đoạt Giải Nobel Hoá học 2018 thì cái được gọi là “tiến hoá” là kết quả tác động có chủ ý của con người, vì thế mới được gọi là “tiến hoá có hướng dẫn” (directed evolution). Điều này hoàn toàn trái với Thuyết Tân Darwin, trong đó cho rằng đột biến dẫn tới tiến hoá là hiện tượng NGẪU NHIÊN, thông qua CHỌN LỌC TỰ NHIÊN… Vậy cái gọi là “tiến hoá có hướng dẫn” không phải là sự tiến hoá mà học thuyết Darwin hoặc Tân Darwin đã nói. Nói cách khác, bất chấp thuật ngữ nhập nhèm về “tiến hoá” được sử dụng một cách lạm dụng trong khoa học hiện nay, mà Thông cáo Báo chí của Tổ chức Nobel là một thí dụ điển hình, các công trình đoạt Giải Nobel Hoá học 2018 chẳng hề chứng minh một tí nào cho Thuyết tiến hoá. Tuy nhiên phải thừa nhận một sự thật là sự nhập nhằng đánh lận con đen của chữ “tiến hoá” mà giới tiến hoá lạm dụng đã thành công lớn trong việc đánh lừa những người cả tin hoặc những người không có điều kiện tìm hiểu, nghiên cứu.

Kết luận

Ba nhà khoa học đoạt Giải Nobel Hoá học 2018 đã có đóng góp lớn trong những nghiên cứu tác động đến hệ gene nhằm đem lại lợi ích cho sự sống. Họ xứng đáng được ghi công và biết ơn.

Tuy nhiên, việc coi những công trình đoạt Giải Nobel Hoá học 2018 là bằng chứng thể hiện sức mạnh của sự “tiến hoá” thì đơn giản đây chỉ là một sự LẠM DỤNG khái niệm “tiến hoá”. Điều này nói lên rằng các nhà khoa học của Tổ chức Giải Nobel chịu ảnh hưởng nặng nề của Thuyết tiến hoá!

Thực ra, các công trình đoạt Giải Nobel 2018 cho thấy:

Chú thích:

[1] https://www.nobelprize.org/prizes/chemistry/2018/press-release/ Nguyên văn tiếng Anh đọc ở cuối bài viết này.

[2] https://viethungpham.com/2018/09/06/genetic-entropy-su-thoai-hoa-di-truyen/

Tác giả: Phạm Việt Hưng

GS Phạm Việt Hưng. Ảnh: photobucket

Thông tin về tác giả: Giáo sư Phạm Việt Hưng từng giảng dạy các môn Toán Kinh tế; Cơ học Lý thuyết; Sức bền Vật liệu; Toán luyện thi đại học. Hiện ông đang thỉnh giảng Toán cao cấp tại một đại học ở Việt Nam. Ông đang có nhiều hoạt động báo chí với nhiều bài viết được đăng trên nhiều báo in và báo mạng, ví như Khoa học & Đời sống của Hội Liên hiệp Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam, Tạp chí Vật lý Ngày nay của Hội Vật lý Việt Nam, Tạp chí Tia Sáng của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Trang mạng Vietsciences.

Exit mobile version