Cơ quan vũ trụ Châu Âu (ESA) phát hiện các đám mây và gió trên mặt tối của sao Kim hoạt động rất khác thường so với mặt sáng do ảnh hưởng của một loại sóng tĩnh nào đó mà chúng ta chưa từng biết.
Theo Iflscience, dữ liệu này xuất phát từ tàu vũ trụ Venus Express của ESA, đã đi vào quỹ đạo của sao Kim vào tháng 4 năm 2006 trước khi rơi xuống bề mặt hành tinh vào tháng 12 năm 2014. Được điều hành bởi Cơ quan Thám hiểm Không gian Vũ trụ Nhật Bản (JAXA), nghiên cứu được xuất bản trong tạp chí Nature.
Chúng ta đã biết rằng sao Kim có một vận động quay rất kỳ lạ, nơi mà gió của nó có thể quay nhanh hơn 60 lần so với vận tốc quay của hành tinh. Nhưng có vẻ như phía mặt tối, quá trình này thậm chí còn hỗn loạn hơn so với mặt sáng.
Håkan Svedhem, nhà khoa học thuộc dự án Venus Express của ESA cho biết: “Nghiên cứu này thách thức sự hiểu biết hiện tại của chúng ta về các mô hình khí hậu, và đặc biệt là sự quay vòng siêu tốc, đây là một hiện tượng cho đến nay mới chỉ được nhìn thấy ở Sao Kim”.
Nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng các đám mây ban đêm có kích thước rất lớn, không đều, bị chi phối bởi các sóng dường như đứng yên trong bầu khí quyển, được gọi là sóng tĩnh. Vào tháng Một năm nay, một làn sóng tĩnh lớn đã được nhìn thấy trên sao Kim bởi tàu vũ trụ Akatsuki, trải dài hơn 10.000 km.
Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đã sử dụng dữ liệu từ máy chụp Quang phổ Nhiệt và hồng ngoại (VIRTIS) để nghiên cứu để nghiên cứu các đám mây vào ban đêm. Họ phát hiện ra rằng chúng đã không di chuyển theo bầu khí quyển, một khám phá bất ngờ mà sau đó Akatsuki đã xác nhận.
Các sóng tĩnh được hình thành trên các vùng núi hay các điểm cao khác. Mặc dù dữ liệu này cho thấy sóng tĩnh biến mất ở các tầng mây trung bình hoặc thấp hơn, lên đến khoảng 50 km so với bề mặt.
Đồng tác giả Ricardo Hueso của Đại học Basque ở Bilbao cho biết: “Chúng tôi hy vọng sẽ tìm thấy những con sóng này ở các tầng thấp hơn bởi vì việc chúng ta nhìn thấy chúng ở tầng trên đặt ra giả thiết rằng chúng đã trồi lên từ các đám mây phía dưới. Đó là một kết quả bất ngờ, và tất cả chúng ta cần phải xem lại các mô hình trước đây về sao Kim để tìm ra ý nghĩa của nó”.
Tàu vũ trụ Akatsuki đang tiếp tục quay quanh sao Kim, vì vậy nó có thể làm sáng tỏ một số điều kỳ lạ xảy ra với hành tinh này.
Sau sứ mệnh cảm tử của Cassini, sao Kim hiện là một trong ba hành tinh nằm ngoài Trái đất bên cạnh sao Hỏa và sao Mộc có một tàu vũ trụ của con người bay trên quỹ đạo.
Hoài Anh
Xem thêm: