Đại Kỷ Nguyên

Phát hiện châu lục thứ 7 của thế giới ẩn mình dưới đáy biển suốt hàng chục nghìn năm

Đất liền chỉ chiếm chưa đầy 1/3 diện tích bề mặt Trái Đất. Thế nhưng nó lại là nơi sinh sống của tuyệt đại đa số nhân loại. Hàng tỷ người đang sinh sống ở trên 6 châu lục ấy. Nhưng một ngày bạn bỗng nhận ra thế giới vẫn còn có một châu lục khác nữa, chuyện gì sẽ xảy ra?

Trước đây, giới khoa học thường bảo lưu quan điểm rằng thế giới hiện tại có 6 châu lục: Á, Âu, Mỹ, Phi, Nam Cực và châu Đại Dương. Sách giáo khoa trong trường học của nhiều quốc gia cũng thống nhất với luận điểm ấy. Duy chỉ có người Mỹ, với tư duy rạch ròi của mình, tách Bắc Mỹ và Nam Mỹ ra làm đôi và cho rằng thế giới có 7 châu lục. Nhưng dù sao đi nữa, người ta vẫn đồng ý với nhau rằng tất cả các châu lục đó đều nằm trên 6 lục địa này: Á-Âu, Phi, Nam Cực, Bắc Mỹ, Nam Mỹ và Úc.

Tuy nhiên, trong nghiên cứu mới nhất, các nhà khoa học đã đưa ra một kết luận khó tin: chúng ta vẫn còn một châu lục khác ẩn mình dưới đáy biển suốt hàng chục nghìn năm. Họ gọi nó bằng cái tên Zealandia. Trước đây, chưa từng ai biết đến sự tồn tại của châu lục này.


Hình ảnh chụp New Zealand từ không gian vũ trụ của phi hành gia Tim Peake – Ảnh: ESA/NASA. 

Vậy Zealandia đích xác nằm ở đâu?

11 nhà địa chất học, tác giả của nghiên cứu này, tuyên bố rằng khu vực ngoài khơi New Zealand hiện tại không phải là một cụm quần đảo đơn thuần. Chúng xác thực là phần nổi của một châu lục độc lập, tách biệt với châu Úc, có diện tích 4,9 triệu km2, nay phần lớn đã chìm sâu xuống đáy biển. Người ta ước tính, 94% đất của châu lục này đang ngập trong nước.

Nhưng dù ngập trong nước, nó vẫn là một châu lục đàng hoàng, đầy đủ tư cách. Nếu được công nhận chính thức, Zealandia sẽ là châu lục nhỏ nhất thế giới (chiếm vị trí của châu Đại Dương). Thực ra, công trình nghiên cứu về Zealandia đã được khởi động trước đó từ rất lâu. Các chuyên gia viết trong báo cáo rằng đây không phải là một phát hiện tình cờ. 10 năm trước, họ đã có ý định công bố kết quả nhưng chưa đủ dữ liệu cần thiết.  

Có khá nhiều chuyên gia địa chất cũng lên tiếng đồng tình với kết quả nghiên cứu này. Bruce Luyenkyk, nhà địa chất đến từ Đại học California, cho hay: “Họ là những chuyên gia hạng A về nghiên cứu Trái Đất. Tôi nghĩ các bằng chứng đã phải được xem xét kỹ lưỡng. Sẽ không có nhiều phản biện ở đây”.  

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là một châu lục hoặc lục địa cần phải có những điều kiện gì? Dưới đây là một số điểm cơ bản nhất:  

Cứ dựa vào những tiêu chuẩn này thì Zealandia đã hoàn toàn đủ tư cách để được gọi là lục địa độc lập, một châu lục đàng hoàng. Zealandia, vùng lãnh thổ đất kết hợp giữa New Zealand và New Caledonia thoạt nhìn là một chuỗi đảo lớn. Tuy nhiên, kết cấu địa chất bên dưới của nó lại khá phức tạp. Ảnh chụp vệ tinh cho thấy thực tế những hòn đảo rải rác này chính là phần nổi của một lục địa nguyên vẹn chìm dưới biển.

Phát hiện ra Zealandia có ý nghĩa lớn lao hơn nhiều người nghĩ. Hãy nhớ, đây đang là thế kỷ 21 chứ không phải thế kỷ 15 lúc Colombo lênh đênh trên biển hàng năm trời không phương hướng trước khi phát kiến ra châu Mỹ.

Việc tìm ra được một châu lục vào lúc này có thể mang kéo theo những khai phá mới về quá trình vận động địa chất của thế giới, thậm chí thay đổi hẳn lịch sử kiến tạo địa chất. Trước mắt, với phát kiến này, New Zealand chính là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất với hàng tỉ USD khoáng vật và dầu mỏ ngoài khơi, ngay phía trên Zealandia.  

Hữu Bằng (Tổng hợp) 

Xem thêm:

Exit mobile version