Những con lươn sống tại nhiều dòng sông trên thế giới đang trở nên tăng động do dòng nước chứa đầy chất côcain.
Một nghiên cứu mới đây đã chỉ ra rằng những con lươn trên các dòng sông bị ô nhiễm côcain trên thế giới có thể gặp khó khăn khi thực hiện chuyến hành trình dài gần 6000km để giao phối và sinh sản.
Trong khi các quốc gia trên thế giới từ lâu đã vật lộn với nhiều cách thức khác nhau để đối phó với việc sử dụng ma túy bất hợp pháp, thì cho tới nay vẫn chưa có một cái nhìn rõ ràng về những tác động tại hạ nguồn mà các loại thuốc phiện này có thể gây ra cho các loài sinh vật sau khi chúng xâm nhiễm môi trường nước thông qua nước xả thải.
Để kiểm định tác động này, các nhà khoa học đã cho côcain vào môi trường sống của một số con lươn châu Âu trong phòng thí nghiệm suốt 50 ngày liên tiếp, một nỗ lực nhằm theo dõi các tác động cụ thể.
Các loài lươn châu Âu có mô hình sống khá phức tạp, chúng dành khoảng 15 – 20 năm cuộc đời trong nước ngọt hoặc nước lợ ở các tuyến đường thủy châu Âu, trước khi vượt Đại Tây Dương để sinh sản ở biển Sargasso ngay phía đông vùng biển Caribbean và vùng bờ biển phía đông Hoa Kỳ. Tuy rằng lươn nổi tiếng là một món ăn khoái khẩu, nhưng quần thể lươn hoang dã đã được Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế xếp vào các loài sinh vật cực kỳ nguy cấp (1) do các con đập và các thay đổi hệ thống đường thủy khác đã ngăn chặn việc di cư của chúng, việc đánh bắt quá mức, cũng như các loại ô nhiễm nguồn nước.
Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science of the Total Environment (Khoa học Toàn Môi trường) , những con lươn vẫn bị ảnh hưởng của côcain dù ở nồng độ rất thấp, đặc biệt là trong thời kỳ đầu của quá trình sinh trưởng.
Anna Capaldo – nhà sinh học tại Đại học Naples Federico II (Ý) – tác giả chính của nghiên cứu này cho hay:
“Dữ liệu cho thấy sự hiện diện rất lớn của ma túy bất hợp pháp và các chất chuyển hóa của chúng ở vùng nước bề mặt trên toàn cầu”.
Bà nói thêm rằng nguồn nước ở gần các thành phố đông dân thậm chí còn tồi tệ hơn, một số nghiên cứu còn cho thấy nồng độ ma túy đặc biệt cao ở sông Thames, gần Tòa nhà Quốc hội Luân Đôn, và ở sông Amo của Ý gần tháp nghiêng Pisa nổi tiếng.
Giám sát kiểm tra chất ma túy
Capaldo và các đồng nghiệp đã cho lươn vào môi trường nước với lượng côcain rất nhỏ, tương đương với nồng độ được kiểm tra ở một số dòng sông. Họ phát hiện những con lươn có vẻ hiếu động, nhưng có thể chất nhìn chung giống những cá thể lươn không “bị nhiễm ma túy”. Tuy nhiên cơ thể chúng lại cho thấy một sự khác biệt hoàn toàn.
Họ phát hiện ma túy tích tụ trong não, cơ bắp, mang, da và các mô khác của lươn. Cơ của chúng cũng có biểu hiện bị sưng và thậm chí bị vỡ, đồng thời các hormone điều tiết sinh lý cũng có sự biến đổi. Những vấn đề này thậm chí còn tiếp diễn sau khoảng thời gian phục hồi 10 ngày bắt buộc, khi đó các nhà nghiên cứu đã lấy lươn ra khỏi nguồn nước nhiễm côcain.
“Tất cả các chức năng chính của loài động vật này có thể bị biến đổi”, Capaldo cho hay.
Đặc biệt đáng lo ngại là côcain làm tăng nồng độ cortisol, một loại hormone gây căng thẳng kích phát việc tiêu thụ chất béo (mỡ). Vấn đề nằm ở chỗ các loài lươn châu Âu cần phải tích tụ đủ lượng mỡ trước khi di cư đến vùng biển Sargasso để sinh sản, và mức độ cortisol cao hơn có thể trì hoãn thời điểm khởi hành.
Bà cũng lưu ý rằng việc gia tăng mức độ dopamine ở những con lươn nhiễm côcain cũng có thể ngăn cản chúng đạt được sự trưởng thành về mặt giới tính.
“Có khả năng trong điều kiện hoàn cảnh này, khả năng sinh sản của lươn sẽ bị suy giảm”.
Không chỉ vậy, chứng sưng hoặc viêm cơ có thể làm suy giảm khả năng di cư đến vùng biển Sargasso của lươn.
Emma Rosi, một nhà khoa học cao cấp tại Viện Nghiên cứu Hệ sinh thái Cary, cho rằng Capaldo và các đồng nghiệp đã sử dụng các chỉ số nồng độ côcain có liên quan đến môi trường trong nghiên cứu của họ.
Bà nói rằng trong các trường hợp có liên quan đến ma túy, phải cần đến một nồng độ ma túy cao hơn rất nhiều để tiêu diệt các loài sinh vật, nhưng ngay cả ở các mức nồng độ thấp chúng vẫn có thể có sự tác động, đặc biệt với những thứ như sự tương tác giữa kẻ săn mồi và con mồi.
Rosi đã nghiên cứu tác động của thuốc chống trầm cảm bao gồm Prozac và amphetamine đối với hệ sinh thái nước, phát hiện thấy chúng đã thay đổi hệ vi khuẩn hoặc tảo trong nước, và có thể ảnh hưởng đến tốc độ sinh trưởng và vòng đời của côn trùng.
Theo Capaldo, các loại thuốc bất hợp pháp như côcain chỉ là một phần của vấn đề. Những vùng nước này cũng chứa dư lượng các loại thuốc bất hợp pháp khác, kim loại nặng, kháng sinh và thuốc trừ sâu.
“Chúng tôi không thể biết được hậu quả tiềm tàng của hỗn hợp các chất như vậy, nhưng rõ ràng chúng có thể ảnh hưởng đến sự sinh tồn hay/hoặc tình trạng sức khỏe của các loài lươn”, bà nói.
Các loài sinh vật khác ngoài lươn cũng có thể trải qua những biến đổi cơ thể tương tự khi tiếp xúc với côcain, bà nói thêm.
Giải pháp
Capaldo nói rằng vấn đề có thể được giải quyết bằng cách xử lý nước thải hiệu quả hơn, hoặc người dân ngừng sử dụng các loại ma túy bất hợp pháp.
Daniel Snow , giám đốc Phòng thí nghiệm Khoa học Nước tại Đại học Nebraska (Mỹ), không cho rằng có thể giải quyết được vấn đề bằng cách bảo người dân ngừng sử dụng ma túy bất hợp pháp.
“Nếu đó là giải pháp thì luật pháp sẽ giúp ngăn chặn việc sử dụng [ma túy]. Nhưng không có bằng chứng nào cho thấy luật pháp thực sự kiểm soát được việc sử dụng”, ông nhận định.
Snow – người đã nghiên cứu tác dụng của thuốc phiện và các chất gây ô nhiễm khác đối với đời sống thủy sinh – hy vọng nghiên cứu như của Capaldo thu hút được nhiều sự chú ý từ mọi người, đủ để khiến người dân nghĩ nhiều hơn về hậu quả của sự việc này. Nhưng theo ông, đối với tình hình hiện nay, giải pháp có thể đến nhiều hơn từ yếu tố kỹ thuật.
“Về cơ bản, có thể lọc nguồn nước đến bất kỳ mức độ tinh khiết nào, vấn đề chỉ là về số tiền phải đổ vào trong quá trình xử lý”, Snow cho hay.
Dân trí và lượng tiêu thụ côcain trên toàn cầu
Bản đồ dưới đây cho thấy tỷ lệ sử dụng côcain tại từng nước theo tỷ lệ phần trăm dân số thế giới, theo số liệu thống kê gần đây nhất trên trang web của Văn phòng Liên Hợp Quốc về Ma túy và Tội phạm. Những quốc gia hoặc vùng lãnh thổ xuất hiện màu đỏ đậm hơn là những nơi tiêu thụ nhiều côcain nhất, trong khi những quốc gia có màu vàng nhạt hơn thì tiêu thụ ít hơn (không có dữ liệu cho những quốc gia có màu xám). Dữ liệu báo cáo theo nhiều năm, do đó không đưa ra một bức tranh so sánh hoàn hảo, nhưng cung cấp một thước đo tương đối chính xác về những quốc gia có nhu cầu tiêu thụ lớn nhất đối với loại thuốc gây nghiện này.
Vương quốc Anh là một trong những nước sử dụng thuốc phiện lớn nhất thế giới. 2,25% dân số tại đây, tính riêng Anh và xứ Wales, trong tầm tuổi 16-59, sử dụng thuốc phiện, theo kết quả Khảo sát Tội phạm năm 2015/16 ở Anh và xứ Wales.
Đứng đầu bảng là Albania. Kết quả nghiên cứu y tế công cộng vào năm 2014 ước tính 2,5% dân số trong độ tuổi từ 16 đến 64 sử dụng thuốc phiện.
Các quốc gia khác trong top 10 bao gồm Mỹ, Tây Ban Nha, Úc và Hà Lan, cùng một vài quốc gia Nam Mỹ: Chile và Uruguay.
Báo cáo | 20 nước tiêu thụ côcain lớn nhất thế giới
|
Nhiều người có thể cảm thấy ngạc nhiên khi Colombia, quốc gia trồng và phân phối thuốc phiện lớn nhất thế giới, lại không nằm trong bảng này, nước này đứng ở vị trí thứ 34. Tại Colombia, chỉ có 0,7% người dân thực sự sử dụng côcain, theo báo cáo năm 2013. Các quốc gia châu Phi và Trung Đông thì có mức độ sử dụng thấp nhất.
Thậm chí còn đáng kinh ngạc hơn nữa khi quan sát biểu đồ sau:
Trên là bản đồ thế giới của các quốc gia theo danh mục Chỉ số Phát triển Con người HDI vào năm 2017.
Chỉ số Phát triển Con người (HDI) là một chỉ số tổng hợp thống kê về tuổi thọ, giáo dục và thu nhập bình quân đầu người, được sử dụng để xếp hạng các quốc gia thành bốn bậc phát triển cao thấp. Một quốc gia đạt điểm HDI cao hơn khi tuổi thọ cao hơn, trình độ học vấn cao hơn và GNI (PPP) bình quân đầu người cao hơn. Thông thường, đây là những nước phát triển, biểu thị bởi màu xanh lá cây đậm.
Nếu so sánh biểu đồ trên với biểu đồ tiêu thụ côcain ở phần đầu, chúng ta có thể nhận thấy một nghịch lý, tỷ lệ tiêu thụ cocain là cao nhất ở những nước phát triển, chứ không phải ngược lại.
Rõ ràng, trình độ dân trí thấp không phải là nguyên nhân đằng sau lượng tiêu thụ thuốc phiện gia tăng.
Tức là đây không phải do không nhận thức được đầy đủ tác hại của cocain, mà dường như đây là một ví dụ của hiện tượng “biết mà vẫn làm”. Đây là một nghịch lý rất đáng lưu tâm.
Gordon Ramsay là một nhân vật truyền hình và một đầu bếp nổi tiếng ở Anh. Ông sở hữu chuỗi nhà hàng ở London và nhiều thành phố sầm uất khác trên thế giới. Năm 2017, ông đã làm một bộ phim tài liệu về cocain, sau khi chính mình chứng kiến thuốc phiện cướp đi tính mạng và sự nghiệp của một vài đồng nghiệp thân cận. Ông biết một nhân viên bảo vệ thậm chí đã mất mạng vì dùng côcain quá liều vào năm 2003. Ông thổ lộ:
“Tôi đã dính phải côcain khá sớm trong sự nghiệp của mình. Tôi đã được đưa dùng nó. Tay tôi đã rung lắc dữ dội khi cầm tờ giấy bạc (dùng để hút cần sa). Tôi đã được yêu cầu rải bột côcain lên trên món bánh soufflés, thêm vào đồ ăn thay cho đường trắng, … thuốc phiện có ở khắp mọi nơi trong thế giới nhà hàng. Nó đã vượt khỏi tầm kiểm soát rồi”.
Chú thích:
(1) Cực kỳ nguy cấp (tiếng Anh: Critically Endangered, viết tắt CR) là một trạng thái bảo tồn của sinh vật. Một loài hoặc nòi được coi là cực kỳ nguy cấp khi nó phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng trong tự nhiên rất cao trong một tương lai rất gần, khi quần thể loài suy giảm đến 80% hoặc diện tích phân bố chỉ còn trên khoảng 100 km².
Nhật Quang – Quang Khánh