Không gì có thể khiến những kẻ kẻ trộm mộ trong quá khứ sợ hãi bằng việc đụng phải một lời nguyền, cảnh báo trước về những kết cục bi thảm dành cho những ai dám xâm hại nơi yên nghỉ của người chết.
Theo đó, vào thời Ai Cập cổ đại, các lời nguyền thi thoảng được trấn yểm trên cổng vào lăng mộ để bảo vệ di tích thiêng liêng khỏi bị xâm phạm hoặc trộm cướp. Nội dung lời nguyền đôi lúc đề cập đến việc người chết trở lại báo thù kẻ xâm phạm, hay kêu gọi một phán quyết cho kẻ đó dưới âm ty. Nếu bất kỳ ai bỏ ngoài tai những lời cảnh báo này, thì người đó đang đánh cược mạng sống của chính mình.
Các câu chuyện và lời đồn đại xoay quanh những lời nguyền trấn yểm các lăng mộ và xác ướp đã tồn tại trong nhiều thế kỷ. Các ghi chép thời Trung Cổ và Cận Đại đã chỉ rõ rằng, không nên quấy nhiễu khu mộ của người Ai Cập cổ đại vì các xác ướp bên trong khu mộ được cho là sở hữu các quyền năng bí hiểm và tà ác. Theo đó, các tư tế đặt lời nguyền xung quanh các khu mộ nhằm bảo vệ xác ướp và chuyến hành trình của vong hồn sang thế giới bên kia. Những niềm tin như vậy đã hình thành nên ý tưởng đằng sau cái gọi là ‘Lời nguyền của các pha-ra-ông’.
Những lời nguyền kỳ dị từng được biết đến
Các lời nguyền trong lăng mộ thường được chạm khắc trong nhà nguyện của lăng, những khu vực công cộng trong quần thể lăng mộ và trên các bức tường, cửa giả, bia mộ, tượng và đôi khi trên cả quan tài. Tuy nhiên, nội dung của các lời nguyền này thường không giống nhau và đôi khi lại khá kỳ dị.
Một lời nguyền có thể được nhiều người biết đến là “Lời nguyền con lừa”, trong đó đe dọa rằng, kẻ quấy nhiễu lăng mộ sẽ bị làm nhục bởi một con lừa, con vật của ác thần Seth. Một lời nguyền khác, hoàn chỉnh hơn, bắt nguồn từ một vị quan cai trị từ vương triều thứ 18: Amenhotep – con trai của Hapu – đe dọa bất kỳ ai dám phá hoại lăng mộ của ông sẽ phải nhận một loạt các hình phạt khủng khiếp như:
“Mất đi địa vị và danh dự trên thế gian, bị thiêu đốt trong một cái lò trong các nghi thức nguyền rủa, bị lật thuyền và chết đuối trên biển, không có người nối dõi, không được chôn cất trong lăng mộ hoặc không nhận được lễ vật an táng riêng cho bản thân, cơ thể sẽ bị phân hủy do chết đói vì không có đồ ăn và xương cốt người này sẽ phải mục nát”.
Một bia đá thuộc về Sarenput I, một vị quan cai trị nomarch ở Elephantine (Ai Cập cổ được chia thành 42 khu vực hành chính gọi là các nome và người đứng đầu một nome là nomarch) dưới sự cai trị của pha-ra-ông Senusret I (vương triều Ai Cập thứ 12), đã được dựng lên để bảo vệ các lễ vật dâng lên bức tượng tạc hình ông:
“Đối với tất cả các thị trưởng, các tư tế, các viên ký lục và quý tộc dám lấy đi lễ vật dâng lên bức tượng này, chức tước của hắn sẽ không tồn tại, cánh tay hắn sẽ bị cắt đứt giống như con bò này, cổ hắn sẽ bị vặn ra như một con chim, chức vụ của hắn sẽ không tồn tại, địa vị của con trai hắn sẽ không tồn tại, ngôi nhà của hắn sẽ không hiện diện ở Nubia, lăng mộ của hắn sẽ không tồn tại nơi nghĩa địa, vị thần của hắn sẽ không tiếp nhận bánh mỳ trắng được hắn dâng lên, xương thịt của hắn sẽ thuộc về ngọn lửa, con cái của hắn sẽ thuộc về ngọn lửa, xác của hắn sẽ không được chôn dưới đất. Ta sẽ đối địch với hắn như một con cá sấu ở dưới nước, một con mãng xà trên mặt đất, và như một kẻ tử thù nơi nghĩa địa”.
Những cái chết khó hiểu sau khi khai quật lăng mộ pha-ra-ông Tutankhamen
Những truyền thuyết xoay quanh “Lời nguyền của các pha-ra-ông” đã bắt đầu xuất hiện trong khoảng thế kỷ 7 SCN; khi người Ả Rập xâm chiếm Ai Cập nhưng không cách nào đọc hiểu các chữ tượng hình (phải cho tới tận đầu thế kỷ 19, người ta mới giải mã được loại chữ này). Việc bảo quản các xác ướp hẳn phải là một cảnh tượng kỳ lạ đối với người Ả Rập khi được mục sở thị.
Theo những câu chuyện được người Ả Rập kể lại, nếu ai đó tiến vào lăng mộ và niệm một câu thần chú, họ sẽ có thể khiến những đồ vật bị người Ai Cập hóa thành vô hình hiện ra. Ngoài ra, người Ả Rập còn cho rằng thông qua ma thuật, các xác ướp này sẽ có thể hồi sinh.
Họ tin rằng người Ai Cập sẽ bảo vệ lăng mộ của họ bằng cách phù phép hoặc nguyền rủa bất kỳ ai dám tiến vào bên trong. Thậm chí các nhà văn Ả Rập cũng cảnh báo mọi người không nên quấy nhiễu xác ướp hoặc lăng mộ của các vị vua vì họ biết rằng người Ai Cập đã sử dụng ma thuật trong các buổi tang lễ. Cuốn sách đầu tiên về chủ đề lời nguyền Ai Cập được xuất bản vào năm 1699 đã khơi mào cho hàng trăm đầu sách sau này.
Theo đó, sự kiện khai quật lăng mộ pha-ra-ông Tutankhamen vào năm 1923 có lẽ là trường hợp lời nguyền lăng mộ nổi tiếng nhất. Sự kiện này đã làm dấy lên nỗi sợ hãi bao trùm trong xã hội và niềm tin vào “Lời nguyền của các pha-ra-ông”. Một số người có mặt tại buổi khai quật ban đầu đã bị chết yểu trong các hoàn cảnh dị thường.
Hầu hết các dị bản của câu chuyện đều đề cập đến việc Howard Carter, một nhà khảo cổ học người Anh và là người dẫn đầu cuộc khai quật, đã phát hiện được một tấm bia bằng đất sét trong phòng chờ dẫn vào điện chính của lăng. Vài ngày sau khi ghi chép lại nội dung văn khắc, một thành viên trong nhóm đã bắt tay giải mã các ký tự tượng hình trên tấm bia mộ.
Ngụ ý của lời nguyền là: “Đôi cánh thần chết sẽ tiêu diệt bất kỳ kẻ nào dám quấy nhiễu sự yên nghỉ của pha-ra-ông”. Tuy nhiên, không có ghi chép về bất kỳ tấm bia nào như vậy, nên đa số cho rằng nó đã biến mất hoặc chỉ đơn giản là một truyền thuyết.
Theo đó, điềm báo đầu tiên của lời nguyền xuất hiện khi Carter phái một người báo tin về nhà. Khi đến nơi, người đưa tin nghe thấy một tiếng kêu yếu ớt và nhìn thấy con chim hoàng yến của ông Carter đang bị nuốt chửng bởi một con rắn hổ mang – biểu tượng của chế độ quân chủ Ai Cập. Tiếp đến, trong vòng 7 tuần sau khi lăng mộ được mở, Bá tước xứ Carnarvon – người đồng khám phá lăng mộ pha-ra-ông Tutankhamun cùng với Carter, đã qua đời do biến chứng từ một vết muỗi cắn.
Các phương tiện truyền thông ngay lập tức đưa tin “lời nguyền của pha-ra-ông” đã ứng nghiệm. Conan Doyle, một người huyền bí và là tác giả của bộ tiểu thuyết trinh thám nổi tiếng “Sherlock Holmes” cùng tiểu thuyết gia Marie Corelli cũng ngay lập tức đưa ra cảnh báo rằng, sẽ có các kết cục bi thảm dành cho bất kỳ ai bước vào lăng mộ bị phong ấn.
Cạm bẫy và thuốc độc đã được sử dụng để tăng cường ma lực của bùa chú
Hầu hết những lời nguyền Ai Cập đều thuộc phạm trù siêu nhiên, tức không hiện hữu dưới dạng thức vật chất, nhưng trong một số trường hợp, cạm bẫy và thuốc độc đã được sử dụng để tăng cường ma lực của bùa chú, gây thương tích, thậm chí mang cái chết đến những kẻ dám xâm phạm.
Theo đó, các lăng mộ thường được niêm phong, cài chốt và bao gồm rất nhiều phòng chứa bí mật khó xâm nhập. Các hành lang bị chặn bởi các phiến đá lớn, có những lỗ châu mai, cửa bẫy và dây kim loại được sử dụng như các cạm bẫy. Ngoài ra, các kỹ sư Ai Cập cổ đại cũng sẽ phủ lên sàn và tường lăng mộ bột hematite – một loại bột kim loại có thể gây ra cái chết chầm chậm, đau đớn cho kẻ nào chẳng may hít phải một lượng vừa đủ, vốn sẽ được phun vào bầu không khí khi các phiến đá bị tác động.
Vào năm 2001, khi nhà Ai Cập học, tiến sĩ Zahi Hawass tiếng vào trong lăng mộ tại Ốc đảo Bahariya (Bahariya Oasis), nhóm của ông đã phát hiện được một chiếc quan tài đá gắn bẫy với khoảng 20 cm lớp bột hematite – buộc họ tạm ngừng khai quật cho đến khi trở lại với đồ bảo hộ và mặt nạ phòng độc.
Tuy rằng lời nguyền dường như chỉ là một thứ gì đó mê tín từ thời cổ đại, nhưng ngày nay vẫn có nhiều người tự trang bị cho mình những món đồ hoặc câu thần chú để bảo vệ bản thân trước ảnh hưởng có thể của những lời nguyền. Bên cạnh đó, các nghiên cứu khoa học cũng đã đưa ra một hiện tượng tâm lý mạnh mẽ: “Những ai tin tưởng chắc chắn rằng mình đang bị nguyền rủa rốt cục sẽ ngã gục trước một căn bệnh vật lý gây nên do sự căng thẳng thần kinh”.
Và lập luận này cũng đã nhận được sự ủng hộ của nhiều người khi một nghiên cứu đã cho thấy, trong số 58 người có mặt ở đây khi lăng mộ và quan tài Pha-ra-ông được khai mở, chỉ có 8 người chết trong một thập kỷ tiếp theo. Tất cả những người khác vẫn còn sống, bao gồm Howard Carter; ông đã qua đời ở cái tuổi 64 vào năm 1939 do căn bệnh ung thư bạch huyết.
Tác giả: Bryan Hilliard, Ancient Origin
Đọc bản gốc tại đây
Thạch Khánh biên dịch
Xem thêm: