Ô nhiễm không khí là một trong những hiểm họa lớn đối với sức khỏe con người, nó là một trong những nguyên nhân chính gây nên các bệnh về tim mạch, hô hấp, mắt cũng như nhiều bệnh lý nguy hiểm khác mà chúng ta không lường trước.
Nhịp sống hiện đại đi đôi với sự phát triển của khoa học – công nghệ nhưng song song với nó là vấn đề ô nhiễm môi trường. Vấn đề ô nhiễm vẫn luôn là một đề tài nhức nhối và đáng lo ngại hơn nó đang dần trở thành chuyện cơm bữa ở nhiều quốc gia trên thế giới. Ô nhiễm không khí có lẽ là một trong những loại phổ biến nhất, ngày càng trở nên nghiêm trọng, đe dọa đến sức khỏe và cuộc sống của con người.
Câu chuyện ô nhiễm môi trường không khí không đi đâu xa mà ngay tại Việt Nam cũng đang là câu chuyện không có hồi kết, đáng báo hơn là thủ đô Hà Nội của chúng ta nằm trong top những thành phố lớn ô nhiễm nhất trên thế giới và hiện nay đang chễm chệ ở vị trí đầu tiên.
Ô nhiễm không khí là khi khí độc, khói và bụi lan tỏa với cường độ lớn trong bầu khí quyển, khiến cho cây cối cũng như con người gặp khó khăn trong việc hô hấp và quang hợp.
Có 2 nguyên nhân gây ô nhiễm không khí chính hiện nay là do con người và những nguồn ô nhiễm từ tự nhiên
- Nguồn tự nhiên: chủ yếu là gió đưa bụi đi xa do không bị cây cối cản trở, khí gas thải ra từ quá trình tự nhiên (carbon dioxide từ quá trình hô hấp của động vật, khí CH4 thải ra từ gia súc, …) hay khói bụi từ những đám cháy tự phát, núi lửa phun trào,…
- Con người: hầu hết là từ các hoạt động giao thông vận tải, hoạt động công nghiệp,.. thải ra một lượng lớn khí nitơ dioxit ( NO2) và các hạt bụi nhỏ xíu.
Ô nhiễm không khí khiến hơn 3 triệu người chết sớm mỗi năm, nó đe dọa gần như toàn bộ cư dân thành phố lớn trên thế giới, đặc biệt là tại các nước đang phát triển. Nồng độ nitơ dioxit cao trong không khí là một trong những nguyên nhân gây ra các bệnh về tim và phổi, góp phần vào cái chết sớm của hơn 40.000 người Anh mỗi năm. Vào năm 1952 tại London, khói bụi dày đặc như sương mù trong 4 ngày đã giết chết khoảng 12.000 người. Cuộc khủng hoảng này đã đưa chúng ta đến một nhận thức mới về mức độ nguy hiểm của ô nhiễm không khí và sự cần thiết phải bảo vệ không khí.
Còn một nhân tố khác đứng đằng sau còn nguy hiểm hơn rất nhiều khí NO2 – một yếu tố chúng ta thường xuyên tiếp xúc: đó là bụi.
Trong năm 2017, một kết quả nghiên cứu quan trắc đã phát hiện ra loại bụi mịn PM 1,0 và PM 2,5, thậm chí cả bụi nano ( kích thước ≤0,1 µm) phân bố nhiều trong không khí. Loại bụi này có thể dễ dàng đi thẳng vào phổi và máu do kích thước rất nhỏ, thậm chí bít các lỗ trao đổi oxy ở phế nang, tác động đến cấu trúc DNA.
Đây là một trong những nguyên nhân ô nhiễm môi trường không khí nặng nề như hiện nay. Vậy thì rốt cuộc bụi siêu nhỏ và mịn PM 1,0 và PM 2,5 là những chất gì và chúng nguy hiểm như thế nào?
Trước hết, chúng ta biết rằng bụi PM 1,0 và bụi PM 2,5 là những hạt dạng lỏng, hoặc rắn trôi nổi ngoài không khí, chúng đều là các hạt bụi có kích thước siêu nhỏ và chỉ có thể nhìn thấy dưới kính hiển vi. Các nhà khoa học đã sử dụng chỉ số PM 10, PM 2.5, PM 1.0 nhằm thể hiện hàm lượng tiêu chuẩn của các hạt dạng lỏng, rắn trôi nổi trong 1 m3 không khí.
Hiểu một cách đơn giản:
- Chữ PM tên đầy đủ trong tiếng Anh là Particulate Matter, nghĩa là chất dạng hạt (rắn hoặc lỏng).
- 1,0 là kích thước các hạt có đường kính ≤ 1 micromet ( 1 micromet = 1 phần triệu mét); 2,5 là kích thước các hạt có đường kính ≤ 2,5 micromet, nghĩa là bạn có thể xếp 400 hạt bụi cớ này lên 1mm. Bằng cách so sánh theo công nghệ thực tế ảo 1 hạt cát thông thường có kích thước gấp 20 lần 1 hạt bụi PM 2,5. Và tượng tự như vậy với ký hiệu PM 10.
Tác nhân gây biến đổi ADN và các căn bệnh nguy hiểm liên quan đến thần kinh cùng hô hấp
Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Environmental Health Perspectives đã chỉ ra mối liên hệ mật thiết giữa bụi mịn 2.5, PM 1.0 đối với sức khỏe con người.
Theo thạc sỹ Vũ Xuân Đán thuộc Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động và môi trường TPHCM cho biết:
“Bụi mịn có khả năng đi sâu vào trong đường hô hấp của cơ thể vì kích thước rất nhỏ, nó có thể ảnh hưởng đến cấu trúc ADN do sự mất cân bằng về lượng oxy dẫn đến các tế bào bị tê liệt và không còn khả năng sống, ảnh hưởng xấu đến khả năng chuyển hóa chất hữu cơ của ADN.
Các chất độc có trong bụi cũng ảnh hưởng trực tiếp đến cấu trúc ADN, đặc biệt là các kim loại như Cr, Cd, Ni và chất aldehyde có thể cản trở cơ chế sửa lỗi của ADN gây ung thư phổi.”
Không chỉ làm biến đổi cấu trúc và hủy hoại ADN mà bụi mịn còn gây nhiều triệu chứng về thần kinh cũng như hô hấp:
Rối loạn tâm lý:
Theo một kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học Anh BMJ năm 2015, các nhà kho học chỉ ra rằng bụi siêu nhỏ còn có thể là tác nhân gây ra bệnh rối loạn tâm lý. Không khí bị ô nhiễm chứa đầy khói bụi dẫn đến các trạng thái ngột ngạt, khó thở, từ đó khiến cho sinh hoạt của người dân bị ảnh hưởng, dẫn đến tâm lý thay đổi bất thường, có thể gây sụt giảm trí nhớ nghiêm trọng.
Các bệnh về đường hô hấp:
Ai cũng biết hoạt động của hô hấp là đưa oxy vào trong phổi, tại đây oxy kết hợp vào hemoglobin trong máu và đưa đến các tế bào.
Bụi mịn kết hợp nhiều khí độc như SO2, NO2, đặc biệt là CO khi đi vào cơ thể, chúng kết hợp với hemoglobin trong máu ngăn cản quá trình vận chuyển oxy đến tế bào gây khó thở, chóng mặt, thậm chí có thể gây đột quỵ. Không những vậy, chất độc trong bụi đi vào cơ thể người gây triệu chứng tổn thương thành phế nang phổi, phế nang mất tính đàn hồi và giữ không khí lại, gây ra phổi ứ khí. Đây là một trong những biểu hiện của bệnh tắc nghẽn phổi mãn tính.
Ngoài các bệnh về đường hô hấp và thần kinh, bụi mịn cũng có thể khiến chỗ tắc mạch máu bình thường không nghiêm trọng bỗng nhiên bị vỡ, tạo ra nghẽn mạch, gây nhồi máu cơ tim.
Các nhà khoa học Anh ước tính ô nhiễm không khí làm giảm tuổi thọ trung bình của người Anh xuống 6 tháng, phần lớn là nguyên nhân là do đau tim, bệnh về phổi hay hen suyễn. Hiện trang này đang diễn ra ở 23 nước trong tổng số 28 nước thuộc Liên minh châu Âu (EU). Các quốc gia này đang chịu sức ép rất lớn về mặt pháp lý để đưa ra kế hoạch làm sạch không khí.
Tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay đã mức đáng báo động, nếu không kịp thời hành động thì hậu quả sẽ thực sự khó lường. Lẽ nào chúng ta muốn các thế hệ tương lai sống trên một “hố rác” thay vì một hành tinh xanh đầy sự sống?
Sơn Tùng