Đại Kỷ Nguyên

Phát hiện chớp sóng vô tuyến sáng nhất từ trước tới nay, chúng đến từ đâu?

Các nhà thiên văn học vừa tìm ra chớp sóng vô tuyến sáng nhất từ trước tới nay, sáng hơn 4.5 lần so với chớp sóng sáng nhất được phát hiện trước đó.

Tìm hiểu về các chớp sóng vô tuyến (fast radio burst – FRB) luôn là lĩnh vực được các nhà khoa học quan tâm sâu sắc và thời gian này chắc hẳn là khoảng thời gian rất bận rộn với họ. Các nhà thiên văn học vô tuyến gần đây đã phát hiện ra ba trong số các sự kiện FRB này, trong đó bao gồm việc phát hiện ra chớp sóng vô tuyến sáng nhất từ trước tới nay, Iflscience hôm 14/3 đưa tin.

FRB hay còn gọi là chớp sóng vô tuyến là sự phát ra cực mạnh của các đợt sóng vô tuyến chỉ kéo dài trong vài mili giây. Những chớp sóng này phát ra trên bầu trời và thường không lặp lại, chỉ trừ duy nhất một trường hợp chớp sóng lặp lại được ghi nhận. Cho đến nay các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra 33 chớp sóng vô tuyến, họ cũng đã có được một số hiểu biết nhất định về hiện tượng này tuy nhiên vẫn còn rất nhiều bí ẩn quanh nó mà chúng ta chưa thể lý giải.

Cho đến nay các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra 33 chớp sóng vô tuyến (Ảnh: Sci-news)

Cả ba tín hiệu mới nhất đều được phát hiện tại Đài thiên văn Vô tuyến CSIRO’s Parkes ở phía Tây nước Úc. Chớp sóng đầu tiên được phát hiện có tên FRB 180301 được tìm ra vào ngày 1 tháng 3. Chớp sóng FRB 180309 được phát hiện 8 ngày sau đó và FRB 180311 mới được phát hiện vào hai ngày trước. FRB 180309 đặc biệt thú vị vì nó có tỉ số tín hiệu cực đại trên nhiễu là 411 (signal-to-noise ratio). Điều này khiến nó sáng hơn 4.5 lần so với chớp sóng sáng nhất được phát hiện trước đó.

Giáo sư Maura McLaughlin, từ Đại học West Virginia ở Morgantown cho biết: “Sự xuất hiện đột ngột của chớp sóng vào ngày 9 tháng 3 khiến nó trở thành một trong những chớp sóng sáng nhất mà chúng ta đã chứng kiến.

Đài thiên văn Vô tuyến CSIRO’s Parkes ở phía Tây nước Úc (Ảnh: Xataka)

Nói về việc phát hiện ra chớp sóng FRB 180301, nhà khoa học Danny Price thuộc dự án Breakthrough Listen cho biết: “Các nhà thiên văn học vẫn chưa có nhiều hiểu biết về các chớp sóng vô tuyến vì mới chỉ có vài chục vụ nổ đã từng được phát hiện, tuy nhiên chúng ta có thể tìm ra được một số chi tiết hấp dẫn về chúng.”

“Chúng thể hiện một sự phóng đại về tần số cho thấy chúng ở một khoảng cách cực kỳ xa so với chúng ta, có thể lên tới hàng tỉ năm ánh sáng. Các chớp sóng vô tuyến di chuyển hàng tỉ năm để đến với chúng ta và chỉ kéo dài trong vài mili giây, cho thấy cơ chế nó phát ra là vô cùng ngắn ngủi. Để chúng ta có thể phát hiện ra được chúng rõ ràng như vậy sau một cuộc hành trình dài, chắc hẳn chúng cũng phải sáng một cách khủng khiếp.”

Các chớp sáng có thể bắt nguồn từ những hố đen hay sao neutron (Ảnh: eso.org)

Vậy nguồn năng lượng mạnh mẽ nào đã khiến những chớp sóng này có thể có ánh sáng rực rỡ đến như vậy? Người ta cho rằng những biến cố liên quan tới lỗ đen hay những ngôi sao neutron chính là lý do vì chúng có thể giải phóng năng những lượng vô cùng mạnh chỉ trong một lần xảy ra. Chớp sóng lặp lại duy nhất có tên FRB 121102 có một số liên quan nhất định đến sao neutron. Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu cho rằng tất cả các các chớp sóng vô tuyến đều lặp lại vấn đề ở đây chỉ đơn giản là thời gian lặp lại của nó là trong bao lâu.

Ước tính cho thấy 10.000 chớp sóng vô tuyến có thể được phát hiện từ Trái Đất mỗi ngày. Do nguồn lực hạn chế, chỉ một phần rất nhỏ trong số đó được phát hiện.

Nhật Quang

Exit mobile version