Các nhà nhân chủng học tại Đại học Oxford (Anh) đã xác định được 7 quy luật đạo đức mà họ cho rằng có tính phổ quát trên toàn cầu. Bảy quy luật này bao gồm – giúp đỡ gia đình, giúp đỡ cộng đồng, trả ơn, dũng cảm, vâng lời người lớn tuổi, phân chia tài sản công bằng và tôn trọng tài sản của người khác – đây chính là 7 quy luật đã được phát hiện trong một cuộc khảo sát 60 nền văn hóa trên khắp thế giới.
Những nghiên cứu trước đây đã xem xét một vài quy luật này ở một số nơi trên thế giới – nhưng không có nghiên cứu nào từng xác nhận sự tồn tại của cả 7 quy luật này trong một số lượng mẫu xã hội đại diện quy mô lớn. Được công bố trên tạp chí Nhân Chủng Học Hiện đại (Current Anthropology) của ĐH Chicago (Mỹ), nghiên cứu này là khảo sát đa văn hóa lớn nhất và toàn diện nhất về đạo đức trong số các cuộc khảo sát từng được thực hiện.
Nhóm nghiên cứu này đến từ Viện Nhân chủng học Nhận thức & Phát triển Oxford (một bộ phận của Trường Nhân chủng học & Bảo tàng Dân tộc học). Họ đã phân tích các báo cáo số liệu dân tộc học về đạo đức từ 60 xã hội, bao gồm hơn 600.000 từ được lấy từ hơn 600 nguồn.
Tiến sĩ Oliver Scott Curry, tác giả chính đồng thời là nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nhân Chủng Học Nhận Thức và Phát triển, cho hay:
“Cuộc tranh luận giữa những người theo chủ nghĩa đạo đức phổ quát và những người theo thuyết đạo đức tương đối đã diễn ra ác liệt trong nhiều thế kỷ, nhưng hiện giờ chúng tôi đã có một số câu trả lời. Người dân ở khắp nơi phải đối mặt với hàng loạt vấn đề xã hội tương tự nhau, và sử dụng một bộ các quy luật đạo đức tương tự để giải quyết chúng”.
“Như dự đoán, 7 quy luật đạo đức này dường như có tính phổ biến ở mọi nền văn hóa trên toàn cầu. Mọi người ở khắp nơi đã chia sẻ một bộ quy luật đạo đức chung. Họ đều đồng tình rằng việc hợp tác, thúc đẩy lợi ích chung, là điều đúng đắn và nên làm”.
Kết luận này có thể gây sốc đối với những người theo chủ nghĩa đạo đức tương đối (moral relativism) . Theo Bách khoa Toàn thư Internet về Triết học (The Internet Encyclopedia of Philosophy) , thuyết đạo đức tương đối là quan điểm cho rằng việc phán đoán đạo đức là đúng hay là sai, điều này chỉ mang tính tương đối và áp dụng với một số tiêu chuẩn nhất định (ví dụ, tiêu chuẩn đạo đức của một nền văn hóa hoặc một giai đoạn lịch sử nhân loại), chứ không có tiêu chuẩn nào là đặc quyền duy nhất vượt trội hơn so với tất cả những tiêu chuẩn khác. Nó thường được liên kết với các tuyên bố khác về đạo đức: đáng chú ý, là luận điểm cho rằng các nền văn hóa khác nhau thường có các giá trị đạo đức hoàn toàn khác nhau; sự phủ nhận việc tồn tại những giá trị đạo đức phổ quát ở mọi xã hội loài người; và sự nhấn mạnh vào việc chúng ta nên kiềm chế để không đưa ra những phán xét hay đánh giá mang tính đạo đức về các niềm tin và tập quán đặc trưng của các nền văn hóa khác biệt so với chúng ta.
Ngược lại với thuyết này là chủ nghĩa đạo đức phổ quát (moral universalism, hay universal morality) , rằng tồn tại một tiêu chuẩn đạo đức cho tất cả mọi người – một giá trị phổ quát.
Nghiên cứu đã kiểm nghiệm giả thuyết cho rằng đạo đức sẽ phát triển để thúc đẩy sự cộng tác, và vì có nhiều kiểu cộng tác khác nhau, nên sẽ có nhiều khuôn mẫu đạo đức khác nhau. Theo giả thuyết “Đạo đức là sự cộng tác” này, thì việc chọn lọc huyết thống (kin selection) giải thích lý do tại sao chúng ta luôn cảm thấy có một nghĩa vụ quan tâm chăm sóc đặc biệt dành cho gia đình chúng ta, và tại sao chúng ta không chấp nhận được hành vi loạn luân.
Chủ nghĩa tương trợ lẫn nhau (mutualism) giải thích tại sao chúng ta hình thành các nhóm, hội và liên minh (để có sức mạnh tập thể và sự an toàn về số lượng), và đó là lý do vì sao chúng ta coi trọng sự thống nhất, đoàn kết và trung thành. Sự giao thiệp xã hội lý giải vì sao chúng ta tin tưởng, ủng hộ người khác, cảm thấy tội lỗi và biết ơn, biết đền bù, và biết tha thứ.
Trong cách thức giải quyết xung đột, chúng ta cũng cứ luôn phải hao tổn tâm sức vào việc thể hiện những đức tính đáng quý trọng của bản thân – chẳng hạn như sự dũng cảm và hào phóng – tại sao chúng ta nên vâng lời những người lớn có vai vế hơn mình, tại sao chúng ta phân chia tài sản tranh chấp một cách công bằng và vì sao chúng ta công nhận quyền thừa kế.
Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng, thứ nhất là 7 hành vi hợp tác này luôn được coi là tốt trên bình diện đạo đức. Thứ hai là các ví dụ về hầu hết các quy luật đạo đức này đều thấy xuất hiện ở hầu hết các xã hội. Điều quan trọng là, không có các ví dụ ngược lại – không có bất cứ xã hội nào xem 7 hành vi này là không tốt trên bình diện đạo đức. Và thứ ba, những nguyên tắc đạo đức này đã được khảo sát với tần suất tương đương trên khắp các châu lục; chúng không phải là quy luật riêng, đặc thù của “phương Tây” hay bất kỳ khu vực nào khác.
Người Amhara (Ethiopia) cho rằng :”bỏ qua trách nhiệm đối với gia đình họ hàng được xem là một hành vi sai lệch đáng hổ thẹn, biểu hiện cho một nhân cách xấu”.
Ở Hàn Quốc vẫn tồn tại một tập quán về đạo đức cộng đồng mang tính bình quân chủ nghĩa liên quan đến sự hỗ trợ và hợp tác giữa hàng xóm với nhau và sự đoàn kết mạnh mẽ trong nhóm …
Ở Ấn Độ tập tính tương trợ lẫn nhau đã được quan sát thấy trong mọi giai đoạn cuộc sống của người Garo (nhóm thổ dân có nguồn gốc Tây Tạng – Miến Điện) và chiếm một vị trí rất cao trong những giá trị cốt lõi của xã hội người Garo.”
Những người bản địa Maasai (Châu Phi) cho rằng: “ Các giá trị đạo đức của những người quân nhân vẫn rất được tôn trọng”, và “ý chí kiên định của một chiến binh tối cao liên quan đến việc đồng cam cộng khổ, sẵn sàng hy sinh vì nhau … trong những trận chiến khốc liệt, đó như là một sự thể hiện cao nhất của lòng trung tín dũng cảm”. Bên cạnh đó, người Bemba (ở Zambia, miền nam Châu Phi) lại cho thấy “một sự tôn trọng sâu sắc đối với những người lớn tuổi có vai vế”.
“Quan điểm về công lý” của người Kapauku (Indonesia) được gọi là “ uta-uta, hay một nửa – một nửa … một cụm từ có hàm nghĩa rất giống với cái gọi là ‘sự công bằng’ trong quan điểm của chúng ta. Còn người bản địa Tarahumara (ở Mexico) thì tin rằng “sự tôn trọng đối với tài sản của người khác là chìa khóa của tất cả các mối quan hệ cá nhân”.
Nghiên cứu cũng phát hiện “các biến tấu của bản nhạc chính” – tuy rằng tất cả các xã hội dường như đều đồng tình với bảy nguyên tắc đạo đức cơ bản này, nhưng họ xếp hạng chúng với mức độ ưu tiên khác nhau. Nhóm nghiên cứu hiện đang phát triển một bảng câu hỏi về các giá trị đạo đức mới để thu thập dữ liệu về những giá trị đạo đức hiện đại, đồng thời khảo sát xem liệu sự khác biệt trong các giá trị đạo đức giữa các nền văn hóa có phản ánh ra sự khác biệt trong giá trị của sự cộng tác dưới những điều kiện hoàn cảnh xã hội khác nhau hay không.
Theo đồng tác giả, giáo sư Harvey Whitehouse, các nhà nhân chủng học đang được đặt vào một vị trí đặc thù để trả lời các câu hỏi bấy lâu nay về thuyết đạo đức phổ quát và thuyết đạo đức tương đối. Ông cho hay:
“Nghiên cứu của chúng tôi dựa trên các mô tả lịch sử về các nền văn hóa trên khắp thế giới; dữ liệu này đã được thu thập trước, và hoàn toàn độc lập với, sự phát triển của các lý thuyết mà chúng tôi đã đang kiểm nghiệm.
Các công việc trong tương lai sẽ khảo sát những dự đoán chi tiết hơn về lý thuyết bằng cách thu thập những dữ liệu mới, thậm chí một cách hệ thống hơn nữa, về vấn đề nguyên tắc đạo đức này”.
Curry nói thêm: “Chúng tôi hy vọng rằng nghiên cứu này có thể giúp gia tăng sự hiểu biết giữa những người thuộc các nền văn hóa khác nhau; trân trọng những điểm chung, và tìm hiểu sự khác biệt giữa chúng ta và lý do đằng sau điều đó”.
Ngọc Ni, Quang Khánh tổng hợp
Tham khảo:
- Đại học Oxford, “Seven moral rules found all around the world”, 11/2/2019
- Emrys Westacott, “Moral Relativism”, The Internet Encyclopedia of Philosophy.