Một nghiên cứu cho thấy ngay cả những đứa trẻ mới chập chững biết đi cũng thích giúp đỡ người khác, mà không vì mục đích vụ lợi. Khi thấy ai đó gặp khó khăn, chúng sẽ chìa tay giúp đỡ, một cách vô điều kiện.
Ngay cả trước khi chúng có thể “ngỏ lời chào tạm biệt” với bỉm và tã, những đứa trẻ mới chập chững biết đi đã tỏ ra thích giúp đỡ người khác, nghiên cứu cho hay. Nhưng động lực nào đã thúc đẩy chúng làm điều này? Một nghiên cứu vào năm 2006 cho thấy đây có thể là do một mối quan tâm sâu sắc đối với người khác, chứ không phải là do mong muốn nhận được sự khen tặng hay tưởng thưởng, đã khiến những đứa trẻ này sẵn sàng chìa tay giúp đỡ.
Các nhà nghiên cứu tại Viện Nhân chủng học Max Plank – một viện nghiên cứu tại Đức – đã quan sát 56 đứa trẻ 2 tuổi, được chia thành 3 nhóm. Tất cả các nhóm đều được quan sát một người lớn đánh rơi một vật thể – có thể là cây bút chì hoặc lon nước – và đang khó nhọc nhặt nó lên.
Một nhóm đã được phép can thiệp và giúp đỡ người lớn này. Một nhóm khác thì bị cha mẹ chúng ngăn cản không cho giúp đỡ. Nhóm còn lại thì được cho xem người này nhận được sự giúp đỡ từ một người lớn khác.
Để đánh giá xem những đứa trẻ mới chập chững biết đi này có cảm thấy lo lắng và thương cảm đối với người lớn này hay không, các nhà nghiên cứu đã quan sát đồng tử của những đứa trẻ, trước và sau khi người lớn đó đánh rơi món đồ. Nghiên cứu trước đây đã cho thấy sự gia tăng kích thước đồng tử là biểu hiện cho thấy cảm giác lo lắng đang gia tăng. Các nhà nghiên cứu nghĩ rằng kích thước đồng tử của những đứa trẻ đã gia tăng khi những đứa trẻ này thấy ai đó cần sự giúp đỡ và sẽ thu nhỏ trở lại khi chúng có thể trực tiếp giúp đỡ người đó. Nhưng các nhà nghiên cứu không chắc liệu kích thước đồng tử có giảm nếu những đứa trẻ này thấy người đó được ai khác giúp đỡ hay không.
Kết quả nghiên cứu này, được đăng trên tạp chí Khoa học Tâm lý (Psychological Science), cho thấy đồng tử những đứa trẻ đã giãn ra sau khi nhìn thấy những người lớn cần đến sự giúp đỡ, biểu lộ một cảm giác đồng cảm (thương cảm) cao độ. Không chỉ vậy, 10 trong số 12 đứa trẻ (tỷ lệ 83%) được phép trực tiếp giúp đỡ đã biểu lộ trạng thái như vậy.
Không chỉ vậy, sự đồng cảm của những đứa trẻ thậm chí còn cao gấp đôi khi chúng không được phép giúp đỡ và người lớn đó không nhận được bất cứ sự giúp đỡ nào, so với khi chúng có thể trực tiếp can thiệp và chìa tay giúp người. Sự quan tâm của chúng cũng giảm đi khi chúng nhìn thấy người lớn đó được người khác giúp đỡ.
Điều này cho thấy đứa trẻ sơ sinh đó đã chìa tay giúp đỡ đơn giản chỉ vì cá nhân ấy cần đến sự giúp đỡ, chứ không phải vì danh tiếng cho bản thân mình. Theo các tác giả nghiên cứu, nếu bọn trẻ chỉ quan tâm đến danh tiếng của chúng, thì “chúng sẽ thích tự mình giúp đỡ (để có được ‘danh tiếng’)”, và đồng tử của chúng sẽ vẫn ở trạng thái giãn ra ngay cả khi chúng thấy người đó đã được người khác giúp đỡ rồi.
Thay vào đó, chúng dường như bộc lộ một mối quan tâm thực sự đối với người lớn này, và cảm thấy nhẹ nhõm khi thấy người đó nhận được sự giúp đỡ, bất kể người giúp đỡ là ai.
“Hành vi giúp đỡ người khác ở những đứa trẻ rất nhỏ tuổi, đã được thúc đẩy bởi một mối quan tâm thực tại và chân thành đối với người khác”.
Nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng trẻ em đã có động lực giúp đỡ người khác ngay từ khi còn nhỏ, nhưng cho đến nay, không có nghiên cứu nào được tiến hành để khám phá bản chất của động lực này, theo Robert Hepach, tác giả chính của nghiên cứu. Vì vậy, lúc đó các nhà nghiên cứu không biết liệu những đứa trẻ đã được thúc đẩy bởi sự quan tâm thực chất bên trong hay do phán đoán về sự khen thưởng hay áp lực từ bên ngoài (ví dụ, của cha mẹ).
“Chắc chắn rằng, mối bận tâm về danh tiếng bản thân sẽ dần dà phát triển khi chúng gặp gỡ những người mới và hiểu biết hơn về các chuẩn mực xã hội trong cộng đồng văn hóa của chúng”, theo Hepach và các đồng nghiệp.
Tuy nhiên,các tác giả cũng cho hay, phát hiện của họ đã cho thấy mối bận tâm đến danh tiếng cá nhân sẽ không giải thích được làm thế nào lòng vị tha, sự thiện lương và lòng thương cảm đã xuất hiện một cách rất tự nhiên ở những đứa trẻ ngay trong những năm đầu đời.
“Hành vi giúp đỡ người khác ở những đứa trẻ rất nhỏ tuổi, đã được thúc đẩy bởi một mối quan tâm thực tại và chân thành đối với người khác”.
Kết quả nghiên cứu này gợi tưởng đến một câu nói rất quen thuộc trong văn hóa phương Đông, câu cửa miệng trong nền giáo dục Khổng tử thời xưa, “Nhân chi sơ, tính bản thiện”.
Tác giả: Jenn Director Knudsen, Greater Good Magazine
Quang Thành biên dịch