Được ra mắt hôm 2/10/2015 tại Việt Nam, bộ phim bom tấn “Người về từ sao Hỏa (The Martian)” đã kể về câu chuyện của một phi hành gia (do Matt Damon thủ vai) bị mắc kẹt trên sao Hỏa. Trong suốt bộ phim, khán giả không thấy bất kỳ một dấu hiệu nào cho thấy mốc thời gian diễn ra sự kiện’, nhưng theo Andy Weir – tác giả của cuốn tiểu thuyết được chuyển thể thành bộ phim, thời điểm phóng con tàu có người lái lên sao Hỏa là vào ngày 7/7/2035.
Theo ước tính sơ bộ từ các quan chức cấp cao của NASA thì 2039 sẽ là mốc thời gian dự kiến cho cuộc đổ bộ lần đầu tiên lên sao Hỏa. Còn Elon Musk, người sáng lập Tập đoàn Công nghệ Khai phá Không gian Space X, lại tuyên bố, công ty của ông có thể đưa ra mức giá 500 ngàn USD cho mỗi tấm vé lên sao Hỏa ngay từ năm 2025.
Nhưng con đường đưa một con tàu vũ trụ đổ bộ lên sao Hỏa lại không hề bằng phẳng, vì chỉ cần nhìn thoáng qua những chi tiết cụ thể của một chiến dịch như vậy thôi cũng đã đủ khiến người ta phải chùn bước.
Trở ngại thứ nhất và là trở ngại muôn thở mà chúng ta không thể không nhắc đến là vốn tài trợ. Được biết, Quốc hội Mỹ đang liên tục cắt giảm ngân sách phân bổ cho NASA trong và sau thời Đại suy thoái kinh tế, và cơ quan không gian này sẽ chỉ nhận được vỏn vẹn 18,5 tỷ USD vốn ngân sách trong năm 2016 ― nhiều hơn 100 triệu USD so với khoản tài trợ được phân bổ trong năm 2011.
Điều này đã khiến Charles Bolden, Giám đốc của NASA không khỏi phàn nàn về khoản hỗ trợ tài chính ít ỏi mà cơ quan này nhận được. Thậm chí ông đã viết một bức thư trình lên Quốc hội để bày tỏ sự thất vọng của mình trước việc Chính phủ Mỹ chi 490 triệu USD mua các tên lửa của Nga để đưa các phi hành gia Mỹ lên không gian do NASA chưa có đủ cơ sở hạ tầng để tự làm việc này.
“Điều này giống như việc chúng ta cứ mãi mua về các bữa ăn đắt tiền bởi vì bản thân mình còn chưa xây xong nhà bếp ― chỉ khác là, trong trường hợp này, các bữa ăn đặt mua đã tiêu tốn của chúng ta hàng trăm triệu đô la”, Ông Bolden viết trên website Wired.
“Nếu NASA không thể tiến hành suôn sẻ việc phóng tàu con thoi Orion, thì sẽ rất khó hình dung được họ sẽ làm cách nào để đưa con người lên sao Hỏa vào đúng thời hạn đã định”.
Trở ngại thứ 2 là việc NASA có khả năng phải dời thời gian phóng thử nghiệm tàu con thoi Orion (được cho là phi thuyền không gian đầu tiên có khả năng đưa con người lên sao Hỏa) từ tháng 8/2021 cho tới tháng 8/2023.
Điều này ngay lập tức đã vấp phải sự chỉ trích của Chủ tịch Ủy ban Khoa học thuộc Hạ viện Hoa Kỳ – Lamar Smith, vì việc trì hoãn sẽ gây thiệt hại cho NASA từ 8,5 đến 10,3 tỷ USD, do thiếu hụt nguồn tiền tài trợ. Đó là chưa kể đến việc, nếu NASA không thể tiến hành suôn sẻ việc phóng thử nghiệm tàu Orion, thì sẽ rất khó để hình dung được họ sẽ làm cách nào đưa con người lên sao Hỏa vào đúng thời hạn đã định. Được biết, các chuyển thử nghiệm này được tiến hành nhằm mục đích kiểm tra chức năng và hoạt động của một số hệ thống quan trọng như lá khiên chắn nhiệt, dù, một số bộ phận vi tính… qua đó các chuyên gia có thể đánh giá độ an toàn của tàu Orion trước khi tiến hành những chuyến bay khác trong tương lai mang theo phi hành gia tiến xa hơn vào vũ trụ.
Một điều nữa mà chúng ta cần biết ở đây là, các phi hành gia sẽ không thể tùy tiện phóng lên sao Hỏa và trở về Trái đất lúc nào tùy thích vì một lộ trình khả thi chỉ được thực hiện khi quỹ dạo của 2 hành tinh phải sắp thẳng hàng với nhau. Và điều này chỉ xảy ra sau mỗi 778 ngày (tức 2 năm 1 tháng và 18 ngày). Chính vì vậy, việc trì hoãn phóng tàu thử nghiệm có thể khiến thời gian đổ bộ dự kiến lên sao Hỏa lùi lại tới 2 năm.
Trở ngại thứ 3 là chi phí xây dựng cho một phương tiện chuyên chở một phi hành đoàn được dự tính là ngang ngửa với chi phí xây dựng Trạm vũ trụ Quốc tế ISS.
Jonathan Miller, một kỹ sư tại Trung tâm Không gian Johnson của NASA đã chia sẻ trên Quora: “Khối lượng thực sự của một phương tiện có khả năng chuyên chở một phi hành đoàn lên sao Hỏa và quay trở về Trái Đất an toàn là vào khoảng 225 nghìn tấn, hay nói cách khác là bằng khối lượng của Trạm vũ trụ Quốc tế ISS. Vì cần hơn một thập kỷ để chế tạo con tàu này và tiến hành hàng chục các đợt phóng thử nghiệm tàu con thoi cùng hàng trăm hoạt động ngoại phi thuyền (Các phi hành gia ra khỏi tàu vũ trụ để thực hiện các công việc sửa chữa, lắp đặt các thiết bị), nên có rất ít khả năng chúng ta có thể chế tạo được một con tàu khác như vậy trong tương lai gần”.
Theo đó, rất khó xác định chi phí chính xác của trạm vũ trụ ISS bởi vì nó được xây dựng bởi nhiều quốc gia khác nhau trong nhiều năm, tuy nhiên NASA đã tuyên bố rằng tính riêng Hoa Kỳ đã bỏ ra ít nhất 85 tỷ USD vào dự án này, và các con số ước tính khiêm tốn cho thấy chi phí xây dựng có thể lên tới hơn 100 tỷ USD.
Thậm chí ngay cả khi Quốc hội cố gắng lôi kéo sự ủng hộ của các chính trị gia nhằm tăng ngân sách thường niên cho NASA lên gấp 4 lần, thì một số thiết bị được nhắc tới trong bộ phim “The Martian” gồm một căn cứ sinh tồn, một máy sản sinh Oxy, các động cơ đẩy I-ông lớn, và một phương tiện (tên lửa) chuyên chở mẫu thu thập được từ sao Hỏa về Trái Đất (Mars Ascent Vehicle) ― vẫn đang trong giai đoạn phát triển hoặc chỉ dừng lại trên phương diện lý thuyết; việc hoàn thiện công nghệ này sẽ tốn nhiều kinh phí.
Ông O. Glenn Smith, nguyên giám đốc kỹ thuật của hệ thống tàu con thoi tại Trung tâm Không gian Johnson chia sẻ trên trang Space News: “Đó là chưa kể đến mức chi phí 230 tỷ USD vào đầu năm nay cho một chuyến đổ bộ lên sao Hỏa; 1,5 nghìn tỷ USD cho 9 chuyến du hành như vậy”.
Về cơ bản NASA sẽ khó có thể nhận được số tiền lớn như vậy. Trong một cuộc điều tra xã hội của hãng Pew Research, chỉ có 20% số người Mỹ được hỏi ủng hộ việc tăng vốn tài trợ cho các chương trình không gian, 40% cho rằng hiện nguồn vốn đã ở mức hợp lý; và 30% số người còn lại muốn cắt giảm nguồn vốn tài trợ này.
Tác giả: Jonathan Zhou, Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh.
Đọc bản gốc tại đây
Thạch Khánh biên dịch
Xem thêm: