Cơ quan thăm dò không gian vũ trụ của Nhật Bản (JAXA) vừa phóng thành công một vệ tinh quan sát có quỹ đạo siêu thấp chỉ cách Trái đất chưa đến 300km.
Vệ tinh này được gọi là Tsubame. Nó sẽ hoạt động trong ít nhất 2 năm tới ở khoảng cách 300km so với Trái Đất sau khi được thả xuống từ độ cao 480km. Đây là vệ tinh quan sát đầu tiên bay ở quỹ đạo siêu thấp, hiện nó đã bắt đầu hoạt động và gửi những tín hiệu rất ổn định về phòng điều khiển tại Trái Đất.
Vệ tinh Tsubame có khối lượng khoảng 400kg dùng để chụp những hình ảnh có độ phân giải cao về Trái Đất cũng như xác định mức ô-xy trong khí quyển. Một đặc tính quan trọng của vệ tinh siêu thấp là nó cho phép các nhà khoa học Nhật Bản quan sát cụ thể hơn, chi tiết hơn các hiện tượng trên Trái Đất. Không những vậy, vệ tinh còn giúp cắt giảm chi phí sản xuất, bảo dưỡng, vận hành và phóng. Đặc biệt hơn vệ tinh Tsubame sử dụng một động cơ ion để điều khiển và đảm bảo sự ổn định.
JAXA cho biết: “Vệ tinh Tsubame bay ở quỹ đạo siêu thấp có thể quan sát tốt hơn khoảng 1000 lần so với các vệ tinh thông thường bay ở độ cao khoảng 600 đến 800km so với bề mặt Trái Đất.”
Tuy nhiên một nhược điểm của vệ tinh quỹ đạo thấp là nó phải sử dụng lượng nhiên liệu lớn hơn. Chính vì vậy các nhà khoa học Nhật Bản đã sử dụng động cơ ion để giải quyết vấn đề này với nhiên liệu khí xenon. Điều đó đã giúp giảm đáng kể chi phí. Ngoài ra vệ tinh Tsubame được phủ các vật liệu đặc biệt có khả năng chống lại hiện tượng ô-xy nguyên tử do lượng không khí dày đặc ở quỹ đạo thấp.
Sơn Tùng