Thuật ngữ cuồng loạn tập thể mô tả tình huống trong đó các triệu chứng thể chất hoặc tâm lý xuất hiện hàng loạt, lây lan nhanh chóng xuyên suốt các cộng đồng, đôi khi trên nhiều thành phố hoặc quốc gia. Trong đợt bùng phát, các nạn nhân có thể trải nghiệm triệu chứng nói cười mất kiểm soát, ngất xỉu, chóng mặt, cơ bắp rã rời, hay một số các triệu chứng khác không có vẻ do bất kỳ nguyên nhân thể chất nào.
Các trường hợp cuồng loạn đã được báo cáo trên khắp thế giới trong nhiều thế kỷ và cung cấp một cái nhìn sâu sắc về bản chất phức tạp của tâm lý con người.
Thuật ngữ ‘cuồng loạn’ có nguồn gốc từ từ ‘hystera’ trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là ‘tử cung’, và thường được liên tưởng đến vị thầy thuốc thời Hy Lạp cổ đại Hippocrates. Tuy nhiên, mối liên hệ với khái niệm tử cung có thể được truy nguồn gốc trong cuốn sách y học Kahun Papyrus của Ai Cập cổ đại (1900 TCN), trong đó xác định nguyên nhân của triệu chứng điên loạn là do chuyển động tự phát của tử cung đến các vị trí khác nhau trong cơ thể người phụ nữ.
Sang thời Trung cổ, triệu chứng này được lý giải bằng các nguyên nhân khác như phép phù thủy, bị ma nhập, hay bị điên loạn. Tuy sự xuất hiện của cuồng loạn tập thể vẫn tiếp tục làm giới y học bối rối, nhưng hiện nay người ta tin rằng trạng thái này có liên hệ đến các trường hợp căng thẳng cực đại về cảm xúc hay tâm trí.
Dưới đây chúng ta hãy cùng điểm qua một số trường hợp cuồng loạn tập thể nổi tiếng và kỳ lạ trong lịch sử.
Chứng cuồng nhảy thời trung cổ (thế kỷ 13 – 17)
Tranh mô tả cảnh tượng cuồng nhảy trên một cuộc hành hương đến nhà thờ tại Molenbeek, Bỉ, của tác giả Pieter Brueghel the Younger (1564-1638). (Ảnh: Wikimedia Commons)
Chứng cuồng nhảy, cũng được gọi là Bệnh dịch Nhảy múa, Điệu nhảy Thánh John, hay Điệu nhày Thánh Vitus, đã xuất hiện ở đại lục châu Âu trong khoảng giữa thế kỷ 13 và 17. Một trong những đợt dịch chủ chốt nổi tiếng nhất đã bùng phát ở Aachen, Đức, vào ngày 24/6/1374. Trong đợt dịch này, các nạn nhân sẽ nhảy múa như điên qua các con phố trong nhiều giờ, nhiều ngày, hay thậm chí nhiều tháng, cho tới khi sụp đổ vì kiệt quệ hoặc tử vong do đau tim hoặc đột quỵ. Số nạn nhân vào bất kỳ đợt dịch nào có thể lên đến hàng nghìn người.
Bệnh dịch Nhảy múa được biết là đã bùng phát nhiều lần trên khắp châu Âu thời Trung cổ, như ở Ý, Luxembourg, Pháp, Đức, Hà Lan và Thụy Sĩ. Ban đầu người ta coi chứng cuồng nhảy là lời nguyền được giáng xuống bởi một vị thánh, thường được cho là Thánh John Người rửa tội hay Thánh Vitus, do đó mới xuất hiện các tên thay thế cho tình trạng này. Những nạn nhân do đó sẽ đi đến những nơi thờ cúng các vị thánh trên để cầu nguyện sự giải thoát khỏi chứng bệnh, một “phương thuốc” dường như đã khôi phục sức khỏe cho rất nhiều người.
Nữ tu sỹ người Pháp kêu như mèo (thế kỷ 19)
Các tổ chức như trường học, nhà tù, và cộng đồng đông đúc thường là nơi bùng phát chứng cuồng loạn tập thể, và các tu viện Cơ Đốc giáo ở châu Âu cũng không phải là ngoại lệ. Trong cuốn sách ‘Dịch bệnh của thời Trung cổ’ xuất bản năm 1844 của JFC Hecker, tác giả đã trích dẫn sự kiện về một nữ tu sỹ kêu như mèo tại một tu viện ở Pháp. Không lâu sau đó, các nữ tu khác bắt đầu xuất hiện các biểu hiện tương tự, cho đến khi toàn bộ tu viện tràn nhập những nữ tu sỹ kêu meo meo.
Tình trạng này đã làm các khu dân cư Cơ Đốc xung quanh lo lắng, và cuối cùng những binh lính đã được gọi đến để kiểm soát tình hình. Các nữ tu bị binh lính quất roi và đánh đập cho đến khi hứa sẽ ngừng phát ra những tiếng kêu chói tai. Vào thời kỳ này, rất nhiều người tin vào hiện tượng nhập hồn, và ở Pháp, mèo thường được coi là loài động vật trung thành với quỷ.
Dịch Cười Tanganyika (1962)
Dịch cười Tanganyika bắt đầu vào ngày 30/1/1962, tại một trường nội trú của hội truyền giáo dành cho các nữ sinh ở Kashasha, Tanzania, châu Phi. Tràng cười bắt nguồn từ ba nữ sinh nhưng đã nhanh chóng lan rộng ra khắp trường. Tình trạng này kéo dài trong nhiều giờ, nhiều ngày, và sau đó nhiều tuần, dẫn đến quyết định đóng cửa vào ngày 18/3/1962.
Nhưng sự việc không kết thúc ở đó. Sau khi trường học đóng cửa, hiện tượng cuồng loạn tập thể lây lan sang các ngôi trường khác và cuối cùng lan đến các ngôi làng lân cận. Hàng ngàn trẻ em đã mắc dịch, và 14 ngôi trường bị buộc phải đóng cửa. Chứng cuồng loạn cuối cùng đã dịu dần và kết thúc sau khoảng 18 tháng từ khi bắt đầu.
Phiên tòa xét xử Phù thủy xứ Salem (1692–1693)
Ảnh minh họa phiên tòa xét xử xử phù thủy xứ Salem. Tranh in thạch bản vào năm 1892 của Joseph E. Baker. (Ảnh: Wikimedia Commons)
Một trong những trường hợp cuồng loạn tập thể khét tiếng nhất là trường hợp xảy ra tại Salem, Massachusetts, Mỹ vào năm 1692. Hàng chục cô gái trẻ xuất hiện các triệu chứng la hét, vặn vẹo mất kiểm soát, cuối cùng dẫn tới một loạt các cáo buộc sử dụng ma thuật.
Kết quả là một loạt các phiên điều trần, truy tố những người bị cáo buộc sử dụng ma thuật, gọi là Các phiên tòa xét xử Phù thủy xứ Salem, dẫn đến cái chết của 25 công dân của xứ Salem và các thị trấn lân cận.
Các phiên tòa xét xử phù thủy xứ Salem đã trở thành một sự kiện có ảnh hưởng lớn trong lịch sử nước Mỹ, và được sử dụng trong lĩnh vực hùng biện chính trị và văn học phổ thông để làm nổi bật sự nguy hiểm của chủ nghĩa biệt lập, chủ nghĩa cực đoan tôn giáo, các cáo trạng sai lầm, và sự thất bại trong việc thực thi luật pháp theo đúng quy trình.
Cách giải thích hiện đại
Những trường hợp cuồng loạn tập thể có vẻ khá xa lạ với bộ phận quần chúng đang ngày càng hiểu biết hơn ngày nay, những người không còn tin vào các cách giải thích như tử cung chuyển động tự phát, ma nhập, hay phép phù thủy. Nhưng các cơn cuồng loạn tập thể vẫn tiếp tục được ghi nhận, trường hợp gần đây nhất xảy ra vào năm 2012 khi 1.900 đứa trẻ trên khắp 15 ngôi trường ở Sri Lanka đã được điều trị cho một loạt các triệu chứng bao gồm phát ban da, chóng mặt, và ho, nhưng không có nguyên nhân thể chất rõ ràng.
Tuy các trường hợp cuồng loạn có thể bị chế nhạo như hành vi phi lý và kỳ lạ, nhưng nghiên cứu đã chỉ ra rằng có một số yếu tố phức tạp có thể đóng góp vào sự hình thành và lây lan của chứng cuồng loạn tập thể, bao gồm những bất an về xã hội, áp lực văn hóa, tin đồn, sự sợ hãi, phấn khích tột độ, niềm tin tôn giáo, sự củng cố hành động của các nhân vật có uy quyền, và căng thẳng quá độ.
Tuy rằng bối cảnh xã hội, chính trị và tôn giáo đã biến đổi qua nhiều thế kỷ, tâm lý con người phần lớn vẫn như trước, và chính vì lý do này, chúng ta có lẽ sẽ còn chứng kiến rất nhiều trường hợp cuồng loạn tập thể hơn trong tương lai.
Vũ trụ chứa đầy những điều bí ẩn đang thách đố tri thức của nhân loại. Bộ sưu tập những câu chuyện “Khoa học Huyền bí” của Thời báo Đại Kỷ Nguyên về những hiện tượng lạ thường đã kích thích trí tưởng tượng và mở ra những khả năng chưa từng mơ tới. Chúng có thật hay không? Điều đó tùy bạn quyết định!
Tác giả: April Holloway, Ancient Origins
Đăng tải với sự cho phép. Đọc bản gốc ở đây.
Thiện Lan biên dịch
Xem thêm: