Vệ tinh của NASA trong quá trình chụp ảnh vùng cực phát hiện 3 hố bí ẩn ở Bắc Cực giữa một vùng phẳng mênh mông khiến các nhà khoa học bối rối bởi chưa từng nhìn thấy thứ gì như vậy trước đây.
Phát hiện tình cờ
Khi một nhà khoa học NASA nói rằng họ chưa từng thấy thứ gì đó như vậy trước đây, thì chắc hẳn có điều gì đó không bình thường. Ngày 17/4/2018, trong mục đố vui trên trang web chính thức của mình, NASA có đăng một bức ảnh chụp 3 vật thể kỳ dị trên mặt băng ở Bắc Cực, và hỏi độc giả xem chúng là gì.
Bức ảnh này được chụp từ trên không tại biển Beaufort, giáp ranh Canada, gần Bắc Cực thông qua dự án Ice Bridge của NASA. IceBridge là một dự án nghiên cứu sử dụng các máy bay kết hợp vệ tinh chụp ảnh hai vùng cực Trái Đất nhằm nghiên cứu mối liên hệ giữa các vùng cực và hệ thống khí hậu toàn cầu.
Điều kỳ lạ nằm ở chỗ, nếu quá trình hình thành băng tuyết là đồng đều , thì sẽ chỉ nhìn thấy một dải băng bất tận trải dài khắp vùng cực , do đó hẳn phải có một lực tác động ngoại lai nào đó , mới có thể tạo nên 3 cái hố thủng như thấy trong ảnh chụp.
Thành viên dự án, nhà khoa học Nathan Kurtz chia sẻ:
“Ở đó chắc chắn là một vùng băng mỏng, … màu sắc tại đó khá xám , dấu hiệu cho thấy chỉ có một lớp băng mỏng phủ trên bề mặt”.
“Tôi không chắc cơ chế vận động nào có thể tạo nên các vòng tròn bán nguyệt xung quanh các cái hố như vậy. Tôi chưa từng nhìn thấy bất cứ thứ gì tương tự trước đây”.
Giả thuyết
Trao đổi với NASA, nhà địa vật lý băng biển Don Perovịc cho biết, lớp băng ở khu vực đó “khá mỏng, mềm, xốp và có phần dễ uốn cong”. Nhận định này tương khớp với kết quả quan sát màu sắc lớp băng bề mặt (màu xám – băng mỏng).
Dựa trên đó, Chris Shuman, một chuyên gia về sông băng từ ĐH MaryLand, cho rằng các hố băng này có thể hình thành trong tự nhiên, khi các khối nước nóng “hiện diện ở khu vực này”, làm tan chảy băng biển.
“Khu vực này nhìn chung ở vùng nước khá thấp, nên có nhiều khả năng đây chỉ là các ‘dòng suối nước nóng’ hay nước nóng ngầm rò rỉ lên, bắt nguồn từ các vùng núi trong đất liền, rồi đổ vào khu vực này”, ông Chris cho hay.
Hoặc có thể các con hải cẩu đã lợi dụng lớp băng mềm xốp để gặm thủng các lỗ không khí, để chúng ngoi được lên trên mặt nước hít thở. Vì hải cẩu, khác với cá, không thở bằng mang, mà thở bằng phổi, do đó chúng thường phải ngoi lên mặt nước để hít lấy không khí mới.
Xung quanh 3 cái hố có thể quan sát thấy một vùng diện tích băng mỏng hơn trung bình. Nếu theo giả thuyết hải cẩu, thì đây “có thể là do khi con hải cẩu trồi lên trên, nước tràn ra, làm tan chảy mài mòn lớp băng tuyết xung quanh”, theo Walt Meier, một nhà khoa học tại Viện Dữ liệu Băng Tuyết Quốc gia. Nhưng ông cũng cho biết, lớp băng mỏng này cũng có thể là do lớp băng tuyết bề mặt bị hút xuống hố – một cơ chế thoát nước nào đó.
Thực tế tất cả những giả thuyết nêu trên chỉ là suy luận thuần túy thông qua việc quan sát ảnh chụp, bởi chưa có ai đến thực địa để xem xét 3 hố này. Ai đã tạo ra chúng? Cho đến nay đây là câu hỏi vẫn chưa có lời giải.
Quý Khải