Đại Kỷ Nguyên

Phát hiện các cấu trúc ‘vô hình’ di chuyển 50 km/s trong Dải Ngân Hà

Phát hiện các cấu trúc ‘vô hình’ di chuyển 50 km/s trong Dải Ngân Hà

Trong hình là một bức ảnh tĩnh từ một hình ảnh động miêu tả hiệu ứng thấu kính được tạo ra bởi những cấu trúc này. (Ảnh: TS Keith Bannister (CSIRO)/Artem Tuntsov (Manly Astrophysics))

Các nhà thiên văn học đã phát hiện được cái có vẻ như là các cấu trúc ‘vô hình’ khổng lồ nằm cách chúng ta 3.000 năm ánh sáng và di chuyển tại mức vận tốc 50 km/s xuyên qua Dải Ngân Hà.

Các nhà thiên văn học đã phát hiện được các cấu trúc vô hình ẩn nấp trong không gian giữa các ngôi sao trong Dải Ngân Hà. Tuy rằng trước đây các nhà nghiên cứu đã từng phỏng đoán về sự tồn tại của những cấu trúc vô hình này, nhưng nghiên cứu mới đây, được đăng tải trên Tạp chí Science (Khoa học), sẽ giúp các nhà thiên văn học ước lượng tốt hơn kích thước và hình dạng của nó.

Theo các báo cáo, những thứ này khá LỚN – bằng khoảng kích thước của quỹ đạo Trái Đất quay xung quanh Mặt Trời – và có thể giúp ích trong việc giải thích vị trí của vật chất mất tích trong vũ trụ. Việc phát hiện các cấu trúc ‘vô hình’ này là công của các nhà nghiên cứu đến từ Đài quan sát thiên văn Compact Array trực thuộc Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Liên bang Úc (CSIRO) ở miền đông nước Úc. Việc phát hiện các cấu trúc khổng lồ này có thể giúp các nhà khoa học giải thích được bí ẩn xoay quanh một quasar (còn gọi là chuẩn tinh – một thiên thể cực xa và cực sáng) và lý do nó trông có vẻ sáng hơn trong vòng ba thế kỷ qua.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng cảnh báo rằng đây không phải là các vật thể lớn, đặc rắn. Các nhà thiên văn học tuyên bố rằng những cấu trúc bí ẩn này dường như là các khối vật chất cấu thành từ những đám mây khí cực lạnh, trong một lớp khí mỏng tồn tại giữa các ngôi sao. Các nhà thiên văn học đã miêu tả hình dạng của các cấu trúc vô hình bí ẩn này như những “sợi mì” hoặc các hạt quả phỉ – với các vật chất bao bên ngoài một vùng trung tâm rỗng.

Những cấu trúc bí ẩn này đến từ đâu, tuổi thọ chính xác, mục đích của chúng; đây vẫn là một bí ẩn lớn đối với các nhà thiên văn học.

Chúng đến từ đâu, có niên đại bao lâu, hoặc chúng có số lượng bao nhiêu trong hệ Ngân Hà này; đây vẫn là một bí ẩn. “Tại giai đoạn hiện nay tất cả đều chỉ là những phỏng đoán”, Tiến sĩ Keith Bannister từ CSIRO trao đổi với trang IFLScience.” Có thể có hàng ngàn những vật thể như vậy trong hệ Ngân Hà chúng ta”.

Các nhà thiên văn học tỏ ra khá lạc quan trong việc đo lường tốc độ của các cấu trúc này. Theo các nghiên cứu ban đầu, các cấu trúc vô hình hình sợi mì đang di chuyển tại một mức vận tốc khoảng 50 km/s xuyên qua không gian giữa các ngôi sao. Các cấu trúc được phát hiện bởi các nhà thiên văn học hiện nay nằm ở một khoảng cách cách chúng ta khoảng 3.000 năm ánh sáng, khoảng một nghìn lần xa hơn ngôi sao gần nhất, Proxima Centauri.

Tuy rằng thật thú vị khi biết rằng những cấu trúc này ở ngoài kia và đang di chuyển tương đối nhanh xuyên qua không gian giữa các ngôi sao, nhưng điều thật sự thú vị của phát hiện này là những cấu trúc chưa được quan sát trước đây này có thể giải thích cho một phần lớn khối lượng ẩn giấu trong Hệ Ngân Hà, theo các nhà thiên văn học.

TS Bannister lưu ý rằng những cấu trúc dị thường này không có liên quan gì đến vật chất tối.

Tuy rằng cho đến nay chưa có ai đề cập đến danh từ ‘Người ngoài hành tinh’, chúng ta có thể chắc chắn rằng, dựa trên tính chất bí ẩn đằng sau phát hiện đáng kinh ngạc và cũng rất khó hiểu này, sẽ không mất nhiều thời gian để câu chuyện này có thể nâng tầm lên một mức độ mới khi ‘Người ngoài hành tinh’ có thể trở thành một giả thuyết tiềm năng đối với rất nhiều người.

Tuy có rất nhiều bí ẩn xoay quanh những cấu trúc vô hình ‘hình sợi mì’ đang di chuyển tại mức vận tốc 50 km/s xuyên qua Hệ Ngân Hà này, nhưng những cấu trúc này là có thật và các quan sát của chúng ta là một bước tiến chủ chốt nhằm xác định kích thước và hình dạng của chúng”, TS Bannister nhận định.

Tác giả: Ivan Petricevic, Ancient Code.
Đăng tải với sự cho phép. Đọc bản gốc ở đây.
Quý Khải biên dịch

Xem thêm:

Exit mobile version