Theo một nghiên cứu gần đây, sự phun trào của núi lửa có liên quan đến sự suy vong của vương triều Ptolemy hùng mạnh dưới thời nữ hoàng Cleopatra khoảng 2.000 năm trước.
Ai Cập được biết đến và nổi tiếng khắp thế giới qua những câu truyện về nữ hoàng Cleopatra và hai kỳ quan thế giới cổ đại là kim tự tháp Kheops và ngọn hải đăng Alexandria.
Triều đại Ptolemy cai trị Ai Cập cổ đại và vùng Lưỡng Hà sông Nile trong suốt 300 năm cho đến khi sụp đổ bởi những nguyên nhân mà cho tới ngày nay vẫn còn nhiều bí ẩn. Mới đây, một nghiên cứu đăng tải ngày 17/10/2017 trên trang Nature Communications đã phần nào hé lộ một trong các nguyên nhân chủ yếu.
Theo đó, hoạt động của núi lửa khiến lượng mưa cung cấp cho hai bờ sông Nile giảm trong suốt mùa hè kéo theo lũ lụt giảm dần, làm mất đi một lượng lớn phù sa và khả năng tiêu diệt sâu bệnh cho vùng châu thổ hai bên sông.
Để chứng minh giả thuyết này, nhà sử học Joseph Manning và các cộng sự thuộc trường luật Yale, Hoa Kỳ đã so sánh hồ sơ về mực nước sông Nile từ những năm 622 sau công nguyên với các ghi chép khi núi lửa phun trào được trong lõi băng từ Greenland và Nam Cực có niên đại 2.500 năm. Họ phát hiện ra các lớp tro trong lõi băng, tương ứng với năm phun trào, điểm này nói lên rằng lũ lụt ít xảy ra hơn và mực nước sông thấp hơn nhiều so với những năm không có núi lửa phun trào.
Để tìm hiểu rõ hơn những vụ phun trào ảnh hưởng như thế nào đến lượng mưa ở Ai Cập thời Ptolemy, nhóm nghiên cứu đã mô phỏng sự thay đổi của khí hậu từ 5 đợt phun trào lớn của núi lửa trong thế kỷ 20.
Thông qua nghiên cứu, nhóm đưa ra kết luận rằng chính những đợt phun trào của núi lửa là nguyên nhân làm giảm lượng mưa trên khắp các vùng châu Phi cung cấp nước cho sông Nile. Cá vụ phun trào giải phóng một lượng lớn dung nham và tro bụi ra ngoài môi trường không khí, dịch chuyển và làm suy yếu vùng hội tụ liên vùng, đó là một vành đai áp suất thấp gần đường xích đạo có vai trò điều khiển lượng mưa tại khu vực đó.
Đồng thời Manning và các đồng nghiệp đã khảo sát các văn bản lịch sử của Ai Cập thời Ptolemy, so sánh các thời kỳ bất ổn chính trị với các bản ghi chép về núi lửa dưới các núi băng để thu thập thêm thông tin và bằng chứng thuyết phục hơn. Nhóm phát hiện sự trùng hợp từ sự phun trào trùng hợp với sự xuất hiện của nhiều cuộc nổi dậy.
Từ đó đưa ra kết luận rằng rất có thể núi lửa Etna ở Italia bất ngờ phun trào gây bất ổn định chính trị, nạn đói và hạn hán kéo dài tới năm 44 trước công nguyên. Kết quả là triều đại Ptolemy sụp đổ vào năm 30 sau công nguyên với việc tự tử của nữ hoàng Cleopatra.
Dù sao đây cũng chỉ là một ít giả thuyết ban đầu giải thích cho sự sụp đổ đế chế Ai Cập cổ đại hùng mạnh của nữ hoàng Cleopatra. Còn rất nhiều nghi vấn xung quanh vấn đề này và các nhà khoa học còn phải làm rất nhiều nghiên cứu hơn nữa mới có thể đi đến kết luận cuối cùng.
Sơn Tùng