Một nghiên cứu của Đại học Washington (Mỹ) cho thấy những người nghiện chụp ảnh tự sướng (selfie) thường bị người khác đánh giá là kém thành công hơn trong cuộc sống.
Nghiện chụp ảnh selfie tưởng như chỉ là một trào lưu thuộc về sở thích cá nhân. Nhưng nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy vấn đề không đơn giản như vậy.
Cô đơn, khép kín và dễ thất bại?
Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra, những người đăng nhiều ảnh tự sướng thường là người cô đơn, thậm chí trong một vài trường hợp còn có lòng tự trọng thấp hơn so với những người không nghiện selfie. Trong khi đó, những người đăng tải nhiều ảnh về người khác (hoặc những bức ảnh do người khác chụp) được đánh giá là thành công, hạnh phúc, đáng tin cậy và nhiều khả năng là người bạn đồng hành tốt.
Trong nghiên cứu của mình, nhóm nghiên cứu do Giáo sư tâm lý học Chris Barry, là trưởng nhóm đã cố gắng tìm ra mối tương quan giữa những người có nhiều ảnh tự sướng và một số đặc điểm tâm lý nhất định như tính tự ái, sĩ diện. Để đưa ra kết luận, nhóm của ông đã tiến hành một thử nghiệm với sự tham gia của hàng trăm sinh viên. Họ đến từ 2 trường đại học khác nhau, và được chia làm 2 nhóm riêng biệt. Nhóm đầu tiên có 30 sinh viên, họ được yêu cầu điền vào một bảng câu hỏi khảo sát tính cách, đồng thời cho phép các nhà nghiên cứu xem 30 bài post gần đây của họ trên Instagram có đăng ảnh tự sướng.
Mỗi bài viết sẽ được phân tích xem đó là ảnh selfie hay được người khác chụp, cũng như xem xét chủ đề của tấm ảnh, chẳng hạn như chụp vào hoàn cảnh nào, trong sự kiện gì… Lúc đầu, các nhà nghiên cứu không phát hiện điều gì bất thường trong các bức ảnh tự sướng, cho thấy có rất nhiều lý do khiến người ta chụp selfie. Nhưng sau đó, họ đã gửi những hồ sơ này đến nhóm thứ 2, bao gồm 119 sinh viên khác. Họ được yêu cầu đánh giá những người này thông qua các tấm ảnh bằng 13 tiêu chí, trong đó bao gồm “chỉ quan tâm đến bản thân”, “thiếu tự trọng” và “thành công”
Kết quả, phần lớn nhận định tích cực dành cho người đăng ảnh do người khác chụp, chẳng hạn như thành công, thân thiện và hoà đồng. Trong khi đó, nhóm có nhiều ảnh selfie nhận được các đánh giá khá tiêu cực, như khép kín, tự ti, không cởi mở và thiếu thành công trong cuộc sống.
Giáo sư Barry cho rằng, khi bạn nghiện chụp ảnh tự sướng, bạn chỉ quan tâm tới chính mình mà quên mất xung quanh còn rất nhiều thứ thú vị khác để trải nghiệm. Nói cách khác, bạn đang khép mình lại với thế giới và chỉ đơn giản thể hiện gương mặt mình cho mọi người.
Giáo sư Barry nhận định nghiên cứu này không khuyến khích người ta từ bỏ thói quen tự sướng. Đôi khi chúng ta chỉ muốn người khác “like” ảnh của mình, điều khá hữu ích về mặt tâm lý. Tuy nhiên, không nên quá nghiện selfie mà bỏ qua nhiều thứ thú vị đang diễn ra xung quanh bạn. Bởi vậy, hãy cởi mở hơn với cuộc sống để có nhiều bức ảnh đa dạng, vì suy cho cùng, không ai thích vào facebook của một người toàn những bức ảnh tự sướng với cùng một khuôn mặt.
Hãy cảnh giác khi nghiện chụp ảnh selfie
Các nhà khoa học ở Bangkok, Thái Lan đã cảnh báo những người liên tục chụp ảnh selfie có nhiều khả năng là những người cô đơn. Đó cũng có thể là một dấu hiệu cho thấy các mối quan hệ của họ đang gặp rắc rối hoặc họ đang gặp phải các vấn đề về sức khỏe tâm thần.
Để đưa ra cảnh báo này, các nhà nghiên cứu ở Thái Lan đã đánh giá thói quen tính cách của 300 sinh viên và dựa vào mức độ chụp ảnh selfie của họ. Những người tham gia, chủ yếu là các cô gái trong độ tuổi từ 21 đến 24, đã được phỏng vấn để xem liệu họ có quá yêu bản thân, thích được chú ý, thích biến mình thành trung tâm hoặc sống cô độc hay không.
Kết quả cho thấy phần lớn các cô gái đã bỏ ra hơn 50% thời gian rảnh rỗi của họ vào việc dùng điện thoại di động hoặc truy cập internet.
Các chuyên gia tin rằng cả đàn ông và phụ nữ có tính cách cô độc sẽ có xu hướng chụp ảnh tự sướng nhiều hơn so với những người khác.
Trưởng nhóm nghiên cứu, Tiến sĩ Peerayuth Charoensukmongkol, thuộc Viện phát triển Quốc gia Thái Lan, cho biết:
“Những người bị ám ảnh với việc chụp ảnh tự sướng có xu hướng không chỉ cảm thấy rằng cuộc sống cá nhân của họ và tâm lý đang bị phá hoại, mà họ có thể cảm thấy mối quan hệ với những người khác cũng đang bị suy giảm”.
Một số chuyên gia cho rằng, hành vi chụp ảnh tự sướng còn có thể liên quan đến vấn đề sức khỏe tâm thần. Tuy nhiên, các nhà tâm lý học quan niệm đây không phải là một chứng nghiện mà là một triệu chứng của sự mặc cảm, lo lắng về ngoại hình. Đây cũng có thể là lý do tại sao những người thích selfie thường là người quá chú ý vào bản thân và ít quan tâm đến người khác.