Những công trình cổ đại sử dụng bê tông “kiểu hiện đại” tại Châu Mỹ cho thấy cổ nhân đã biết đến những kỹ thuật xây dựng cao cấp từ rất sớm.
Nền lịch sử chính thống đã dạy chúng ta rằng những người Tiwanakan cổ đại – những người sống quanh thị trấn Tiahuanaco trên Hồ Titicaca ở Bolivia (Nam Mỹ) chưa từng đạt tới một mức độ phát triển khoa học tiên tiến nào. Tuy nhiên tại di chỉ khảo cổ Pumapunku, các nhà khoa học đã tìm được những bằng chứng mới chứng minh những gì chúng ta đã biết có thể không hoàn toàn chính xác. Pumapunku là một phần của quần thể đền thờ khổng lồ có niên đại khoảng năm 536 sau công nguyên (SCN). Một nghiên cứu khoa học gần đây về những bậc thang bằng đá sa thạch và các khối andesite – một loại đá núi lửa cực kỳ cứng – tại địa điểm này đã chỉ ra rằng người Tiwanakan có thể đã sử dụng công nghệ bê tông geopolymer (*) để sản xuất đá cho ngôi đền của họ.
Những tòa nhà sử dụng bê tông Geopolymer
Các nhà nghiên cứu đã quan sát các mẫu vật từ sa thạch đỏ và andesite dưới kính hiển vi điện tử. Họ phát hiện ra rằng những viên đá được sử dụng trong các di tích khác với tài nguyên địa chất trong khu vực. Ví dụ, đá andesite là một loại đá núi lửa được tạo ra từ magma. Trong quá trình nghiên cứu, các nhà nghiên cứu đã ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng những viên đá này có chứa chất hữu cơ gốc carbon trong chúng.
Theo một tuyên bố trên trang web của Tổ chức Geopolymer (Geopolymer Institute) , ông Luis Huaman, nhà địa chất tại trường đại học Catolica San Pablo, Arequipa, Peru, cho biết:
“Chất hữu cơ gốc Carbon không tồn tại trong một viên đá núi lửa hình thành ở nhiệt độ cao vì chúng bị bốc hơi. Không thể tìm thấy nó trong đá andesit . Và bởi vì chúng tôi đã tìm thấy chất hữu cơ bên trong đá núi lửa andesit, các nhà khoa học sẽ có cơ hội tiến hành phân tích niên đại Carbon-14 nhằm đưa ra thông số tuổi chính xác cho các di tích này”.
Các nhà nghiên cứu suy đoán rằng vật liệu hữu cơ này được chiết xuất từ các loài thực vật địa phương, rồi sau đó được các thợ xây Tiwanakan cổ đại bổ sung vào cát andesit để tạo thành một loại xi măng. Kết quả phân tích sa thạch đỏ cũng đã chứng minh rằng đây là sản phẩm nhân tạo, bên trong có lẽ sử dụng geopolymer ferro-sialate. Xi măng cho đá andesit và sa thạch được cho là đã được đặt trong khuôn và làm cứng lại một vài tháng trước khi được sử dụng để xây dựng các công trình.
Điều này về cơ bản chứng minh rằng người Tiwanakan đã thành thạo công nghệ geopolymer bởi chỉ khi có một lượng kiến thức thâm sâu về công nghệ này mới có thể cho phép họ tạo ra những khối đá như vậy. Thêm vào đó, phát hiện này cũng giải thích một trong những truyền thuyết địa phương về các di tích liên quan đến chiết xuất thực vật được sử dụng để làm mềm đá .
Trước đây, các nhà khảo cổ đã bác bỏ những tuyên bố “quá trớn” này. Nhưng bây giờ chúng ta biết rằng những truyền thuyết địa phương này là sự thật.
Các tuyệt tác khảo cổ ở Nam Mỹ
Pumapunku không phải là khu vực duy nhất cho thấy trình độ kiến trúc cao cấp của người Nam Mỹ cổ đại. Có rất nhiều tượng đài ngoạn mục trải khắp lục địa, chỉ ra thực tế rằng có những nền văn minh với trình độ và kỹ năng cao đã từng tồn tại trong khu vực trong nhiều thế kỷ. Nổi tiếng nhất trong số đó là Machu Picchu ở Peru.
Machu Picchu là một tòa thành từ thế kỷ 15 được xây bởi nền văn minh Inca. Di chỉ này nằm ở độ cao khoảng 2.500 mét so với mực nước biển ở miền Đông Cordillera, thuộc miền nam Peru. Nó được coi như một trong bảy kỳ quan của thế giới hiện đại. Nơi này được cho là từng được sử dụng như một tài sản hoàng gia, bên trong có nhiều đền đài và cung điện. Rất có thể nó đã đã bị bỏ hoang vào thời kỳ Tây Ban Nha chinh phục Đế quốc Aztec.
Chichen Itza là một thành phố lớn của người Maya, tồn tại trong giai đoạn năm 600 – 1500 SCN tại nơi hiện là bang Yucatan ở Mexico. Đây là địa điểm khảo cổ được viếng thăm nhiều nhất trong cả nước, với khoảng 2,6 triệu khách du lịch được ghi nhận vào năm 2017. Và có một lý do chính đáng cho việc này – nơi đây có rất nhiều di tích cổ đại như kim tự tháp Kukulcan hùng vĩ, Đền thờ các Chiến binh và Đài quan sát thiên văn El Caracol.
Chú thích của người dịch:
(*) Bê tông Geopolymer là sản phẩm của quá trình phản ứng giữa vật liệu có nguồn gốc silic và nhôm với dung dịch kiềm. Nó có nguyên liệu và quá trình sản xuất tận dụng nguồn vật liệu phế thải Công nghiệp và rất ít có ảnh hưởng xấu đến môi trường. Hiện nay Geopolymer đã và đang được nghiên cứu rộng rãi và cho thấy khả năng là vật liệu xanh hơn thay thế bê tông xi măng trong một số ứng dụng do bê tông geopolymer vừa có các tính chất kỹ thuật tốt, đồng thời giảm khả năng gây hiệu ứng nhà kính khi thay thế xi măng pooclăng.
Tiểu Thiện biên dịch (theo visiontimes )