Đại Kỷ Nguyên

Nghiên cứu tiết lộ: Không khí độc hại sẽ rút ngắn cuộc sống trẻ em xuống 20 tháng

Nghiên cứu tiết lộ: Không khí độc hại sẽ rút ngắn cuộc sống trẻ em xuống 20 tháng

Cuộc khủng hoảng ô nhiễm không khí toàn cầu đang gây thiệt hại lớn nhất cho trẻ em ở khu vực Nam Á.

Không khí độc hại gây nên sự ức chế sinh trưởng phổi ở trẻ nhỏ. (Ảnh: VCG – Getty Images)

Theo một nghiên cứu lớn mới đây, tuổi thọ của trẻ em sinh ra ngày nay sẽ bị rút ngắn trung bình 20 tháng khi phải hít thở nguồn không khí độc hại đang lan rộng trên toàn cầu , mà trọng điểm là tại khu vực Nam Á.

Theo một nghiên cứu năm 2019 của trang web State of Global Air (SOGA), ô nhiễm không khí là nguyên nhân dẫn đến cái chết của gần 1 trong 10 trường hợp tử vong trong năm 2017, khiến nó trở thành một kẻ giết người lớn hơn cả sốt rét và tai nạn đường bộ, và có thể so sánh với việc hút thuốc.

Ở Nam Á, trẻ em đang bị đe dọa suy giảm tuổi thọ khoảng 30 tháng, và ở châu Phi cận Sahara là 24 tháng. Nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này là bởi sự kết hợp của ô nhiễm không khí ngoài trời do giao thông và công nghiệp, đồng thời cũng do không khí bẩn trong nhà, phần lớn từ việc nấu nướng. Ở Đông Á, ô nhiễm không khí sẽ rút ngắn thời gian sống của trẻ em khoảng 23 tháng. Tuy vậy, sự suy giảm tuổi thọ cũng được dự báo là dưới 5 tháng đối với trẻ em ở các nước phát triển.

(Ảnh: The Bangladesh Chronicle)

Ông Robert O’Keefe, phó chủ tịch của Viện Hiệu ứng Sức khỏe ( Health Effects Institute ) cho biết:

“Thật sốc khi phải nói rằng sự sống của trẻ em đang bị rút ngắn rất nhiều. Không có phương thuốc thần dược nào để giải quyết vấn nạn này trong một sớm một chiều, mà các chính phủ cần phải hành động ngay lập tức.”

Alastair Harper – người đứng đầu các chiến dịch vận động tại Quỹ Nhi đồng Liên hợp Quốc Unicef tại ​​Anh – là người đã nhiều lần đưa ra cảnh báo về mối đe dọa của ô nhiễm không khí đối với sức khỏe trẻ em. Ông cho biết:

“Đây là một bức tranh ảm đạm về không khí ô nhiễm ảnh đang ảnh hưởng đến sức khỏe của những nhóm dễ bị tổn thương nhất trong cộng đồng như thế nào, đặc biệt là trẻ em. Bằng chứng tiếp tục cho thấy mối quan hệ giữa việc tiếp xúc với không khí độc hại và tình trạng trẻ đẻ nhẹ cân, sự suy giảm phát triển phổi và hen suyễn ở trẻ em”.

Rõ ràng là với sự giám sát tốt hơn các dữ liệu ô nhiễm toàn cầu, chúng ta sẽ gia tăng sự hiểu biết về vấn đề này và cách chúng ta có thể giải quyết nó. Trên thực tế, những ảnh hưởng xấu tới sức khỏe trẻ em đang diễn ra, ngay lúc này”.

(Ảnh: yimg.com)

Mặc dù trẻ nhỏ phải đối mặt với các mối đe dọa đặc biệt, chẳng hạn như sự ức chế sinh trưởng phổi sẽ kéo dài trong suốt cuộc đời của chúng, nhưng người lớn tuổi cũng đứng trước nguy cơ tương tự: gần 9 trong số 10 trường hợp tử vong do ô nhiễm không khí là ở độ tuổi trên 50. Trong những năm tới đây, tỷ lệ tử vong của nhóm dân số cao tuổi tại nhiều khu vực trên thế giới sẽ gia tăng đáng kể.

Theo báo cáo từ nghiên cứu hàng năm về ảnh hưởng của ô nhiễm không khí toàn cầu tới sức khỏe con người, ô nhiễm không khí chiếm 41% tỷ lệ tử vong toàn cầu từ bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, 20% từ bệnh tiểu đường loại 2, 19% do ung thư phổi, 16% do bệnh tim thiếu máu cục bộ và 11% từ tử vong do đột quỵ.

Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy các chính phủ đang có các động thái và hành động cụ thể, bao gồm việc làm giảm các dạng ô nhiễm hạt tại những nước phát triển (Ô nhiễm hạt là ô nhiễm môi trường bao gồm các hạt lơ lửng trong một số môi trường).

(Ảnh: arabnews.com)

Theo báo cáo, Nam Á có mức phơi nhiễm cao nhất với PM 2,5 (*) , kích thước hạt có thể gây khó thở và các vấn đề về tim mạch, với tỷ lệ ở Nepal và Ấn Độ gần gấp đôi tỷ lệ phơi nhiễm với các hạt ở Trung Quốc. Trong đó các quốc gia có mức thấp nhất là Mỹ, Na Uy, Canada, Thụy Điển và New Zealand.

Nhìn chung, sự khác biệt giữa các nước phát triển và ít phát triển đối với dạng ô nhiễm này có thể được quan sát thấy trên khắp thế giới. Các nước đang phát triển phải chịu mức phơi nhiễm PM 2.5 cao gấp bốn đến năm lần so với các nước phát triển.

Ô nhiễm không khí hộ gia đình là một vấn đề quan trọng khác, với 3,6 tỷ người ước tính bị phơi nhiễm trên toàn cầu, tạo nên tác hại gấp đôi lên sức khỏe của những người cũng phải tiếp xúc cả với mức độ ô nhiễm không khí cao ở ngoài trời. Ở các nước đang phát triển, việc phụ thuộc vào nhiên liệu rắn, ví như sinh khối để nấu ăn và sưởi ấm, là nguồn gây ô nhiễm chính trong các hộ gia đình.

(Ảnh: india.com)

Báo cáo cũng cho thấy ozone tầng trệt tiếp tục là một vấn đề lớn ở các nước giàu. Dạng ô nhiễm này được sinh ra trong khí quyển bởi các oxit nitơ và các chất ô nhiễm tương tự, phát thải từ giao thông và một số quy trình công nghiệp. Hít thở khí độc hại làm tăng khả năng tử vong từ bệnh hô hấp và có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề hô hấp khác.

Năm ngoái, nghiên cứu của SOGA cho thấy không khí bẩn là vô cùng phổ biến trong dân số toàn cầu, với hơn 90% người dân trên toàn thế giới hít thở không khí nguy hiểm, kết quả của việc mở rộng công nghiệp, gia tăng lưu lượng tham gia giao thông và tiếp xúc với ô nhiễm trong nhà do nấu nướng sử dụng nhiên liệu rắn.

Ô nhiễm không khí đang là mối lo ngại ngày càng tăng trên toàn thế giới, với các nghiên cứu liên hệ nó với một loạt các tác động có hại đối với sức khỏe, từ chứng mất trí nhớ đến sẩy thai. Tình trạng này còn được mô tả là một trường hợp khẩn cấp toàn cầu.

O’Keefe cho biết các biện pháp đối phó bao gồm đầu tư vào xe điện và năng lượng tái tạo. Nhưng ông cảnh báo rằng đầu tư vào một số cơ sở hạ tầng, chẳng hạn như năng lượng đốt than, có thể “níu giữ” ô nhiễm không khí trong nhiều năm tới.

Chú thích của người dịch:

(*) PM2.5 là ký hiệu của một loại bụi siêu vi:

– Chữ PM là viết tắt của Particulate Matter, có nghĩa là chất dạng hạt.

Số 2.5 là kích thước các hạt có đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 2,5 micromet (micromet viết tắt là µm, bằng 1 phần triệu mét).

Nhật Quang biên dịch (theo The Guardian )

Exit mobile version