Trong nhiều năm, chúng ta vẫn luôn cho rằng để phát triển kỹ năng nhận biết cao độ hoàn hảo (nghe nhạc đoán nốt) thì phải rèn luyện khả năng âm nhạc ngay từ khi còn nhỏ; và đối với người trưởng thành, việc tiếp thụ kỹ năng này là điều không khả thi. Tuy nhiên nghiên cứu mới đây đã chứng minh rằng, thông qua quá trình luyện tập ngắn ngủi, người trưởng thành cũng có thể rèn luyện được kỹ năng này, và hiệu quả có thể kéo dài trong nhiều tháng.
Kỹ năng nhận biết cao độ tuyệt đối, thường được gọi là “Kỹ năng nhận biết cao độ hoàn hảo”, là khả năng xác định chính xác nốt nhạc chỉ bằng cách lắng nghe thanh âm. Đây là một khả năng cực kỳ hiếm thấy, khi tỷ lệ là không nhiều hơn 1 trên 10.000 người. Đây là một khả năng mà các nhạc sĩ luôn luôn khao khát, đặc biệt vì một số nhà soạn nhạc nổi tiếng, bao gồm Mozart, được biết đến là đã từng sở hữu khả năng này.
Các nhà nghiên cứu đã tiến hành kiểm chứng xem dung lượng của bộ nhớ hoạt động thính giác nhìn chung có thể dự đoán xác suất nhận biết cao độ tuyệt đối thành công đến bao nhiêu.
Được công bố trên trang tạp chí Cognition, nghiên cứu này tiếp nối nghiên cứu trước đây, vốn đã chứng minh được rằng những người với khả năng nhận biết cao độ tuyệt đối có thể được “lên dây lại” trong khoảng 45 phút lắng nghe, cho thấy cao độ tuyệt đối cũng không nhất định tuyệt đối đến vậy.
Kỹ năng có thể rèn luyện
Theo những phát hiện này, người không sở hữu kỹ năng nhận biết cao độ tuyệt đối cũng có khả năng học nốt nhạc một cách nhanh chóng.
Theo một nghiên cứu năm 2013 của các nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học Harvard, một loại thuốc thường dùng để điều trị bệnh động kinh sẽ có khả năng mở ra lại giai đoạn học tập hiệu quả ở người, cho phép một người học hỏi các kỹ năng như nhận biết cao độ tuyệt đối. Ở một chừng mực nào đó, nghiên cứu hiện tại không sử dụng thuốc để hỗ trợ não bộ tiếp thu các kỹ năng nhận biết cao độ tuyệt đối.
“Đây là minh chứng đáng kể đầu tiên cho thấy khả năng xác định các nốt nhạc chỉ bằng cách lắng nghe có thể được huấn luyện”, Howard Nusbaum, giáo sư tâm lý học tại Đại học Chicago cho hay. “Đây là một kỹ năng có thể được học hỏi, và dường như kỹ năng này phụ thuộc vào khả năng ghi nhớ các thanh âm trong não bộ của người”.
Nghiên cứu này được tiến hành trong hai thí nghiệm. Mười bảy sinh viên đại học tham gia vào cuộc thí nghiệm đầu tiên. Không ai trong số đó sở hữu kỹ năng nhận biết cao độ tuyệt đối, và tất cả bọn họ đều có những trải nghiệm khác nhau với âm nhạc.
Các sinh viên tham gia lắng nghe thanh âm các nốt nhạc từ các nhạc cụ có thực thông qua tai nghe studio. Họ nghe một nốt ngắn, theo sau bởi tiếng ồn trắng (dạng tiếng ồn kết hợp nhiều loại âm thanh, như tiếng mưa rơi, tiếng sóng biển). Sau đó những người tham gia sẽ được yêu cầu đánh lại nốt nhạc nghe thấy lúc ban đầu. Một phần khác của thí nghiệm bao gồm việc kiểm tra người tham gia sau khi cho họ nghe một nốt đàn piano biệt lập, và sau đó yêu cầu họ xác định tên nốt nhạc đó (Lấy ví dụ, Đồ hoặc Fa thăng).
Sau khi luyện tập, người tham gia nghiên cứu cho thấy cải thiện đáng kể trong việc xác định nốt nhạc.
Đối với mảng huấn luyện của thí nghiệm, những người tham gia sẽ nghe và phân loại 180 nốt đàn piano—thành một trong ba quãng, mỗi quãng 60 nốt—sau đó nhận được phản hồi tức thì về kết quả đúng sai trong quyết định phân loại của họ. Sau đó, họ được nghe lại nốt nhạc đó một lần nữa. Những người tham gia cho thấy các cải thiện đáng kể trong việc xác định nốt nhạc sau khi luyện tập.
Kỹ năng nhận biết cao độ hoàn hảo thực sự
Khi các nhà nghiên cứu đã kiểm tra lại một số những người tham gia nghiên cứu một vài tháng sau phiên luyện tập, họ thấy rằng tuy khả năng học tập của những người tham gia có giảm nhẹ, những những người này vẫn giữ được hầu hết khả năng xác định nốt nhạc nhờ kỹ năng nhận biết cao độ tuyệt đối.
Trong thí nghiệm thứ hai, có 30 sinh viên đại học, công nhân viên và các cư dân trong khu vực tham dự. Thí nghiệm này tương tự với thí nghiệm đầu tiên trong việc cố gắng xác định nốt nhạc khi đeo tai nghe. Họ được huấn luyện lặp đi lặp lại với 12 nốt đàn piano, rồi nhận được phản hồi bằng âm thanh và hình ảnh về câu trả lời của họ. Sau đó họ được kiểm tra để xác định xem liệu sự luyện tập có tạo ra bất kỳ sự khác biệt nào đối với việc tiếp thu kỹ năng nhận biết cao độ hay không.
Tuy việc huấn luyện người trưởng thành học hỏi kỹ năng nhận biết cao độ tuyệt đối đã gặp phải nhiều sự hoài nghi, nhưng hiện đã có bằng chứng cho thấy việc này có thể được thực hiện.
“Chúng tôi đã chứng minh được ba phát hiện quan trọng trong nghiên cứu này,” GS Nusbaum nói. “Đầu tiên, trái ngược với những nghiên cứu trước đây, chúng tôi có thể thiết lập được kỹ năng nhận biết cao độ ở người trưởng thành mà không cần sự hỗ trợ của thuốc. Thứ hai, chúng tôi cho thấy khả năng này có thể được dự đoán thông qua bộ nhớ hoạt động thính giác. Thứ ba, chúng tôi cũng cho thấy hiệu quả luyện tập sẽ kéo dài trong nhiều tháng”.
Tuy các kết quả cho thấy người trưởng thành có thể học được kỹ năng nhận biết cao độ tuyệt đối ngay cả khi không được sớm tiếp xúc với các nốt nhạc và giai điệu âm nhạc, nhưng chúng tôi không thể biết việc liệu khả năng học tập kỹ năng nhận biết cao độ tuyệt đối ở người trưởng thành có giống với kỹ năng nhận biết cao độ hoàn hảo thực sự hay không.
Tác giả: Jann Ingmire, Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh.
Đăng tải với sự cho phép. Đọc bản gốc ở đây.
Thanh Hải biên dịch