Các nhà khoa học tin rằng con người sẽ không còn được chiêm ngưỡng nhật thực toàn phần sau 600 triệu năm nữa do sự dịch chuyển ra xa trái đất của mặt trăng.
Theo Fox news, những người yêu thích thiên văn học tại Mỹ đang rất mong chờ ngày 21/8 để được chiêm ngưỡng nhật thực toàn phần đầu tiên xuất hiện trên lục địa nước này kể từ năm 1918. Tuy nhiên, thế hệ sau có thể sẽ không còn được quan sát hiện tượng này nữa.
Nhật thực toàn phần xảy ra nhờ một sự trùng hợp khó hiểu. Khoảng cách từ mặt trời tới trái đất gấp 400 lần khoảng cách từ mặt trăng tới trái đất và tỉ lệ này bằng đúng với tỷ lệ đường kính của mặt trời so với mặt trăng. Do đó, khi mặt trăng di chuyển đến vị trí phía trước mặt trời, vệ tinh này chặn hoàn toàn ánh sáng của nó tạo thành nhật thực toàn phần. Sự trùng hợp kỳ lạ này là một trong những luận cứ quan trọng cho việc lâu nay, không ít người tin rằng mặt trăng là một vệ tinh nhân tạo do con người trong các nền văn minh cổ xưa đưa lên vũ trụ chứ không phải một vệ tinh đã có khi vũ trụ hình thành.
Tuy nhiên, theo thông tin từ NASA, mặt trăng đang dần dần di chuyển ra xa trái đất khoảng 1/2 inch (4 cm) mỗi năm do sự tương tác trọng lực giữa hành tinh này và trái đất. Kết quả là, nhật thực toàn phần sẽ không còn tồn tại trong tương lai xa, bởi vì kích thước của mặt trăng khi đó sẽ là quá nhỏ để che kín hoàn toàn mặt trời khi nhìn từ trái đất.
“Theo thời gian, số lượng và tần số của nhật thực toàn phần sẽ giảm. “Khoảng 600 triệu năm kể từ bây giờ, Trái đất sẽ trải nghiệm vẻ đẹp và khoảnh khắc của nhật thực toàn phần lần cuối cùng.” – Richard Vondrak, khoa học gia về Mặt trăng thuộc Trung tâm Không gian Goddard của NASA cho biết
Nhật thực có nhiều hình dáng khác nhau do quỹ đạo của mặt trăng có hình elip gần tròn. Vệ tinh này thay đổi khoảng cách khi xoay quanh trái đất trong khoảng giao động từ 406.000 km đến 356.000 km.
Ở khoảng cách xa nhất, mặt trăng không thể che phủ hoàn toàn mặt trời. Điều này dẫn đến hiện tượng nhật thực hình khuyên hay “nhẫn lửa”, nơi viền ngoài của mặt trời hiện xung quanh mặt trăng.
Nếu mặt trăng không đi chính diện qua mặt trời, nó để lại một phần không che phủ, hiện tượng này là nhật thực một phần.
Theo các nhà thiên văn học, hiện nay, trung bình mỗi 18 tháng một lần, nhật thực toàn phần có thể nhìn thấy được từ một nơi nào đó trên bề mặt trái đất. Tuy nhiên, nhìn thấy nhật thực toàn phần từ một vị trí cố định là rất hiếm bởi vì bóng bên trong của mặt trăng là tương đối nhỏ, điều này giới hạn tổng diện tích mà từ đó toàn bộ nhật thực có thể nhìn thấy. Kết quả, nếu ở cùng một chỗ trên trái đất sẽ chỉ nhìn thấy nhật thực mỗi 375 năm/lần.
Hoài Anh
Xem thêm: