Trái Đất khá già. Mặt Trời còn già hơn. Nhưng bạn biết thứ gì thậm chí còn già hơn chúng không? Chính là nước.
Theo các nhà khoa học, khoảng 50% lượng nước trên Trái Đất có thể còn “già” hơn cả Hệ Mặt Trời. Điều này nghe có vẻ không tưởng và vô lý, nhưng cách giải thích dưới đây có thể góp phần hé mở bí ẩn của nguồn nước trên hành tinh chúng ta.
Tiến sĩ Ilse Cleeves từ Đại học Michigan (Mỹ) đã tiến hành một thí nghiệm nhằm xác định xem nguồn nước trên Trái Đất và trong Hệ Mặt Trời thực sự đã hình thành được bao lâu. Có hai giả thuyết được đưa ra. Hoặc là các phân tử nước đóng băng trong sao chổi và nước trong đại dương trên Trái Đất đã tự chúng hình thành ngay bên trong Hệ Mặt Trời, hoặc là nước đã có nguồn gốc từ rất lâu trước đó, trong đám mây phân tử lạnh (còn gọi là vườn ươm sao) đã sinh thành nên Mặt Trời và đĩa tiền hành tinh của nó (đĩa chứa khí đặc quay xung quanh Mặt Trời lúc mới hình thành).
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Michigan đưa ra giả thuyết cho rằng có đến một nửa lượng nước trên Trái Đất có tuổi thọ lớn hơn Mặt Trời. Chúng có lẽ đã được hình thành trong đám mây phân tử lạnh sản sinh ra Hệ Mặt Trời của chúng ta. Ảnh minh họa quá trình hình thành Hệ Mặt Trời, bắt đầu với đám mây phân tử lạnh khổng lồ (trên cùng bên trái). (Ảnh: Bill Saxton, NSF/AUI/NRAO)
Tại rìa ngoài của Hệ Mặt Trời là đám mây tinh vân Oort chứa các mảnh vụn không bị cuốn đi để bồi tụ [1] hình thành nên Mặt Trời và 8 hành tinh quay xung quanh nó. Một số có nguồn gốc từ đám mây tinh vân đó còn số khác thì bị tóm giữ bởi lực hấp dẫn. Thỉnh thoảng, các tác động của sự nhiễu loạn hấp dẫn sẽ kéo một ngôi sao chổi từ khoảng cách xa về phía Mặt Trời. Mà một ngôi sao chổi thì lại rất có thể chứa nước đóng băng.
Nghiên cứu của TS Cleeves cho thấy khoảng 30-50% lượng nước trên Trái Đất bắt nguồn từ đám mây phân tử, khiến tuổi thọ của chúng nhiều hơn Hệ Mặt Trời khoảng 1 triệu năm.
Để đi đến con số ước tính này, TS Cleeves và Ted Bergin, một giáo sư thiên văn, đã mô phỏng quá trình hóa học xảy ra khi Hệ Mặt Trời của chúng ta hình thành. “Chúng tôi đã mô phỏng quá trình hóa học xảy ra trong một triệu năm—tuổi thọ điển hình của một đĩa hình thành hành tinh—và chúng tôi khám phá ra rằng các quá trình hóa học trong đĩa này là không đủ hiệu quả để kiến tạo nước nặng trong khắp Hệ Mặt Trời chúng ta”, TS Cleeves nói. “Điều này ám chỉ rằng đĩa hình thành hành tinh không tạo ra nước, mà thừa hưởng nó. Chính vì vậy, một phần lượng nước trong Hệ Mặt Trời chúng ta đã có từ trước khi xuất hiện Mặt Trời”.
Điều này ám chỉ rằng đĩa hình thành hành tinh không tạo ra nước, mà thừa hưởng nó. Chính vì vậy, một phần lượng nước trong Hệ Mặt Trời chúng ta đã có từ trước khi xuất hiện Mặt Trời.
– Tiến sĩ Ilse Cleeves
Kết quả của nghiên cứu này là vô cùng ấn tượng, vì giờ đây chúng ta đã biết được rằng nước trong đại dương của chúng ta rất có thể là tàn dư từ các hệ mặt trời khác tồn tại từ trước Hệ Mặt Trời của chúng ta. Đại dương của chúng ta có thể từng là đại dương trên các hành tinh khác trước khi chúng là của chúng ta.
Điều này cũng có nghĩa, nước chúng ta uống hàng ngày có thể còn “già” hơn cả Mặt Trời.
Chú thích của người dịch:
[1] Sự bồi tụ (accretion): Phương thức hình thành hành tinh được giới khoa học chấp nhận rộng rãi hiện nay, trong đó các hành tinh khởi đầu từ những hạt bụi quay xung quanh tiền sao. Do va đập vào nhau, các hạt này gắn kết thành những khối đường kính lên tới 200 mét, và đến lượt mình các khối này va đập tạo thành những vật thể lớn hơn (planetesimal tức vi thể hành tinh) lớn chừng 10 km.[28] Các vật thể này tiếp tục lớn dần thông qua va chạm, với tốc độ cỡ vài cm mỗi năm trong khoảng vài triệu năm sau đó.[28]
Tác giả: Message to Eagle.
Đăng tải với sự cho phép. Đọc bản gốc tại đây
Quý Khải biên dịch
Xem thêm: