Mangareva là nơi sinh sống của chỉ khoảng 2.000 cư dân. Hòn đảo này trải rộng một vùng diện tích khiêm tốn khoảng 18 km2 ở giữa Đảo Phục sinh và Đảo Tahiti. Tuy nhiên trên hòn đảo nhỏ bé xa xôi này, những cư dân thời cổ đại đã có trình độ toán học phát triển hơn hầu hết khu vực Châu Âu khi họ phát minh ra một hệ đếm nhị phân để phục vụ cho giao thương hàng hóa.
Theo một nghiên cứu được tiến hành vào năm 2012 và đã được công bố trên tạp chí Tập san của Viện Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ (Proceedings of the National Academy of Sciences), những cư dân bản địa trên quần đảo Polynesia đã phát minh ra một hệ đếm nhị phân, tương tự như hệ đếm được các máy tính ngày nay sử dụng để tính toán, từ hàng thế kỷ trước khi các nhà toán học phương Tây làm được điều tương tự.
PGS Andrea Bender, một nhà khoa học nhận thức từ trường Đại học Bergen ở Na Uy, và đồng nghiệp của bà, GS Sieghard Beller, đã tiến hành nghiên cứu với những người Mangareva khi họ nhận thấy những người bản địa này có cách gọi riêng biệt cho các con số từ 1 đến 10, nhưng đối với các con số từ 20 đến 80 họ lại sử dụng một hệ đếm nhị phân, với các thuật ngữ độc lập, cấu tạo chỉ từ một từ cho số 20, 40 và 80. Đối với các con số thật sự lớn, họ đã sử dụng các lũy thừa của 10 cho đến ít nhất 10 triệu.
Hòn đảo xa xôi hẻo lánh Mangareva. (Ảnh: Wikipedia)
“Đó có lẽ là các con số được sử dụng thường xuyên nhất trong hệ thống giao thương và tái phân phối hàng hóa của họ”, PGS Bender nói. “Đối với phạm vi cụ thể này, việc thực hiện các phép tính nhị phân sẽ khiến việc tính nhẩm trở nên dễ dàng hơn rất nhiều—họ không có một hệ thống chữ viết hay ký hiệu, vì vậy họ đã phải tính nhẩm mọi thứ trong đầu”.
Một trong những nhà toán học nổi tiếng nhất vào thế kỷ 17, Gottfried Wilhelm Leibniz, được biết đến là người đã phát minh ra một hệ đếm nhị phân. Ngày nay, các con số nhị phân – trong đó mỗi vị trí được viết dưới dạng một con số 0 hay 1 – đã thiết lập nên nền tảng cho tất cả hệ thống tính toán hiện đại. Nhưng theo nghiên cứu, những người dân đảo Mangareva đã sử dụng một hệ đếm kết hợp giữa thập phân và nhị phân vốn đã lụi tàn vào giữa thế kỷ 15.
Người dân đảo Mangarevan đã trao đổi buôn bán dọc theo một khoảng cách dài những món hàng hóa như rùa, bạch tuộc, trái dừa và sa kê với người dân trên Quần đảo Marquesa, Hawaii và các hòn đảo xung quanh đảo Tahiti. Người ta tin rằng hệ nhị phân đã giúp những người cổ đại kiểm soát các hoạt động giao thương của họ. Điều đáng ngạc nhiên hơn nữa là họ đã có thể sử dụng một hệ đếm phức tạp mà không cần đến các ký tự.
Hệ đếm này có thể là ví dụ duy nhất được biết đến của một hệ đếm nhị phân mở rộng vào thời tiền Leibniz.
Tác giả: April Holloway, Ancient Origins.
Đăng tải với sự cho phép. Đọc bản gốc ở đây.
Quý Khải biên dịch
Xem thêm: