Nhà thiên văn học và toán học Bernard Carr đưa ra giả thuyết cho rằng rất nhiều những hiện tượng chúng ta trải nghiệm nhưng chưa thể giải thích bằng các định luật vật lý của chiều không gian này, là do chúng thực ra xảy ra ở các chiều không gian khác.
Albert Einstein từng tuyên bố rằng có ít nhất 4 chiều không gian. Chiều không gian thứ tư là thời gian, hay thời không (thời gian – không gian), vì ông cho rằng thời gian và không gian là không thể bị tách rời. Trong vật lý học hiện đại, các lý thuyết về sự tồn tại của 11 chiều không gian và thậm chí lớn hơn nữa đã thu hút được sự chú ý.
TS Carr, một giáo sư toán học và thiên văn học tại trường Đại học Queen Mary ở London, đã nói rằng ý thức của chúng ta có khả năng tương tác với chiều không gian khác. Ngoài ra, vũ trụ đa chiều mà ông hình dung có một cấu trúc phân tầng. Chúng ta đang ở chiều không gian thấp nhất.
“Mô hình này giải quyết các vấn đề triết học nổi tiếng về mối liên hệ giữa vật chất và tinh thần, làm sáng tỏ bản chất của thời gian, đồng thời cung cấp một cái khung bản thể luận để diễn giải các hiện tượng như hồn ma, trải nghiệm rời thể xác, trải nghiệm cận tử, và những giấc mơ”, ông đã viết trong một bản tóm tắt hội nghị.
TS Carr lý luận rằng các giác quan vật lý chỉ cho chúng ta thấy một vũ trụ 3 chiều, tuy nhiên trên thực tế có ít nhất 4 chiều. Những gì tồn tại trong các chiều không gian khác là những thực thể chúng ta không thể tiếp cận được bằng các giác quan vật lý. Ông nói rằng những thực thể như vậy vẫn phải tồn tại trong một không gian nào đó.
“Các thực thể phi vật lý duy nhất trong vũ trụ mà chúng ta có thể trải nghiệm là các thực thể trong tinh thần, và … sự tồn tại của các hiện tượng siêu thường cho thấy các thực thể tinh thần phải tồn tại trong một loại hình không gian nào đó”, GS Carr đã viết.
Chiều không gian chúng ta tiến nhập vào trong các giấc mơ trùng lặp với không gian nơi ký ức tồn tại. TS Carr nói rằng khả năng thần giao cách cảm báo hiệu sự tồn tại của một không gian tinh thần chung và khả năng tiên tri cũng có một không gian vật lý riêng của nó. “Các đối tượng tri giác phi vật lý mang các thuộc tính của yếu tố bên ngoài”, ông đã viết trong cuốn sách “Vật chất, tinh thần, và các chiều không gian cao hơn”.
Ông xây dựng lý thuyết của mình dựa trên nền tảng các lý thuyết trước đó, bao gồm lý thuyết Kaluza–Klein, vốn hợp nhất hai lực căn bản là lực hấp dẫn và lực điện từ. Lý thuyết Kaluza–Klein cũng hình dung ra một không gian 5 chiều.
Trong “lý thuyết M”, có đến 11 chiều. Trong lý thuyết siêu dây, có đến 10 chiều. TS Carr hiểu điều này như một không gian “ngoại vi” 4 chiều—nghĩa là đây là 4 chiều không gian trong thuyết tương đối của Einstein—và một không gian “nội vi” có từ 6 đến 7 chiều—nghĩa là những chiều không gian này có liên hệ với khả năng ngoại cảm và hiện tượng “vô hình” khác.
Trong chuyên mục Khoa học huyền bí, Đại Kỷ Nguyên khám phá các nghiên cứu và các sự kiện có liên quan tới các hiện tượng và giả thuyết đang thách đố hiểu biết của chúng ta hiện nay. Chúng tôi sẽ đào sâu vào những ý tưỏng có thể kích thích trí tưởng tượng và mở ra những khả năng mới. Hãy chia sẻ với chúng tôi suy nghĩ của bạn về những chủ đề có thể gây nhiều tranh cãi trong phần bình luận bên dưới.
Tác giả: Tara MacIsaac, Đại Kỷ Nguyên Anh ngữ.
Đọc bản gốc ở đây.
Quý Khải biên dịch
Xem thêm: