Hầu hết chúng ta đều không thích thú với việc đến gặp nha sĩ, vậy hãy thử tưởng tượng chuyện gì sẽ xảy ra nếu bạn có chiếc răng sâu vào 14.000 năm trước.
Một chiếc răng bị nhiễm trùng được tìm thấy trong di thể một người đàn ông 25 tuổi, qua đời ở miền Bắc Italy khoảng 14.000 năm trước, đã được làm sạch một phần bằng những viên đá lửa. Mẫu vật này biểu thị cho loại hình nha khoa cổ xưa nhất được biết đến. Bộ xương của người đàn ông này đã được bảo tồn khá tốt, và đã được phát hiện vào năm 1988 tại một khu mộ đá có tên là Ripari Villabruna.
Các nhà khoa học mới phát hiện rằng con người tiền sử đã thực hành nha khoa với một số công cụ thật kinh khủng.
Stefano Benzzi, một nhà cổ sinh vật nhân chủng học từ trường Đại học Bologna, người dẫn đầu cuộc nghiên cứu đã nói: “Người ta đã không phát hiện thấy dấu vết điều trị trên chiếc răng này trong suốt những năm qua. Lỗ khoan được mô tả như một chỗ sâu răng bình thường”.
Theo trang Discovery News, phát hiện này là ví dụ khảo cổ cổ xưa nhất của một quá trình can thiệp phẫu thuật thủ công trên một tình trạng bệnh lý. Mẫu vật này đã được xác định niên đại vào khoảng từ 13.820 đến 14.160 năm tuổi. Hiện tại, nó được lưu trữ ở Đại học Ferrara để phục vụ nghiên cứu bổ sung.
“Mẫu vật này xuất hiện sớm hơn bất kỳ bằng chứng xác thực nào khác của phẫu thuật nha khoa và khoan sọ não, như các vết khoan nha khoa và khoan sọ có niên đại từ Thời kỳ đồ đá giữa – Thời kỳ đồ đá mới, khoảng 9.000-7.000 năm trước”, ông Benazzi cho biết.
Nghiên cứu mới này đã được đăng tải trên tạp chí Scientific Reports và miêu tả “bằng chứng cổ xưa nhất được biết đến của việc điều trị sâu răng”. Bài viết miêu tả chi tiết những phát hiện của Benazzi và đồng nghiệp, và cho thấy những hình thức điều trị nha khoa đã được áp dụng từ Thời kỳ đồ đá thượng.
Vào thời đó, các tăm xỉa răng để loại bỏ thức ăn bị giắt ở kẽ răng rất có thể được làm bằng xương và gỗ. Nhưng hiện nay, chúng ta đã có bằng chứng liên hệ giữa việc xỉa răng với tình trạng sâu răng vào thời kỳ đồ đá.
Theo tờ ABC của Úc, kỹ thuật trám răng bằng sáp ong đã được phát hiện trên một chiếc răng người 6,500 năm tuổi từ Slovenia, trong khi kỹ thuật khoan răng, dùng để loại bỏ các mô bị sâu, đã được phát hiện trên những chiếc răng hàm 9,000 năm tuổi tại một nghĩa trang từ thời kỳ đồ đá mới ở Pakistan.
Xem thêm:
Benazzi và các đồng nghiệp đã phân tích chiếc răng hàm thứ ba bên phải ở hàm dưới của thi thể tại Villabruna. Họ nhận thấy chiếc răng này có một lỗ sâu lớn ở bề mặt có chứa 4 chỗ sâu. Sử dụng kính hiển vi điện tử quét, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra những vết khía lạ thường ở mặt bên trong lỗ sâu lớn, kênh ABC cho biết thêm.
“Chúng là kết quả của một loạt các thao tác và chuyển động khi sử dụng Microlith (mảnh và lưỡi đá nhỏ) cắt theo các hướng khác nhau, Benazzi nói. Về cơ bản, mô bị nhiễm trùng sẽ được lấy ra bên trong răng một cách cẩn thận nhờ một loại công cụ làm bằng đá sắc, nhọn”.
“Điều này cho thấy con người vào Thời kỳ đồ đá thượng đã nhận thức được về ảnh hưởng gây hại của sâu răng, và sự cần thiết phải can thiệp bằng một phương pháp điều trị mạnh tay để làm sạch chỗ răng sâu”, ông nói thêm.
Các nhà nghiên cứu cũng lưu ý rằng men răng đã được làm tròn và đánh bóng một phần do mài mòn, từ đó cho thấy việc điều trị đã được thực hiện khá lâu trước khi chết. Theo đồng tác giả Marco Peresani từ Đại học Ferrara, phát hiện này thể hiện một cột mốc quan trọng trong sự phát triển của ngành phẫu thuật nha khoa.
“Nó cho thấy rằng con người đã vận dụng công nghệ để sản xuất ra các công cụ y học nha khoa sơ khởi trước thời kỳ đồ đá mới, một cách khéo léo và sáng tạo”, Peresani cho hay.
Tác giả: Troy Oakes, Vision Times
Đọc bản gốc ở đây.
Ngọc Mai biên dịch
Xem thêm: