Khi cắt rau làm món salad, có lẽ mọi người không do dự chút nào. Nhưng khi biết những thông tin dưới đây, chắc hẳn bạn sẽ phải cân nhắc trước khi chế biến đồ ăn.
Theo một nghiên cứu của Đại học Missouri (Mỹ), thực vật cũng có thể nghe và hiểu được âm thanh chung quanh và có phản ứng lại với các mối nguy hiểm.
Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã thả những con sâu bướm trên loại cây Arabidopsis. Sau đó, với tia laser và một vật liệu phản chiếu có kích thước nhỏ được đặt trên lá, họ có thể theo dõi được chuyển động của lá khi bị sâu ăn.
Nghiên cứu chỉ ra khi bị ăn, quá trình trao đổi chất của các tế bào trên lá sẽ thay đổi. Lá cây tiết ra nhiều dầu cải, một loại hợp chất khiến sâu bướm khó chịu.
Điều thú vị là, các nhân viên nghiên cứu còn phát hiện ra với các âm thanh khác đến từ gió hoặc sâu bọ, thực vật sẽ không có bất kì một phản ứng nào. Điều này cho thấy, thực vật có thể phân biệt được những âm thanh do bị ăn với âm thanh khác bên ngoài môi trường tự nhiên.
Thực tế, trong suốt thời gian qua các nhà khoa học đều đang nghiên cứu khả năng cảm nhận của thực vật. Một nhà khoa học cách đây gần 100 năm đã cho dòng điện chạy qua để xem thực vật có phản ứng gì. Còn có nhà khoa học từng nghiên cứu phản ứng của thực vật với các nguồn âm thanh bao gồm cả âm nhạc.
Điều làm chúng ta vô cùng ngạc nhiên là, thực vật không chỉ có thể “nghe”, mà chúng còn có thể “nói”. Nghiên cứu viên Bonn người Đức phát hiện, khi dùng siêu micro phone chúng ta có thể nghe thấy thực vật thường phát ra một loại âm thanh nhỏ nhẹ nhàng, nhưng khi bị tấn công như bị sâu bọ ăn, chúng sẽ phát ra “tiếng kêu rên rỉ”.
Đương nhiên đây không phải âm thanh rên rỉ như các loài động vật, mà là một dạng khí thoát ra để phòng vệ. Nghiên cứu viên cho biết, khi thực vật phải chịu áp lực càng lớn, tín hiệu này sẽ càng trở nên rõ ràng.
Kết quả nghiên cứu này có thể giúp ích cho việc kiểm tra thời hạn bảo quản của các loại hoa quả và rau củ, như với dưa chuột sắp quá hạn chúng sẽ phát ra âm thanh kêu chói tai hơn.
Việc các nhà nghiên cứu chỉ ra khả năng thính giác của thực vật khi muốn chống lại côn trùng là một bước tiến rất quan trọng. Hiểu được thực vật nghe và phản ứng với những âm thanh xung quanh như thế nào giúp chúng ta tìm ra một phương pháp mới giúp thực vật chống lại côn trùng, đồng thời khiến chúng ta phải suy ngẫm hơn những khi cắt, ăn rau. Những nghiên cứu này có làm thay đổi suy nghĩ của bạn đối với các loài thực vật không?
Quỳnh Chi tổng hợp
Xem thêm: