NASA vừa tuyên bố phát hiện một hệ Mặt Trời mới và 3 ngoại hành tinh có thể hỗ trợ sự sống ngoài Trái Đất. Nhưng rốt cục ngoại hành tinh là gì?
Các nhà khoa học vừa phát hiện 7 hành tinh giống Trái Đất quay xung quanh một ngôi sao được gọi là TRAPPIST-1. Cả 7 hành tinh đều quay quanh ngôi sao chủ trên quỹ đạo khá gần. Nếu quay xung quanh Mặt Trời, chúng đều sẽ ở gần Mặt Trời hơn Sao Thủy, vốn là hành tinh gần Mặt Trời nhất trong Hệ Mặt Trời chúng ta.
NASA đặc biệt quan tâm đến 3 ngoại hành tinh nằm trong vùng có thể duy trì sự sống. Cũng được gọi là vùng Goldilock, đây là nơi có môi trường và nhiệt độ vừa phải, tức có khoảng cách vừa đủ để nước duy trì ở thể lỏng, do không quá nóng hoặc quá lạnh.
Xem thêm:
Ngoại hành tinh là gì?
Một hành tinh ngoài Hệ Mặt Trời (extrasolar planet), hay ngoại hành tinh (exoplanet), là tên gọi chung cho bất kỳ hành tinh nào quay quanh một ngôi sao nhưng không phải Mặt Trời. Ngoại hành tinh có đủ loại kích thước và quỹ đạo. Rất nhiều trong số đó là hành tinh khí khổng lồ giống sao Mộc và quay trên quỹ đạo gần sao chủ, trong khi số khác là các thế giới băng giá, cô lập cách xa hơn.
Ảnh minh họa Proxima B, một ngoại hành tinh được mệnh danh “Trái Đất thứ hai” nằm cách chúng ta chỉ 4 năm ánh sáng. (Ảnh: Internet)
Ngoại hành tinh đầu tiên được kính viễn vọng không gian Kepler của NASA phát hiện là vào năm 1995. Kể từ đó hơn 3.300 hành tinh đã được bổ sung vào danh sách, với hàng nghìn ứng cử viên đang chờ xác nhận.
Cho đến nay, các nhà khoa học mới chỉ khám phá được một phần nhỏ của Hệ Ngân Hà trong hành trình tìm kiếm các ngoại hành tinh. Ước tính có trung bình ít nhất một hành tinh quay quanh mỗi ngôi sao trong Hệ Ngân Hà, nhiều trong số đó có kích thước tương đương Trái Đất.
Ảnh minh họa Hệ Mặt Trời mới được phát hiện với ngôi sao chủ mang tên TRAPPIST-1. Bấm vào ảnh để phóng to. (Ảnh: Internet)
Liệu có thể tồn tại sự sống trên các ngoại hành tinh?
NASA và các cơ quan không gian khác tin rằng ngoại hành tinh cung cấp nhiều hy vọng nhất trong hành trình tìm kiếm sự sống ngoài Trái Đất.
Cụ thể, họ đang tìm kiếm các hành tinh giống Trái Đất trong “vùng có thể duy trì sự sống” – khoảng cách đến một ngôi sao cho phép một hành tinh xuất hiện nước ở dạng lỏng. Các nhà khoa học cũng xét đến các yếu tố khác như hiệu ứng nhà kính của bầu khí quyển hành tinh.
NASA cho biết mục đích cuối cùng của chương trình ngoại hành tinh là tìm kiếm “các dấu hiệu không thể nhầm lẫn của sự sống hiện tại. Điều đó xảy ra sớm đến đâu phụ thuộc vào hai yếu tố chưa biết: sự trù phú của sự sống trong Hệ Ngân Hà và mức độ may mắn khi chúng ta tiến hành những bước thăm dò ngập ngừng đầu tiên”.
Ước tính cuộc săn tìm dấu hiệu sự sống có thể mất hàng thập kỷ, đơn thuần do số lượng hành tinh rất lớn và các hạn chế của kính viễn vọng không gian hiện nay. NASA hiện đang phát triển thiết bị săn tìm hành tinh thế hệ tiếp theo, thiết bị này sẽ được phóng lên không gian vào những năm 2030 hoặc 2040.
Các nhà khoa học ước tính có trung bình ít nhất một hành tinh quay quanh mỗi ngôi sao trong Hệ Ngân Hà. (Ảnh: Internet)
Làm sao chúng ta biết được nếu có sự sống trên các ngoại hành tinh?
Để xác định dấu hiệu của sự sống trên một ngoại hành tinh, các nhà khoa học phân tích ánh sáng phản chiếu qua bầu khí quyển. Khi ánh sáng chiếu xuyên qua bầu khí quyển, nó sẽ được phân tách thành một dải quang phổ giống cầu vồng đầy màu sắc.
Một số chất hóa học và khí ga nhất định có thể hấp thụ các phần của dải quang phổ này, để lại đằng sau một khoảng trống đen, hẹp. Những khoảng trống này cho biết chất hóa học nào hiện diện trong bầu khí quyển hành tinh, đồng thời cho thấy dấu hiệu của khí ôxy, mêtan hay chất gây ô nhiễm được tạo ra bởi người ngoài hành tinh (nếu có).
Biểu đồ phân tích ánh sáng phản chiếu từ bầu khí quyển ngoại hành tinh giúp các nhà khoa học xác định chất hóa học nào hiện diện trong bầu khí quyển hành tinh đó. Bấm vào ảnh để phóng to. (Ảnh: Internet)
Có khả năng sự sống ngoài hành tinh là hoàn toàn khác biệt với trên Trái Đất, từ đó tạo ra một loạt các loại khí ga khác nhau. Đứng trước viễn cảnh này, giáo sư vật lý Sara Seager từ Viện công nghệ MIT đã đưa ra một danh sách các hợp chất hóa học tiềm năng là dấu hiệu tồn tại của sự sống nhưng khác với cách thức chúng ta vẫn biết.
Quý Khải (theo Express)
Xem thêm: