Hàng thiên niên kỷ trước đây, các nền văn hóa cổ đại đã cảm thấy rất kinh ngạc trước những ngọn lửa tự nhiên có thể cháy liên tục trong nhiều tuần, nhiều thập kỷ, hay thậm chí nhiều thế kỷ. Câu chuyện về những ngọn lửa như vậy đã là chủ đề quan tâm của các nhà địa chất và nhà thăm dò khí đốt, vì những ngọn lửa này không chỉ hé lộ các nghi thức tâm linh và văn hóa của quá khứ, mà cũng có thể cung cấp các manh mối cho ngành địa chất hiện đại và hiện tượng rò rỉ khí đốt hiện nay.
Theo trang tin tức khoa học Phys.org, Guiseppe Etiope là nhà địa chất thuộc Viện Địa Vật lý và Núi lửa ở Ý, tác giả của cuốn sách “Natural Gas Seepage” (tạm dịch: Sự rò rỉ khí ga tự nhiên). Trong đó, ông đã viết rằng thông qua truyền thuyết về các ngọn lửa vĩnh cửu trong lịch sử, các nhà nghiên cứu có thể biết được địa điểm và thời gian của các ngọn lửa hình thành do sự rò rỉ khí ga mà người cổ đại nhìn thấy. Biết được một số ngọn lửa nhất định đã cháy và trong thời gian bao lâu sẽ có thể giúp xác định ngọn lửa nào được tạo nên một cách tự nhiên, không có tác động của con người hiện đại như phương pháp fracking [1] hay khoan lỗ.
Mỏ khí ga “Cánh cửa dẫn đến Địa ngục” gần Derweze, Turkmenistan, đã cháy từ năm 1971. (Ảnh: Wikimedia)
Nếu biết được vị trí và thời gian của ngọn lửa khí ga cổ đại, các nhà nghiên cứu có thể ước lượng xem có bao nhiêu khí ga đã thoát ra và bao nhiêu còn sót lại ở bên trong mỏ khí.
Xem thêm:
“Nhờ biết được có hiện tượng khí thoát ra từ một vết rò rỉ và biết được một vết rò rỉ đã từng hoạt động mạnh mẽ từ hai nghìn năm trước, chúng ta có thể ước tính tổng lượng khí ga đã bị thải ra bầu khí quyển cho tới nay. Kết quả được đo lường hôm nay có lẽ cũng có hiệu lực đối với quá khứ, ít nhất là trên phương diện cường độ”, Etiope viết trong chương “Các miệng rò rỉ [khí ga] trong thế giới cổ đại: Truyền thuyết, Tôn giáo, và Phát triển xã hội”.
“Loại thông tin như vậy không chỉ giúp cho các nghiên cứu về khối lượng khí metan mà còn quan trọng trong việc tìm hiểu khả năng rò rỉ tiềm tàng của hệ thống dầu khí, cho dù chúng có tiềm năng thương mại hay không”.
Những ngọn lửa vĩnh cửu đã trở thành biểu tượng của rất nhiều thứ trong các nền văn hóa khác nhau. Chúng có một tầm quan trọng về tín ngưỡng và văn hóa trong suốt chiều dài lịch sử, và trên toàn thế giới. Ngọn lửa vĩnh cửu có thể biểu thị cho ánh sáng ban ngày, hay sự hiện hữu vĩnh cửu của một vị Thần. Nó có thể biểu thị cho sự nắm giữ tri thức, hay góp mặt trong sự tôn kính tổ tiên.
Đôi lúc những ngọn lửa cổ xưa huyền thoại được gây ra do rò rỉ khí ga tự nhiên hay sự lưu thông khí than, còn từ thuở sơ khai, con người đã biết tạo ra những ngọn lửa cháy nhờ nhiên liệu gỗ hoặc dầu.
Danh hiệu ngọn lửa cháy lâu nhất trên thế giới thuộc về “Núi cháy” ở Australia. Đây là ngọn lửa cháy vĩnh cửu nhờ một lớp vỉa than, và được cho là đã đốt cháy trong vòng 6.000 năm.
Etiope viết rằng miệng phun dầu và khí có thể đã ảnh hưởng đến xã hội và công nghệ của con người cổ đại, vì ngay cả vào thời đó sự tranh giành nhiên liệu cũng thường là một nguyên nhân dẫn đến chiến tranh.
Bằng chứng mới nhất về việc sử dụng dầu khí có thể được tìm thấy ở Syria, vào 40.000 năm trước người Neanderthal đã từng sử dụng nhựa đường tự nhiên trên các công cụ bằng đá của họ.
Những ngọn lửa vĩnh cửu có thể được tìm thấy trong các ghi chép lịch sử trải dài khoảng vài thiên niên kỷ. Nhà sử học Pliny già đã ghi chép về Chimaera, một địa điểm đồi núi gần xứ Lycia cổ đại (Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay) “… đã thật sự bốc cháy với một ngọn lửa không lụi tàn bất kể vào ngày hay đêm”. Khí mêtan rò rỉ từ các miệng phun bên dưới, thì lớp bề mặt sẽ bừng cháy với các ngọn lửa kỳ dị.
Ngọn núi Chimaera là một khu vực tại xứ Lycia cổ đại, nổi tiếng với hiện tượng núi lửa và được một số nguồn tin cổ đại coi là nơi khởi nguồn của thần thoại về quái vật Chimera. (Ảnh: Wikimedia)
Hiện tượng địa chất này sản sinh ra thần thoại về Chimera, một con quái thú kinh khủng có khả năng phun lửa và có thân thể và đầu của một con sư tử, một cái đầu dê ở trên lưng, là một cái đuôi rắn.
Minh họa quái vật Chimera trên đồ gốm thời La Mã cổ đại, khoảng 350-340 TCN. (Ảnh: Wikimedia)
Những ngọn đèn cháy vĩnh cửu là trụ cột chính trong các truyền thuyết tôn giáo mà có lẽ đã lấy cảm hứng từ những ngọn lửa cháy không ngừng nghỉ do tình trạng rò rỉ khí ga hay dầu.
Trang Phys.org viết rằng những tín đồ Hỏa giáo thờ phụng “các cột trụ lửa” vĩnh cửu, và một suối dầu thô nổi bong bóng từ mặt đất đã được đề cập đến trong truyền thuyết La Mã cổ đại từ năm 38 TCN. Khu vực này đã trở thành một điểm gặp mặt cho những tín đồ Cơ đốc giáo La Mã đầu tiên, và hiện nay có một vương cung thánh đường được xây dựng trên đó. Ngọn lửa Manggarmas linh thiêng ở Indonesia, đã hoạt động từ thế kỷ 15, và vẫn được sử dụng trong các nghi lễ ngày nay.
Biểu tượng của ngọn lửa vĩnh cửu hùng mạnh đến mức chúng đã được bảo tồn cho đến ngày nay. Các ngọn lửa vĩnh cửu hiện đại thường đóng vai trò như các đài kỷ niệm và được đốt bằng khí propan hay khí ga tự nhiên. Ngọn đuốc Olympic là một biểu tượng nổi tiếng toàn cầu của ngọn lửa vĩnh cửu, và ở rất nhiều khu vực tổ chức Olympic, ngọn lửa được thắp sáng bằng đuốc vẫn còn cháy cho đến ngày nay.
Một lần nữa các nhà khoa học lại đi tìm kiếm các tri thức và câu trả lời cổ đại để bổ sung cho các nghiên cứu của chúng ta ngày nay.
Tác giả: Liz Leafloor, Ancient Origins
Đăng tải với sự cho phép. Đọc bản gốc ở đây.
Quý Khải biên dịch.
Chú thích của người dịch:
[1] Fracking: làm vỡ đá và cấu tạo đá bằng cách bơm các loại chất lỏng khác nhau vào các vết nứt để buộc chúng phải tiếp tục rạn nứt thêm. Các vết nứt lớn hơn cho phép dầu và khí đốt thoát ra từ các cấu tạo đá để đi vào hố khoan, nơi chúng có thể được chiết xuất.Xem thêm: